Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã được gần hai năm. Trong thời gian này, chúng ta được chứng kiến nhiều đổi thay, tốt có, xấu có. Và WTO có liên quan gì đến tình trạng lạm phát ở Việt Nam trong thời gian vừa qua? Ngay việc hai ngân hàng nước ngoài vừa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động như một ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam (một trong những nghĩa vụ của Việt Nam với WTO) cũng đã được nhìn nhận với con mắt không lấy gì làm thân thiện lắm, chủ yếu xuất phát từ lo ngại các ngân hàng nội địa, cùng với cái lý do rằng các ngân hàng nội địa còn non trẻ, yếu kém, chưa đủ sức cạnh trang với các ngân hàng ngoại. Lần giở lại và xâu chuỗi những diễn biến trong mấy năm qua, chúng ta sẽ thấy, yếu tố nội sinh là nguyên nhân chủ yếu cho những khó khăn mà Việt Nam đã và đang phải đương đầu. Ví như vấn đề lạm phát cao, có thể nói rằng, thực ra bắt nguồn từ chủ trương kích cầu đầu tư từ những năm đầu thập kỷ này của nhà nước. Theo đó là việc nới lỏng quá mức, chính sách tiền tệ và tài khóa, đẩy các chỉ tiêu tăng trưởng cung tiền tệ và chi tiêu Chính phủ lên mức quá lớn trong suốt một thời gian dài. Hậu quả của chúng đương nhiên là sự bùng phát của lạm phát sau một thời kỳ ủ bệnh suốt từ năm 2004. Chính sách tiền tệ và tài khóa thả lỏng đã tạo ra một lượng tiền nhàn rỗi với giá rẻ (lãi suất thấp) và điều kiện cho vay dể dãi. Cộng với "tinh thần WTO" ngùn ngụt trước và sau ngày Việt Nam gia nhập tổ chức này đã làm cho số tiền này được ném vào các dự án đầu tư đầy rủi ro, hoặc được bơm vào thị trường bất động sản, đẩy giá của những hàng hóa này tăng vùn vụt từng ngày. Đến đây thì yếu tố ngoại sinh bắt đầu xuất hiện. Chứng kiến cơn sốt hừng hực trên các thị trường trong nền kinh tế Việt Nam như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không thể "bình chân như vại", mang tiền đổ thêm vào chúng để mong đón bắt những cơ hội lợi nhuận. Mọi sự vật, sự việc đều tỏ ra tốt đẹp, đặc biệt qua những báo cáo phân tích của các tổ chức nước ngoài, càng biến Việt Nam thành một cái phễu khổng lồ thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Một lượng vốn ngoại tệ lớn đổ vào đã không được xử lý thích hợp (thực ra là không thể xử lý thích hợp trong một mớ những mục tiêu mâu thuẫn trói buộc Ngân hàng Nhà nước, như ổn định tỷ giá, kích thích đầu tư và tăng trưởng, đồng thời ổn định lãi suất) đã làm tăng cung nội tệ lên quá mức, dẫn đến lạm phát phi mã, trong khi giá chứng khoán và bất động sản lại càng được thổi bùng lên do tiền quá nhiều trong nền kinh tế. Nhu cầu tiêu dùng cũng bùng nổ, nối gót sự tăng trưởng quá nóng này của nền kinh tế, và kết cục là nhập siêu tăng vọt. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng sự mở cửa thị trường trong nước đi kèm với thuế nhập khẩu đã giảm đi cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng nhập siêu và làm cho Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương hơn với những cơn sốc giá cả thế giới. Nhưng nếu không làm vậy thì có nghĩa là hàng hóa trong nước vẫn đắt hơn tương đối so với hàng hóa thế giới bởi được bảo hộ bằng biểu thuế quan ở mức cao, và kết cục là lạm phát trong nước có nguy cơ tăng cao hơn nếu so với lựa chọn mở cửa thị trường nội địa. Cũng từ tâm lý quyết tâm bảo vệ thị trường trong nước và doanh nghiệp nội địa bám rễ trong tư duy nhiều người có trách nhiệm, cộng với cơ hội lợi nhuận quá lớn đề từ đầu tư chứng khoán và bất động sản, các ngân hàng thương mại nội địa đã không màng gì đến việc mài sắc kỹ năng cạnh tranh cũng như năng lực quản lý và hoạt động, mà thay vào đó là tập trung toàn lực tấn công các mảng thị trường màu mỡ này. Việc này không những càng góp phần đẩy cơn sốt giá cả của những hàng hóa này lên những đỉnh điểm mới mà còn làm họ tự suy yếu trong lúc các ngân hàng nước ngoài rục rịch nhảy vào Việt Nam theo đúng như lộ trình cam kết. Đến đây, có lẽ không khó hiểu nếu xuất hiện những kiến nghị lẫn lo ngại rằng các ngân hàng nước ngoài nếu không bị cản trở bằng một rào cản vô hình nào đó thì sẽ có ngày họ thôn tính và lấn lướt các ngân hàng nội địa. Như vậy, có thể thấy rằng yếu tố nội sinh là nguyên nhân chủ yếu cho những khó khăn mà Việt Nam đã và vẫn đang phải đương đầu. Gia nhập WTO nếu có hại thì cũng chỉ ở góc độ là sự gia nhập này sẽ khuyếch đại tác động của những yếu tố nội sinh đó. Cái lợi từ sự gia nhập này vẫn là rất lớn và giữ nguyên ý nghĩa của chúng với tư cách là một yếu tố kích thích cạnh tranh, tạo dựng sự minh bạch và hợp lý, đúng đắn trong chính sách kinh tế nội địa (ví dụ, buộc nhà hoạch định chính sách phải nhận thức được rằng nền kinh tế nội địa không còn là một ốc đảo để muốn điều khiển thế nào theo ý muốn chủ quan cũng được, chẳng hạn như chuyện nới lỏng chính sách tiền tệ nói ở trên). Đây chính là những điều kiện cần cho tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Theo Vương Trần |
▪ Giá chứng khoán sụt giảm cả hai sàn (29/09/2008)
▪ Chỉ số giá tiêu dùng năm nay sẽ dưới 25% (29/09/2008)
▪ Con đường trở thành 'đại gia Việt' (29/09/2008)
▪ Khi DN bán môi trường để làm ăn (27/09/2008)
▪ “Chưa có thời hạn ép bất động sản vào sàn” (27/09/2008)
▪ 'Giá vàng chưa hấp dẫn để mua vào' (27/09/2008)
▪ Ngân hàng quốc doanh đồng loạt tuyên bố hạ lãi suất (27/09/2008)
▪ Phỏng vấn trực tuyến về đầu tư vàng (26/09/2008)
▪ Ngân hàng Hong Kong chao đảo vì tin đồn (26/09/2008)
▪ 'Giảm lãi suất cho vay là rất cấp bách' (26/09/2008)