Tính đến thời điểm này ở VN, vẫn chưa có một thống kê chính xác nào về các loại giấy phép và điều kiện kinh doanh, song con số dự tính đã lên tới hàng nghìn. Trong khi đó, nhiều bộ, ngành vẫn tiếc nuối các giấy phép không cần thiết bởi không muốn bị tước mất "vũ khí" quản lý của mình.
![]() |
Quá nhiều giấy phép đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn. |
Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), hiện nay số giấy phép có thể thống kê được đã lên đến khoảng 300 loại thuộc 22 ngành nghề khác nhau. Trong đó, ngành văn hóa thông tin nhiều nhất với 41 giấy phép, nông nghiệp 37, ngân hàng 34, tài chính 24, bưu chính viễn thông 20...
Tuy nhiên, đây chỉ là những con số có thể thống kê được, theo VCCI, không ai có thể biết chắc chắn là hiện nay có bao nhiêu giấy phép đang có hiệu lực ở VN. Sự không rõ ràng này chủ yếu là do có quá nhiều giấy phép khác nhau do các cơ quan chính quyền khác nhau ở các cấp ban hành. Thống kê của VCCI cho thấy, có tới 55% giấy phép do chính quyền cấp tỉnh cấp, 23% do cán bộ trung ương và chính quyền quận, huyện phường xã cấp là 22%. Trong một số trường hợp, giấy phép còn tồn tại dưới dạng "chỉ đạo miệng".
Một số giấy phép có gắn trực tiếp tới quyền lợi vật chất của cơ quan có thẩm quyền ban hành giấy phép, và thường được che đậy đằng sau nhu cầu quản lý hành chính. Ví dụ, có doanh nghiệp xin giấy phép buộc phải mua nguyên liệu, thiết bị và dịch vụ của một số doanh nghiệp khác đã được chỉ định - thường có mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan ban hành giấy phép.
Hiệu lực của giấy phép thường ngắn, hầu hết các giấy phép của VN đều phải được gia hạn sau một thời gian từ 3 tháng tới 3 năm. Chỉ một số rất ít giấy phép là không có thời hạn hoặc có thời hạn dài hơn 3 năm. Chẳng hạn, bất kỳ một xe vận chuyển bê tông trộn sẵn đang hoạt động tại các điểm xây dựng tại Hà Nội đều phải xin giấy phép lưu thông trong thành phố (chỉ cho phép vào ban đêm từ 21h đến 5h sáng hôm sau). Giấy phép này được cấp cho từng công trường xây dựng và chỉ có hiệu lực trong vòng 1 tháng. Do vậy, ngay từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc công trình xây dựng, doanh nghiệp phải chạy xin giấy phép tới hàng chục lần.
Theo bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, bức tranh về môi trường kinh doanh của VN đã bị các loại giấy phép làm cho u ám hơn. Bà Lan cho biết, đến nay số doanh nghiệp tính trên đầu người ở VN vẫn còn thấp so với các nước trên khu vực. Chỉ tiêu của VN là đến năm 2010 sẽ 500.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ khó trở thành hiện thực nếu hệ thống giấy phép còn cồng kềnh như hiện nay.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, chính quan niệm và lợi ích của các bộ ngành chủ quản khác xa nhau đã cản trở việc hủy bỏ những giấy phép không cần thiết. Ông lấy ví dụ, có bộ, ngành, khi được yêu cầu bỏ một số loại giấy phép đã tỏ ra rất bất bình. "Một số cơ quan phàn nàn, Nhà nước tước giấy phép thì họ lấy gì mà quản lý. Nếu phát hiện ra có một vụ vi phạm nào thì lập tức họ đổ lỗi là do đã bị mất giấy phép nên không thể quản lý được. Và sau đó, họ sẽ bằng cách này hay cách khác để khôi phục lại các giấy phép đã bị bỏ đi đó", ông Doanh nói thêm.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng, một yếu tố khác cũng khiến quá trình xóa bỏ giấy phép không cần thiết ở VN diễn ra chậm chạp xuất phát từ chính các doanh nghiệp. "Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp cố xin cho kỳ được giấy phép để yên tâm dù thực tế không cần thiết phải có. Nhìn chung, doanh nghiệp VN thích chạy để xin được cái gì đó hơn là đấu tranh cho lợi ích của mình", bà Lan nhận định.
VN đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phải ban hành và sửa đổi một số điều luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số ý kiến lo ngại rằng, các bộ ngành sẽ lợi dụng tình hình để khéo léo "cài" vào đó những quy định có lợi cho mình và từ đó "đẻ" ra các loại giấy phép con mới. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, sự ra đời của các loại giấy phép mới có thể phải được xem như là một sự tất yếu bởi nó đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội ngày càng tăng của các cơ quan hành chính. Chỉ có điều, phải xem mục tiêu của những giấy phép đó là gì, có phục vụ cho lợi ích của cộng đồng hay không. Ông cho rằng, giấy phép không phải là công cụ duy nhất để quản lý. Nếu có biện pháp nào tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp thì nên áp dụng, có như thế mới khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Dự kiến Luật Doanh nghiệp thống nhất sắp ra đời cho phép các hiệp hội doanh nghiệp quyền kiến nghị Chính phủ rà soát, bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Ngược lại, Chính phủ sẽ rà soát định kỳ hằng năm hệ thống giấy phép hiện hành và bãi bỏ những giấy phép không còn phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Phạm Duy Nghĩa - trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Chính phủ chỉ có thể rà soát và bãi bỏ các giấy phép do Chính phủ hoặc cơ quan thuộc Chính phủ và UBND địa phương ban hành, không thể xem xét, bãi bỏ giấy phép đã được ban hành trên cơ sở các đạo luật hoặc pháp lệnh. Bên cạnh đó, một văn bản ở dạng nghị định cũng khó có thể góp phần giám sát hiệu quả.
Ông Jorge Velazquez Roa, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng, VN đang từng bước cải cách nền kinh tế theo định hướng kinh tế thị trường. Việc trước tiên VN phải thực hiện là cải cách hành chính công, đồng thời giảm gánh nặng về thủ tục pháp lý, nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh. "VN cần tập trung vào việc giảm bớt các điều kiện về cấp phép trước khi kinh doanh mới hạn chế được tác động phiền hà của thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay", ông Roa nói thêm.
Theo ông Roa, giải pháp phù hợp nhất đối với VN trong cải cách giấy phép hiện nay là thực hiện theo phương án giám sát từ dưới lên và ngược lại. Có nghĩa là, các bộ ngành tự giám sát dưới sự kiểm soát của một cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, giấy phép phải được cải thiện cả về lượng và chất, giảm số lượng giấy phép bằng cách sáp nhập những giấy phép tương tự.
Theo ông Ngô Văn Điểm, Phó trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, để có thể làm được một cuộc cách mạng về giấy phép kinh doanh trong tương lai, các cơ quan quản lý Nhà nước cần chuyển từ tư duy "quản được đến đâu mở tới đó" sang tư duy "quản lý phải theo kịp sự phát triển".
Ý kiến của bạnHà Vy - Nguyễn Thùy
▪ Trái phiếu Chính phủ chuẩn bị xuất ngoại (19/10/2005)
▪ Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (18/10/2005)
▪ Sẽ phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong tháng 10.2005 (18/10/2005)
▪ Hội nghị Bộ trưởng viễn thông tiểu khu vực (18/10/2005)
▪ 7 mặt hàng bị cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu (18/10/2005)
▪ Xuất khẩu năm 2006 có thể đạt từ 36,5- 37,5 tỉ USD (18/10/2005)
▪ Chuyến bay đầu tiên của Thai AirAsia đến Nội Bài (18/10/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 18.10 (18/10/2005)
▪ Thành lập Trung tâm Giới thiệu việc làm tại KKT Dung Quất (18/10/2005)
▪ Loại đối thủ bằng đăng ký bảo hộ (18/10/2005)