Nhận định của các nhà chuyên môn về thị trường bất động sản
Các Website khác - 19/09/2005
Nhận định của các nhà chuyên môn về thị trường bất động sản

Ông Trần Quang Trình - Phó Tổng giám đốc Cty cổ phần nhà đất Đô Thị Mới (TPHCM):
Tại Cty chúng tôi, con số giao dịch trong năm 2005 không bằng 30% của năm 2004. Tôi nghĩ, các đề xuất của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho Thủ tướng Chính phủ xử lý các khó khăn của thị trường bất động sản, nếu được chấp thuận cũng khó vực dậy thị trường bất động sản.
Tôi chú ý đến 2 giải pháp là hạn chế nguồn cung và xử lý vốn cho các DN.

Về nguồn cung, trên địa bàn TPHCM hiện nay quỹ đất đã rất hiếm, các khu vực đang phát triển như Nam Sài Gòn, quận 2, quận 9 từ lâu dự án đã lấp kín. Quỹ đất thô còn nhưng không nhiều, chỉ trông chờ vào đất bán đấu giá. Trong khi đó, nguồn cung từ hàng trăm dự án hiện tại vẫn rất phong phú. Chính vì vậy, việc hạn chế nguồn cung cũng không có ý nghĩa nhiều. Về nguồn vốn cho các DN, cho dù có sự can thiệp, tác động của Nhà nước thì các ngân hàng cũng không dám cho vay.

Ông Đỗ Mạnh Quân - Văn phòng nhà đất 26 Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội:
Từ giữa năm 2004, đặc biệt từ cuối năm 2004 trở lại đây, khối lượng giao dịch về nhà đất trên thị trường ngày càng giảm, gây khó khăn cho phần lớn các DN kinh doanh bất động sản. Lượng giao dịch về nhà đất giảm khoảng 50% so với trước đây. Tuy nhiên, từ tháng 8 giao dịch về nhà đất có dấu hiệu nóng lên. Giá bán nhà mặt phố, đất chia ô tăng nhẹ. Nhà chung cư cũ, nhà đất trong ngõ ngách giao dịch chậm, giá hạ.

Theo tôi, trong thời gian tới, thị trường bất động sản ở Hà Nội sẽ sôi động trở lại bởi một loạt các chính sách như: Hà Nội tạo điều kiện để đối tượng KT3 được làm "sổ đỏ"; chính sách về nhà đất cũng mở hơn đến các đối tượng là Việt kiều...Ngoài ra, khi Luật Đất đai mới đi vào cuộc sống, người dân sẽ yên tâm với những chính sách mới, giao dịch nhà đất sẽ sôi động trở lại.

Ông Đặng Văn Thịnh - phụ trách Trung tâm Tư vấn tài chính nhà đất Ngân hàng Nông nghiệp TP.Đà Nẵng:
Hoạt động giao dịch nhà đất tại trung tâm đã giảm đến 90% so với trước đây. Số lượng người bán tăng, nhưng người mua lại quá ít. Hàng loạt dự án đầu tư dàn trải khắp nơi dẫn đến cung vượt cầu, trong khi đó sức mua của người dân địa phương có nhu cầu thực lại không nhiều. Phần lớn số lượng giao dịch chủ yếu mua đầu cơ và tự nâng giá dẫn đến giá ảo.

Bên cạnh đó, ngân hàng quay lưng lại với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) vì tính rủi ro cao. Các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BĐS hiện nay đều rơi vào cảnh... không lối thoát. Ba giải pháp mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra nhằm xử lý những khó khăn của các DN kinh doanh BĐS là động thái mở cho thị trường này. Thế nhưng, vấn đề vốn - được xem là quan trọng nhất cho các DN - lại chưa đề cập rõ nên xử lý như thế nào? Phần lớn các DN BĐS đang khát vốn, vì có vốn thì các dự án mới triển khai hoàn chỉnh và lúc này hoạt động mua bán mới diễn ra.

Ngọc Huân - X.Thu - Võ Tuấn thực hiện