Nguy cơ phá sản!
Các Website khác - 10/01/2006

Kế hoạch thông xe đường Hồ Chí Minh đoạn Hoà Lạc - Cúc Phương vào ngày 31.3:

Nguy cơ phá sản!

Quốc lộ 1A trong những ngày giáp Tết đông đặc xe, khiến tốc độ lưu thông chậm như rùa. Trong khi đó, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hoà Lạc đi Cúc Phương, song song với QL1 về phía tây, lãnh nhận trách nhiệm san sẻ vận lượng với QL1 đã hòm hòm, song việc hoàn tất những cây số cuối cùng lại chậm chạp đến mức dự kiến thông xe tuyến đường này vào 31.3 có thể hoàn toàn phá sản.

Ông Mighen - chuyên gia tư vấn
giám sát Cuba chỉ thiết bị của nhà
thầu nằm chờ mặt bằng đã hoen gỉ.

Nhà vẫn nằm giữa đường

Anh Nguyễn Duy Hạ - Chỉ huy trưởng công trình gói thầu do Công ty Trường An của Bộ Quốc phòng thi công từ km0 đến km13+200 bức xúc: Hiện vướng nhất là nút giao Xuân Mai thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Tây.

Tại đây, có 80 gia đình cần di chuyển, nhưng địa phương chưa giao đất tái định cư cho các hộ, nhất là 47 hộ gia đình của Trường Sĩ quan đặc công. Đây là nút thi công phức tạp, mà thời gian thông xe là 31.3 thì "tài thánh cũng khó hoàn thành kịp".

Anh Hạ còn cho biết, huyện bàn giao phần ruộng phía trong nhưng lại không di chuyển các hộ dân phía ngoài, nên dù có một phần mặt bằng mà không có lối vào để thi công.

Căng thẳng nhất về tiến độ là nhà thầu thi công 2 gói từ km28+300 đến km55+356. Hiện còn tới 25% mặt bằng chưa được giải phóng, hoặc bị dân tái lấn chiếm. Chỉ trên 27km đường, mà có tới 14 điểm còn vướng giải phóng mặt bằng. Các đoạn đường đang thi công bị cắt ngang bởi các hộ dân chưa chịu di dời.

Thậm chí, có hộ dân còn lợi dụng tình trạng đường đất, tranh tối tranh sáng ngang nhiên ngăn barie chặn xe thu tiền tại xã Thanh Nông, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình mà chính quyền địa phương không hay biết, hoặc cố tình làm ngơ.

Anh Nguyễn Xuân Toán - Giám đốc điều hành của Cty Việt Bắc thuộc Bộ Quốc phòng - mặt nhăn như bị, chỉ xuống lớp sub base đã được trải trên mặt đường hàng tháng trời, giàn xe máy đắp chiếu nằm chờ mà không được thảm nhựa vì các hộ dân ra ngăn cản than: Nhà thầu buốt ruột vì đáng lẽ đã hoàn thành công trình từ lâu. Thiệt hại về vật liệu, ca máy rất lớn mà không biết hạch toán vào đâu.

Chính quyền địa phương ỳ?
Ông Bùi Văn Huế - Trưởng phòng Chuẩn bị xây dựng của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đại diện chủ đầu tư dự án - cho biết: Tiền giải phóng mặt bằng đoạn từ Xuân Mai, Hà Tây đến Cúc Phương, Thanh Hoá đã được chuyển hết cho hai tỉnh Hà Tây và Hoà Bình. Tuy nhiên, một số người dân đã khiếu kiện do công tác đền bù của địa phương không thống nhất hoặc có sai sót.

Đơn cử, tại km32+300 - km33+110 còn 810m dài không thi công được, vì dân hai bên đường ngăn cản. Theo UBND tỉnh Hoà Bình, đây là phần diện tích nằm trong hành lang bảo vệ đường bộ nên các hộ dân thuộc Nông trường Lương Mỹ không được đền bù. Song không hiểu sao đã quyết định dứt khoát như vậy mà chính quyền tỉnh Hoà Bình lại làm ngơ cho dân ra ngăn cản nhà thầu thi công, không hề can thiệp trợ giúp công trình có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn như đường Hồ Chí Minh được sớm hoàn thành (!?).

Với nút giao của thị trấn Xuân Mai, chính quyền tỉnh Hà Tây cũng hết sức chậm trễ trong việc cấp đất tái định cư cho 80 hộ dân. Trường Sĩ quan đặc công - đơn vị phải di chuyển giải phóng mặt bằng - hết sức bức xúc vì sự chậm trễ này mà 47 hộ cán bộ, chiến sĩ của trường phải thấp thỏm không yên về việc di dời trước hay sau Tết Nguyên đán.

Việc để chậm tiến độ thông xe đường Hồ Chí Minh không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho các nhà thầu mà xét về toàn cục, là một sự lãng phí đầu tư lớn. Bởi đây là đoạn đầu và là đoạn quan trọng để san sẻ lượng xe với quốc lộ 1A, rút ngắn hành trình từ Hà Nội đi Thanh Hoá và sử dụng có hiệu quả hơn đoạn đường HCM đã thông xe Thanh Hoá - Kon Tum.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu và Bộ GTVT đã nhiều lần gửi công văn, đề nghị chính quyền tỉnh Hà Tây và Hoà Bình đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, song kết quả là tiến độ đường HCM đi qua hai tỉnh này vẫn không được cải thiện.

Bích Liên