Phải là tiêu dùng trong nước
Các Website khác - 13/02/2009

Tăng trưởng của kinh tế thực ở đầu vào phụ thuộc vào yếu tố vốn, ở đầu ra phụ thuộc vào tiêu thụ. Vấn đề vốn đã có hướng giải quyết, khi Nhà nước đưa ra gói tài chính một tỉ USD (tương đương 17 nghìn tỉ đồng) thông qua cấp bù lãi suất để làm “vốn mồi” kéo theo khoảng 420 nghìn tỉ đồng vốn tín dụng hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Nhưng quan trọng hơn là tiêu thụ..

Buôn bán ế ẩm, có tình trạng nhân viên bán hàng... ngủ trong quầy hàng. Ảnh: H.T

Tiêu thụ không chỉ làm giảm lượng sản phẩm tồn kho lớn (hiện đã chiếm tới 5% GDP, cao gấp đôi tỷ lệ của các năm trước), mà còn tạo điều kiện cho lượng vốn ở đầu vào đưa vào sản xuất, bởi sản phẩm không tiêu thụ được thì cũng chẳng dám vay vốn để sản xuất, mặc dù lãi suất vay vốn đã xuống rất thấp.

Tiêu thụ bao gồm xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Từ tháng 10.2008, kim ngạch xuất khẩu tháng sau thấp hơn tháng trước và đạt mức thấp (dưới 5 tỉ USD), đến tháng 1.2009 chỉ còn 3,8 tỉ USD, giảm 18,6% so với tháng trước và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm của xuất khẩu diễn ra ở hầu hết các nhóm, mặt hàng chủ lực, do cả yếu tố lượng xuất khẩu giảm và giá xuất khẩu giảm. Chỉ tính các mặt hàng dầu thô, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều do giá giảm đã làm giảm 671 triệu USD, bằng 55,3% tổng mức giảm của tổng kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước.

Có bốn nguyên nhân làm cho xuất khẩu giảm. Một, do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhất là các nền kinh tế phát triển là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam đang bị tác động của khủng hoảng. Hai, do giá xuất khẩu giảm mạnh. Ba, khâu thanh toán gặp khó khăn do ngân hàng các nước thắt chặt tín dụng nhập khẩu. Bốn, nguồn hàng một số mặt hàng bị giảm (than đá, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, chè…).

Tình hình hiện nay, rất khó đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng vẫn còn có thể hy vọng với tiêu thụ trong nước. Tiêu thụ trong nước biểu hiện rõ nhất là tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Chỉ tiêu này của tháng 1 so với cùng kỳ tăng 27,1%, nhưng chủ yếu do tăng giá; nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng (bình quân tháng 1.2009 so với cùng kỳ năm trước tăng 17,48%), thì chỉ còn tăng 8,2%. Con số này được nhìn từ ba mặt. Một mặt, nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì tăng 8,2% là con số khá cao; do đó việc quay về khai thác thị trường trong nước của các doanh nghiệp là đúng hướng, là “cứu cánh” để ngăn chặn suy giảm kinh tế, ngăn chặn thất nghiệp và thiếu việc làm. Mặt khác, nếu so với tốc độ tăng 11,7% của cùng kỳ năm trước thì đây là con số thấp hơn nhiều. Mặt khác nữa, nếu tết năm ngoái đến vào tháng 2, còn tết Kỷ Sửu đến vào 26.1, thì con số 8,2% là con số khá thấp (chưa bằng một nửa tốc độ tăng 17,8% của tháng 2 năm trước). Như vậy, sức mua trong nước đã bị sụt giảm. Điều này cảnh báo về một trong những yếu tố quan trọng làm suy giảm kinh tế, đồng thời cũng gọi ra địa chỉ và trọng điểm của các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm công ăn việc làm.

Để kích cầu đầu tư, tiêu dùng, ngoài các giải pháp hỗ trợ lãi suất, giảm và giãn thuế như hiện nay, cần tập trung cho việc tiêu thụ và coi đây là giải pháp số một. Để tiêu thụ, một mặt cần hạ giá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, bởi mặt bằng giá thể hiện ở tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân tháng 1 năm nay vẫn còn tăng khá cao (17,48%) so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác bằng mọi cách giữ cho được số lao động đang làm việc để bảo đảm công ăn việc làm, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư, đặc biệt là những đối tượng gặp khó khăn do tác động của giá.

Theo SGTT