Liệu có thiếu gạo xuất khẩu?
Các Website khác - 19/08/2005
Giá lúa tăng cao ở ĐBSCL:
Liệu có thiếu gạo xuất khẩu?
Thanh Nguyên - Gia Khiêm

Xuất khẩu gạo tại cảng
Cần Thơ.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, đến ngày 15.8, lúa hè thu chỉ mới thu hoạch được 959.192ha, so với diện tích gieo sạ chỉ mới đạt được 62,8%. Ngoài ra, nối tiếp sẽ là vụ thu đông đã thu hoạch được 4.639ha/400.000ha, lúa mùa đang bắt đầu gieo sạ được 32.136ha/kế hoạch 380.000ha, tiếp theo đó sẽ là thu hoạch sớm lúa đông xuân vào thời điểm cuối năm... Do vậy, từ nay cho đến hết năm 2005, khả năng cung ứng lúa gạo xuất khẩu ở ĐBSCL là dồi dào. Tuy nhiên, với tốc độ tăng giá lúa như hiện nay, tình hình xuất khẩu gạo sẽ không tránh khỏi tình trạng bị chững lại...

Lượng lúa tồn trữ lớn, nhưng...
Giá lúa hàng hoá bán ra tại khu vực ĐBSCL lại tiếp tục tăng mạnh, giá phổ biến từ 2.350 - 2.370 đồng/kg, tăng 100 - 150 đồng/kg so với mức giá đầu tháng. Tại Vĩnh Long, giá lúa hè thu đã phục hồi, tăng khoảng 200 đồng/kg so với tuần trước (2.370đ/kg).

Ông Phan Nhật Ái - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long lạc quan nói: Nông dân đã gặt 65.000ha lúa hè thu, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha. Hơn một tháng nữa, 55.000ha lúa thu đông sẽ thu hoạch rộ, ước bình quân 4 tấn/ha nên sẽ không phải lo thiếu nguồn gạo cung ứng xuất khẩu. Tại Trà Vinh, nguồn tin từ Sở NNPTNT, lúa hè thu đang vào mùa thu hoạch, thương lái đã tranh thủ đến tận ruộng thu mua lúa. Giá lúa tươi tại ruộng trên 2.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại An Giang, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang khẳng định, lượng lúa hàng hoá trong dân còn khoảng 1 triệu tấn. Năm nay, An Giang sản xuất thêm 83.000ha lúa vụ 3 nên An Giang tin rằng có đủ gạo để bán cho các bạn hàng. Tuy nhiên, ông cho biết, vụ hè thu 2005 là vụ lúa trúng nhất từ trước tới nay, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha.

Sản lượng lúa từ 210.000ha, ước tính khoảng 1,150 triệu tấn. Ở Đồng Tháp, dự kiến 186.500ha lúa hè thu cho sản lượng gần 1 triệu tấn. Kiên Giang thu hoạch hơn 107.000ha/240.000ha lúa hè thu, năng suất bình quân 4,51 tấn/ha, ước đạt sản lượng khoảng 1.008.000 tấn. Người ta ước tính, sản lượng lúa hàng hoá cả năm 2005 của Kiên Giang trên 1,8 triệu tấn, sau khi đã cân đối lúa lương thực, để giống, chăn nuôi, hao hụt... Kiên Giang đang kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh thu mua tạm trữ 50% sản lượng lúa hè thu, thì làm sao mà thiếu gạo cung ứng xuất khẩu?

Ai làm nên nỗi...
Theo nguồn tin riêng của Báo Lao Động, việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo lợi nhuận hiện không cao. Ngay cả những hợp đồng với Philippines được xem là "ngon xơi" nhất cũng chới với vì giá bán trong dân tăng cao và nhanh quá. Tâm lý của người sản xuất lúa là khi giá vừa tụt giảm thì đua nhau đưa lúa ra bán, nhưng khi lúa chớm tăng giá lại cố kìm giữ, nhất là đối với hộ nông dân khá giả. Chính vì thực trạng đó, các DN xuất khẩu lương thực sẽ gặp không ít khó khăn.

Hiệp hội Xuất khẩu lương thực cũng đã lường trước tình huống và đưa ra dự đoán giá lúa sẽ tăng mạnh vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, từ đầu vụ có khuyến cáo các thành viên của hiệp hội không nên nóng vội ký những hợp đồng giá lúa thấp, chờ tham gia vào các hợp đồng tập trung (Philippines, Trung Đông...) để được giá cao hơn.

Còn với thị trường nhỏ lẻ, nên thận trọng và chỉ ký ở mức giá từ 250USD/ tấn trở lên đối với gạo 5% tấm (giá một tấn gạo 5% tấm hiện nay là 255USD trở lên). Thế nhưng, khi giá lúa tụt giảm hồi tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã "xé rào", thả tay ký hợp đồng với Châu Phi ở mức giá từ 230-232USD, thậm chí có doanh nghiệp ký dưới 230USD/ tấn. Giá lúa tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" với các hợp đồng kiểu "trời ơi".

Giới am hiểu cho biết, tính đến ngày 15.8, tổng sản lượng gạo xuất đi là 3.517.262 tấn, với mức giá bình quân là 248,67USD/tấn gạo. Đây là sản lượng xuất khẩu gạo và giá xuất cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm trở lại đây. Khả năng, sản lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ đạt từ 4,2 - 4,3 triệu tấn.