Kết thúc đợt kiểm tra tại các đơn vị thành viên của EVN, Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) xác định việc các nhà máy dồn dập gặp sự cố thời gian qua đã khiến cho tình hình cung ứng điện căng thẳng, có những nơi phải cắt điện sinh hoạt 7 ngày một tuần.
> EVN xin lỗi vì cắt điện trên diện rộng / Nhà đèn bị khiếu nại
ERAV cho hay trong những ngày cuối tháng 7, hai nhà máy Phú Mỹ 1 và 2 gặp sự cố, Cà Mau 1 vào giai đoạn thí nghiệm cộng với việc nước về các hồ thủy điện phía Nam như Hàm Thuận, Đa Mi, Vĩnh Sơn, Ialy, Sê San thấp, khiến cho tình hình cung ứng điện tiếp tục căng thẳng. Mỗi ngày tại khu vực phía Nam, EVN chỉ cung cấp được khoảng 10.500-11.000 MW, thiếu khoảng 2.500-3.000 MW.
Nhiều nơi bị cắt điện không báo trước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ở miền Bắc do sự cố của Nhà máy Uông Bí mở rộng cộng với nguồn khí cung cấp từ Nhà máy Nam Côn Sơn, Phú Mỹ, Nhơn Trạch không ổn định. Việc cung ứng điện theo đó gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên tình hình sẽ dễ thở hơn trong tháng 8 khi các nhà máy khắc phục xong sự cố.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng ERAV cho hay sau 2 tuần tiến hành kiểm tra vụ giám sát và cung ứng điện tại các đơn vị thành viên của EVN, tổ kiểm tra đã làm việc với 8 trong số 11 công ty cung ứng điện tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. ERAV đang tập hợp kết quả để báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ.
Theo ông, trong 3 tháng 5, 6 và 7 việc cung cấp điện gặp khó khăn ngoài nguyên nhân các nhà máy liên tiếp gặp sự cố, trách nhiệm một phần do EVN không đánh giá hết tình hình. Chính vì thế, việc cắt điện diễn ra thường xuyên, không báo trước gây bức xúc cho người tiêu dùng. Có những công ty phải cắt điện sinh hoạt lên tới 7 ngày một tuần, mỗi ngày hơn chục giờ, tức là gần như cắt hết sinh hoạt. "Cắt thường xuyên nhưng vẫn không đủ công suất điện, đó là một thực tế", ông nói.
Trả lời báo giới về khả năng khách hàng khởi kiện EVN cắt điện không báo trước, ông Thắng thừa nhận xét về Luật, trước khi cắt điện, EVN phải thông báo trước. "Tuy nhiên, theo kiểm tra của chúng tôi, các công ty thực hiện khá nghiêm túc kế hoạch cắt điện, gửi thông báo đến khách hàng, thông báo tới báo đài, thậm chí còn gọi điện", ông nói.
Dù vậy, ông Thắng cũng thừa nhận việc cắt điện khẩn cấp do rơle khi hệ thống bị quá tải thì theo quy định nhà cung cấp có thể không cần thông báo trước nhưng sau đó phải giải thích với khách hàng.
"Tuy nhiên, có vẻ như thời gian qua, công tác giải thích với khách hàng EVN làm chậm và thực hiện chưa được tốt", ông Thắng nói.
Hồng Anh
▪ Kiều hối năm nay có thể đạt 8 tỷ USD (05/08/2008)
▪ Mỹ cho nhập khẩu thanh long VN (02/08/2008)
▪ Vàng lại xuống, dầu đảo chiều tăng (02/08/2008)
▪ MobiFone giảm 16% cước thuê bao trả sau (01/08/2008)
▪ PAvietnam xử lý sự cố trong im lặng, khách hàng không hài lòng (31/07/2008)
▪ Lúa rớt giá vẫn không có người mua (30/07/2008)
▪ 96% người Việt Nam cho rằng "có tiền là hạnh phúc" (30/07/2008)
▪ Sân golf "xuống" ruộng, nông dân mang án nghèo! (29/07/2008)
▪ Bi - hài quanh nhạc chuông chờ (29/07/2008)
▪ Doanh nghiệp tự cứu: Muôn màu muôn vẻ (26/07/2008)