Người dân không hài lòng với cách tăng giá điện
Các Website khác - 16/03/2006

Phần đông khách hàng cho rằng không nên tăng giá điện sinh hoạt mà nên tiết giảm hao tổn điện năng hoặc có cách tính hợp lý hơn. Kết quả khảo sát của VnExpress từ sáng 15/3 cũng cho thấy trong số 1.160 người tham gia trả lời có 907 người không chọn bất cứ phương án nào do Bộ Công nghiệp đưa ra.
* 'Lựa chọn tăng giá hoặc mất điện' / Ý kiến bạn đọc VnExpress

Kể từ khi Bộ Công nghiệp chính thức công bố dự thảo phương án án điện mới, phần lớn độc giả gửi tới VnExpress đều rất bức xúc về cách tính, lý do tăng và ngay cả cách thức trưng cầu dân ý của tổ công tác liên ngành.

Trong khi các chuyên gia trong ban soạn thảo biểu giá điện mới tâm đắc với phương án 3 và 4 thì phần lớn người dân cho biết trong trường hợp bắt buộc phải tăng giá, họ dứt khoát chọn phương án 1 (không tăng giá điện sinh hoạt). Chỉ có 55 trong số 1.160 độc giả tham gia biểu quyết trên VnExpress chọn phương án 4. Phương án 2 còn bị "ghẻ lạnh" hơn, với vỏn vẹn 16 phiếu ủng hộ.

Điều chỉnh giá điện theo hướng nào?
Phương án 1
9.0%
104 phiếu
Phương án 2
1.4%
16 phiếu
Phương án 3
6.7%
78 phiếu
Phương án 4
4.7%
55 phiếu
Không tăng, nên tiết giảm hao tổn điện năng
78.2%
907 phiếu
Tổng cộng: 1.160 phiếu

Kết quả biểu quyết trên trang web của Bộ Công nghiệp cũng cho kết quả tương tự. Phương án 1 vẫn được số đông người tham gia lựa chọn, trong trường hợp bắt buộc phải tăng giá.

Ông Vòng A Lộc.

Trao đổi với phóng viên VnExpress, ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng quản lý điện năng, Sở Công nghiệp TP HCM, cho biết, khi xây dựng phương án tăng giá Bộ không hề hỏi ý kiến của các địa phương. Theo ý kiến cá nhân ông Lộc, tăng giá điện là điều tất nhiên, mỗi cá nhân, tập thể đều phải chịu thiệt một chút để không bị mất điện. Tuy nhiên phải chú ý đến khu vực nào cần tăng, nếu ở thành thị, mức tăng mỗi hộ từ 8.000 đến 10.000 đồng thì không lớn, nhưng ở nông thôn, mức sống còn thấp, đa phần là các hộ dân còn khó khăn nên mức tăng này là cao. Vì thế thì không nên tăng giá điện ở nông thôn.

Ông Lộc góp ý không nên tách mức tiêu thụ ban đầu ở con số 50 kWh mà phải để con số 100 kWh cho bậc thang đầu như hiện nay. Bởi vì mức tiêu thụ điện của một hộ gia đình ở nông thôn chỉ sử dụng đơn giản để thắp sáng, quạt cũng vượt mức 50 kWh/tháng. Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc khi tăng giá điện trong sản xuất, vì sẽ kéo giá của các dịch vụ khác tăng theo và làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ông Lê Hiếu Đằng.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc TP HCM, cũng cho rằng trong tình hình hiện nay mọi vật giá đều tăng nhưng mức lương không tăng bao nhiêu nên việc tăng giá điện sẽ gây khó khăn cho người dân. Nếu bắt buộc phải tăng thì nên giữ lại giá điện cho sinh hoạt. Hiện nay, khối dịch vụ lãng phí điện năng khá nhiều. Vì thế, cần nâng giá điện trong khu vực này để hạn chế những lúc không cần thiết.

Đồng tình với ý kiến của ông Vòng A Lộc, ông Đằng đề nghị không tăng giá bán điện ở nông thôn vì như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến người nghèo. "Mức tăng thêm từ 8-10.000 đồng/tháng đối với người dân ở nông thôn là rất cao". Riêng về tuyên bố của Bộ Công nghiệp về các phương án chỉ có giá trị tham khảo, ông Đằng quả quyết, đã đưa ra phương án thì phải lựa chọn dựa trên quyết định của người dân, không thể tự mình quyết định. Nếu phải tăng giá, ông Đằng đồng ý với phương án 3 vì mức tăng cũng không đáng kể, tuy nhiên nên có giá phải chăng cho khối sản xuất.

Ông Lê Văn Gấm.

Gia đình ông Lê Văn Gấm, hưu trí ở tổ 18, khu phố 2, phường 7, quận 3, TP HCM, chỉ dùng thắp sáng, nồi cơm điện và máy giặt, tiết kiệm lắm mỗi tháng đã tiêu thụ khoảng 150 kWh. Theo ông nên tăng giá ở khối dịch vụ như quảng cáo, khu vui chơi, nhà hàng ăn uống... những nơi tiêu thụ điện nhiều. Không nên tăng giá bán điện cho sinh hoạt.

Chị Quyền Thị Tuấn, sống tại ngõ 79 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), cho biết thu nhập cả gia đình chị được hơn 2 triệu đồng một tháng, tiền điện mất khoảng 100.000 đồng. Nếu như tăng giá điện chỉ làm ngân sách của gia đình giảm khoảng 10.000 đồng thì không có gì đáng nói nhưng thực tế qua mấy đợt tăng giá điện hầu như không có mặt hàng thiết yếu nào không ăn theo. "Ngay cái bánh bình thường chỉ 1.000 đồng, tăng giá điện người ta cũng bán lên 1.200 đồng. Lương không tăng chỉ còn cách co kéo cho đủ", chị tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Liệu, ngõ 8 phố Ngô Quyền, Hà Đông (Hà Tây), cũng tỏ ra lo lắng khi nghe tin sắp tăng giá điện. Chị nói: "Cứ tính thẳng băng thì cũng chả có gì đáng lo nhưng rồi giá cả lại đội nón theo nhau tăng vù vù. Các ông cứ thuyết phục người dân là tăng giá để tiết kiệm điện nhưng chưa cần tăng chúng tôi đã phải nghĩ đến chuyện đó rồi".

Ở gia đình chị Liệu, ngay đứa cháu lên 3 cũng có ý thức tiết kiệm, ra khỏi phòng là tắt điện, tắt tivi còn người lớn thì khỏi phải nhắc, bật bình nóng lạnh chỉ 20 phút là tắt, phòng nào không có người ít khi sáng ánh đèn. Theo chị, người dân hiện đã có ý thức lớn trong việc sử dụng điện tại gia, cần thiết hơn là chuyện giáo dục ý thức tiết kiệm ở nơi công cộng, công sở. Ngay cơ quan - nơi chị đang công tác - các vị quan chức vẫn bật điều hòa mở cửa, chỉ cần có gió trong phòng.

Sống chung với gia đình hằng tháng góp tiền cho mẹ song Anh Phạm Tiến Minh sống tại Khu tập thể Viện đo đạc bản đồ cũng khá quan tâm tới giá điện. Anh cho hay không rành cách tính giá cả nhưng đây là loại hàng hóa đặc biệt, đắt giá nào cũng phải mua, nếu buộc phải

Bà Nguyễn Thị Vân.
chọn anh sẽ lấy phương án 1.

Bà Nguyễn Thị Vân, nội trợ ở phường 25, quận Bình Thạnh, cho hay, hiện mỗi tháng tiền điện chiếm khoảng 10% tổng thu nhập của gia đình. Nếu giá điện tăng lên như vậy thì mỗi tháng gia đình phải trả thêm 20-30.000 đồng, một con số không nhỏ. Bà đề nghị chỉ nên tăng ở những nơi sử dụng điện vào mục đích kinh doanh hay thu lợi nhuận, không nên tăng giá bán điện trong sinh hoạt của người dân.

Việt Hòa - Việt Phong

Ảnh: D.K.

Ý kiến của bạn?

Theo dòng sự kiện:
'Phải lựa chọn giữa tăng giá và mất điện' (16/03)
Doanh nghiệp chật vật đối phó với giá điện (15/03)
Điện tăng giá, lạm phát sẽ khó ghìm (15/03)
Bắt đầu trưng cầu ý dân về giá điện (14/03)
Ý kiến dân về giá điện chỉ để tham khảo (11/03)
Xem tiếp»