Lúa hàng hoá sẽ không ứ đọng
Các Website khác - 13/02/2009

Xuất khẩu gạo năm 2009 mới “chạy” chưa đầy hai tháng, tín hiệu thị trường khá khả quan. Nông dân một số địa phương đang thu hoạch lúa đông xuân đầu vụ, năng suất trung bình cao, đạt khoảng 6,5 tấn/ha. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, năm nay nông dân có bán hết lúa, mức giá mà doanh nghiệp thu mua có đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa?

Ông Trương Thanh Phong 

Trao đổi với SGTT, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tổng giám đốc tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết: thị trường xuất khẩu gạo năm nay có thể mang đến thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân đến hết tháng 6, nghĩa là chúng ta sẽ tiêu thụ và bán trọn vẹn hết lúa đông xuân và gạo còn tồn kho từ năm 2008 để lại.

Nhận định này là dựa trên cơ sở các hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký. Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ký lượng gạo xuất khẩu giao đến nửa năm 2009 lên tới ba triệu tấn, chưa kể 150.000 tấn đã có khách mua nhưng doanh nghiệp chưa đăng ký lên VFA. Trong số hợp đồng nói trên, lượng gạo ký tập trung cấp Chính phủ là 1,9 triệu tấn, còn lại do doanh nghiệp tự đàm phán ký thương mại. Với số lượng chân hàng dồi dào như vậy, nông dân hoàn toàn có thể yên tâm về khâu tiêu thụ. Năm nay, chắc chắn sẽ không có chuyện lúa hàng hoá ứ đọng như năm 2008.

Năm 2008 sở dĩ lúa bị ứ đọng, vì doanh nghiệp cho rằng nông dân trồng lúa kém chất lượng (giống IR 50404) không được thị trường ưa chuộng. Nhưng năm nay do kinh tế khó khăn, các nước nhập khẩu lại có nhu cầu mua gạo giá rẻ, trong khi vụ đông xuân này nông dân gieo sạ chỉ có 15% diện tích lúa thường, còn lại là lúa chất lượng cao. Vậy, liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp đem gạo chất lượng cao bán với giá gạo thường?

Không có chuyện đó. Thị trường gạo đã phân khúc rất rõ từ trước tới nay, dù kinh tế có khó khăn như thế nào. Nghĩa là, những nước vốn là khách hàng quen thuộc, nhập số lượng lớn gạo của chúng ta vẫn giữ nguyên cơ cấu chủng loại gạo chứ không thay đổi từ cấp cao sang thường. Trong số trên ba triệu tấn gạo đã ký, có khoảng phân nửa là gạo thường. Hiện chúng ta đã có 800.000 tấn gạo hè thu tồn kho từ vụ trước, cộng thêm 15% diện tích lúa thường (IR 50404) mà nông dân gieo cấy vụ đông xuân này nữa là hoàn toàn có thể đáp ứng nguồn hàng gạo cấp thấp theo hợp đồng đã ký. Mức giá xuất bình quân cho lô hợp đồng nói trên cũng lên tới 430 USD/tấn, thậm chí có hợp đồng xuất khẩu gạo 5% tấm đạt 549 USD/tấn chứ không thấp chút nào.

Chi phí sản xuất lúa chất lượng cao tăng 15 – 20% so với lúa thường. Với giá xuất khẩu như vậy liệu đảm bảo để nông dân có lời không thưa ông?

Theo khảo sát của bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, do chi phí (phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công, xăng dầu…) sản xuất lúa năm nay giảm đáng kể nên giá thành lúa trung bình chỉ vào khoảng 1.641đ/kg, có nơi báo cáo 2.000đ. Vừa qua, Thủ tướng chính phủ cũng đã chấp nhận đề xuất của bộ Nông nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải bán giá gạo sao cho đảm bảo mua lúa cho nông dân từ 3.500đ/kg trở lên. Căn cứ vào mức giá gạo xuất bình quân sáu tháng đầu năm nay, tôi khẳng định rằng giá lúa hàng hoá mà doanh nghiệp mua vào sắp tới sẽ dao động từ 4.000 – 4.500đ/kg. Còn hiện nay, nông dân đang bán lúa tươi hạt ngắn, loại thường từ 3.200 – 3.500đ/kg, loại tốt hạt dài khoảng 4.200 – 4.450đ/kg. Với mức giá như vậy, sau khi trừ đi chi phí giá thành, có thể thấy vụ đông xuân năm nay nông dân đang có mức lời khá cao.

Năm nay, người nông dân có thể không còn mối lo lúa thừa không tiêu thụ được. Ảnh: Lê Quang Nhật

Cơ chế điều hành xuất khẩu lúc ngưng, lúc mở như thời gian vừa qua kìm hãm tính năng động tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp, việc áp đặt giá sàn cũng vụt mất nhiều cơ hội bán gạo. Năm 2009 sẽ như thế nào?

Năm nay sẽ không điều hành theo tháng hay quý như trước mà căn cứ vào chỉ tiêu xuất khẩu gạo cả năm để điều phối. Ví dụ, chỉ tiêu xuất khẩu gạo 2009 sẽ vào khoảng 4,5 – 5 triệu tấn, kim ngạch khoảng hai tỉ USD. VFA sẽ căn cứ trên chỉ tiêu này để phân bổ lượng gạo ký hợp đồng, giao hàng theo từng thời gian trong năm nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp ký hợp đồng dồn cục vào một thời điểm, rồi ào ào thu mua nguyên liệu, tạo ra cơn sốt về giá và cung cầu trên thị trường. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp được hoàn toàn tự do ký hợp đồng nhưng phải đăng ký số lượng về VFA để theo dõi. Tôi cho rằng, lượng gạo mà doanh nghiệp đã ký hợp đồng giao hàng đến hết tháng 6.2009 trên ba triệu là phù hợp với sản lượng lúa 9,4 – 9,5 triệu tấn của vụ đông xuân, trong đó lúa hàng hoá dành cho xuất khẩu tương đương 2,4 triệu tấn gạo.

Còn vấn đề giá sàn. Do yêu cầu phải thu mua lúa từ 3.500đ/kg, đảm bảo nông dân có lời nên VFA vẫn phải quy định mức giá sàn xuất khẩu định hướng để doanh nghiệp thực hiện. Cụ thể, gạo 25% tấm giá sàn hiện nay là 390 USD/tấn, gạo 5% là 420 USD/tấn. Nếu không làm như vậy, sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh bán phá giá, rồi quay lại ép nông dân thu mua lúa gạo giá thấp.

Theo SGTT