Ngân sách nhà nước có trả nợ đậy cho chính quyền tỉnh?
Các Website khác - 05/11/2005
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XI:
Ngân sách nhà nước có trả nợ đậy cho chính quyền tỉnh?

Khi thảo luận về dự án Luật Đầu tư, các ĐB đặc biệt quan tâm tới thủ tục ưu đãi đầu tư có thông thoáng và minh bạch... Đặc biệt, khi chính quyền trở thành con nợ của các nhà đầu tư, với số tiền hàng nghìn tỉ đồng thì Nhà nước có trả nợ đậy, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (ảnh) đã trả lời phỏng vấn của PV Báo Lao Động về vấn đề này.

- Mới đây, các vị ĐB Quốc hội nhận được 3 bức thư của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Châu Âu và Australia tại VN, phản ánh một số vấn đề khá nặng nề, rằng dự án Luật Đầu tư là luật thụt lùi, thậm chí nếu ban hành sẽ đẩy tiến trình đổi mới lùi lại và làm chậm bước tiến đổi mới của VN. Vậy quan điểm của Bộ trưởng thế nào?

- Khi xây dựng dự án luật, chúng tôi đã tham khảo rất nhiều ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, bản dự án cuối cùng (bản thứ 16) chúng tôi đã gửi tất cả các nơi. Khi trao đổi với các hiệp hội và các nhà đầu tư nước ngoài, đến thời điểm chót không thấy vấn đề gì cả.

Và tại thời điểm này, 7 nhà đầu tư hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia đều rất hoan nghênh và họ cho rằng, Luật Đầu tư rất thoáng, không có bình luận gì. Họ chỉ phân vân, sau khi luật ban hành rồi thì thủ tục hành chính thực hiện như thế nào để đảm bảo đúng như quy định của luật.

Chẳng hạn như dự án đăng ký cấp phép 7 ngày thì liệu có làm được 7 ngày không? Thẩm định, thì có làm đúng 30 ngày không? Có đủ thời gian mà làm không?

Chúng tôi đang tổ chức làm việc với 3 phòng thương mại, cuối cùng khi trao đổi tập trung vào 4 vấn đề, và 4 vấn đề này tôi nghĩ không có vấn đề gì lớn cả mà Quốc hội và các vị đại biểu đã cho ý kiến, chúng ta sẽ đi đến kết luận cuối cùng. Tôi cũng vừa gửi giải trình bổ sung về một số nội dung liên quan đến ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài vào dự án Luật Đầu tư.

- Các nhà đầu tư còn phàn nàn rằng, dự luật đã bỏ quyền của Chính phủ, không cho ký hợp đồng trực tiếp bảo lãnh?

- Điều đó không phải, trong Điều 65 nói rất rõ do Chính phủ quyết định, thực ra ta có hai bảo lãnh và thường sử dụng cho các công trình đầu tư theo dạng BOT có quy mô lớn. Việc chuyển đổi ngoại tệ thế nào, việc trả nợ thế nào, việc vay vốn thế nào? Thực ra ý họ muốn ghi cụ thể hơn, tôi nghĩ điều này Quốc hội cho ý kiến thảo luận, có nên ghi cụ thể hơn quyền của Chính phủ không thì Quốc hội quyết định.

- Ý kiến các nhà đầu tư nước ngoài muốn tất cả các giấy ưu đãi đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đều được ghi trong giấy phép, cho dù nhỏ hay lớn, Bộ trưởng có ý kiến gì?

- Đúng là xu hướng hiện nay họ đòi điều này. Hiện có hai ý kiến, Ban soạn thảo ban đầu cũng định rằng, đối với nhà đầu tư nước ngoài thì ghi hết vào giấy phép cho họ, nhưng khi bàn lại thấy nó nhỏ quá, ghi rất phức tạp, để áp dụng dần quy chế tự khai, hậu kiểm thì tốt hơn. Thú thực, các nhà đầu tư nước ngoài họ ngại khi tiếp cận với cơ quan thuế và tài chính, họ bảo: "Hệ thống đăng ký đầu tư rất đơn giản, nhưng hệ thống thuế, hải quan của VN rất phức tạp".

- Thưa Bộ trưởng, các nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng, khi dự luật được ban hành thì nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư có đảm bảo rõ ràng, cởi mở, minh bạch, nhất là vấn đề ưu đãi đầu tư?

- Chúng tôi đang cố gắng hết sức để tất cả các điều khoản trong nghị định Chính phủ, đều rõ ràng, minh bạch. Chúng tôi đã dự thảo nghị định kèm theo, giấy phép đầu tư chúng tôi cũng dự thảo. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tư cũng dự thảo rồi, trong đó nêu rất cụ thể các nội dung của từng điều, từng khoản, từng phần phải kê khai.

- Thưa Bộ trưởng, vừa qua có tình trạng chính quyền các tỉnh trở thành con nợ lớn (nợ nhiều tiền) của các doanh nghiệp đầu tư, điển hình là Hà Giang nợ tới gần 1.000 tỉ đồng. Vậy lỗi là do đâu?

- Sai là từ chủ trương đầu tư cụ thể của tỉnh. Mà cụ thể hơn là sai từ quyết định đầu tư của lãnh đạo tỉnh - quyết định đầu tư quá với khả năng của mình, làm theo ý muốn chủ quan của mình, trường hợp của Hà Giang là như vậy.

- Việc nợ doanh nghiệp đầu tư quá nhiều tiền, mà tỉnh không có khả năng chi trả thì ngân sách nhà nước có đi trả nợ đậy?

- Chúng tôi đang xử lý, nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cơ quan nào cho nợ thì cơ quan đó phải chịu, chẳng hạn như ngân hàng cho nợ thì ngân hàng phải chịu...

- Như vậy thì trách nhiệm hành chính thuộc về ai, thưa Bộ trưởng?

- Thuộc về người ký quyết định đầu tư.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Đỗ thực hiện