Tàu đánh cá ở ĐBSCL trước cơn bão tăng gia xăng dầu: Lo gần cho những chuyến xa bờ Như giọt nước tràn chiếc ly đã đầy ắp bất trắc, cơn bão tăng giá dầu đã đẩy hàng ngàn con tàu đánh bắt hải sản ở ĐBSCL vào chân tường của sự nan giải, mà mọi nỗ lực đều dễ dẫn đến bế tắc.
Đang cao điểm "con nước" tháng 6, theo thông lệ tàu đã ra khơi khai thác, vậy mà trên cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) vẫn đầy ắp những con tàu rũ rượi nằm neo bến, còn các ông chủ thì bặt tăm chim cá. Đã hơn 10 ngày nay, ông Võ Văn Đực - chủ đoàn tàu Phước Thiên - lang thang từ sáng sớm đến tối mịt mới trở về vì sợ không kềm được lòng khi tận mắt chứng kiến hai con tàu của mình nằm phơi mưa, nắng. Ông nghẹn ngào: "Đây là thời điểm đau khổ nhất trong suốt mấy chục năm gia đình tôi gắn bó với nghề biển. Sau mấy lần dầu tăng giá, chi phí đánh bắt đội thêm 15 triệu đồng/chiếc, trong khi đó giá cá sụt giảm nên mỗi lần nhổ neo tàu là coi như lỗ trắng cả trăm triệu". Theo thống kê của Sở Thuỷ sản Cà Mau, đến đầu tháng 6.2006, đã có 300/3.618 tàu đánh bắt xa bờ phải nằm bờ do đội giá nhiên liệu và từ nay đến cuối năm ngư dân Cà Mau phải tốn thêm khoảng 35 tỉ đồng. Trong khi đó, giá hải sản lại ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Với cú đúp này, sẽ có thêm nhiều con tàu gục ngã thảm hại. Tuy nhiên, trước mắt đã có không ít người dự tính bán hết tàu và nhà cửa để đổi nghề. Không riêng gì Cà Mau, nhiều ngư dân trên vùng biển Đông như Bạc Liêu, Sóc Trăng... cũng rơi vào cảnh khốn đốn này. Còn ở vùng biển Tây, tàu đánh bắt xa bờ cũng không thoát khỏi vòng xoáy tăng giá nguyên liệu. Theo báo cáo nhanh của Sở Thuỷ sản Kiên Giang, toàn tỉnh đã có trên 400/7.400 chiếc nằm bờ vì chủ tàu không còn cách xoay vốn để cầm cự cho những chuyến ra khơi. Tuy nhiên, trên thực tế con số này cao hơn. Theo báo cáo của Sở Thủy sản Kiên Giang, do tác động của con người, ngư trường đang cạn kiệt (năng suất bình quân trên 1 CV trong 5 năm qua đã giảm gần 0,10 tấn) nên nhiều chủ tàu đã liều mình đưa tàu ra xa bờ tìm nguồn cá, thậm chí họ còn vượt khỏi hải phận bất chấp điều kiện an toàn. Tại Cà Mau, trong 5 tháng đầu năm đã có 16 chiếc tàu vi phạm vùng lãnh hải, tăng hơn cả năm 2005. Còn tại Kiên Giang, từ đầu năm đến nay đã có 14 chiếc "vượt biên", tăng gấp đôi năm trước. Nhưng cho đến nay, các sở thuỷ sản vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để răn đe các trường hợp này. Còn ở Kiên Giang, tuy cảng cá Tắc Cậu sầm uất, nhưng ngư dân lại ngao ngán với phương thức gối đầu. Trong khi đó, các chủ tàu phải giải quyết dứt điểm khoản tiền cho ngư phủ và chuẩn bị cho chuyến đi mới và cả tiền dự phòng cho cơn lốc ăn quỵt đang diễn ra trên diện rộng trong đối tượng ngư phủ. Ông Nguyễn Thành Phải - Phó trưởng Công an thị trấn Sông Đốc - cho biết: "Hiện có đến 100% chủ tàu ở Sông Đốc bị ngư phủ mượn tiền rồi bỏ trốn. Có người bị mất trắng trên 100 triệu đồng/năm". Và đến nước này, nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía cơ quan hữu trách thì đoàn tàu chủ lực trên ngư trường lớn nhất quốc gia này sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ tan rã. Lục Tùng |
▪ TPHCM: Ngày 1.7.2006 chưa thể thi hành Luật Nhà ở (30/06/2006)
▪ Chế tạo gần 10.000 tấn thiết bị cơ khí để xuất khẩu (30/06/2006)
▪ TPHCM: Vay tiền xây nhà trả góp kéo dài 20 năm (30/06/2006)
▪ Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn): Hàng hoá ùn tắc nhiều (30/06/2006)
▪ 3 khuyến cáo khi VN gia nhập WTO (29/06/2006)
▪ Nhật Bản muốn liên doanh sản xuất thiết bị cảnh báo tự động (29/06/2006)
▪ Việc xem lại thuế tôm sẽ kéo dài 18 tháng (29/06/2006)
▪ Thuỷ điện Sê San 3: Khởi động không tải thành công tổ máy số 2 (29/06/2006)
▪ Bình Định: Công bố quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Phù Cát (29/06/2006)
▪ TPHCM: Đình chỉ hoạt động 47 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (29/06/2006)