![]() |
Giá tăng, hầu hết công nhân đi chợ lo bữa ăn đều phải mua những thứ thật rẻ tiền. Ảnh: H. Thúy |
Hàng loạt biện pháp cấp bách, quyết liệt đã được các cơ quan chức năng đưa ra nhằm hạ nhiệt “cơn bão” giá liên tục hoành hành trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, giá chưa kịp chựng lại đã có dấu hiệu gia tăng trong những tháng cuối năm. Dự báo, CPI cả năm có thể vượt qua chỉ số mức tăng trưởng kinh tế GDP
Điệp khúc giá tăng lặp đi lặp lại trong mấy tháng nay không chỉ ám ảnh người tiêu dùng bình dân mà đã in đậm dấu ấn lên đời sống mọi người. Giá tăng không có điểm dừng, dân nghèo giờ càng khổ hơn; người khá giả cũng phải tính toán lại thu chi để không “vung tay quá trán”.
Bữa cơm công nhân teo tóp dần
Một phó giám đốc Công ty Thiên Hà – đơn vị cung cấp khoảng 60.000 suất ăn công nghiệp/ngày cho biết: từ đầu năm đến nay, giá thức ăn, nguyên liệu thực phẩm tăng liên tục nên khẩu phần ăn của công nhân (CN) giảm rõ rệt. Đến nay, chỉ có một số doanh nghiệp tăng giá mua suất ăn (nhưng mức điều chỉnh không đáng kể), còn đa số vẫn giữ mức giá cũ.
Vị phó giám đốc này cho hay, dù công ty có lợi thế là phục vụ nhiều suất ăn công nghiệp, mua thực phẩm từ đầu nguồn, giá khá ổn định và chủ động giảm lợi nhuận nhưng chất lượng bữa ăn vẫn giảm đáng kể. Trước đây, nhà bếp còn chế biến những món ăn ngon, nhiều dinh dưỡng như thịt bò, gà nhưng những món này hiện đã bị gạt ra khỏi thực đơn.
Theo chủ một bếp ăn tập thể ở KCX Tân Thuận, với tình hình giá cả hiện nay, một suất ăn tạm được gồm canh, mặn, xào cho CN đủ no phải mất 7.000 đồng – 8.000 đồng. Suất ăn giá 5.500 đồng trở xuống thì phải độn nhiều đồ xào, canh.
Nhưng thực tế, đa số các công ty, xí nghiệp vẫn hợp đồng mua suất ăn công nghiệp chỉ 4.000 đồng – 5.500 đồng/suất. Thậm chí, có công ty ở KCX Tân Thuận, 10 năm nay chỉ tăng giá bữa ăn thêm 500 đồng/suất, lên 5.500 đồng/suất.
Trong khi các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp lớn đau đầu vì phải cắt giảm lợi nhuận, thương lượng giá cả với các nhà cung cấp để bảo đảm thức ăn đủ tươi, hợp vệ sinh thì rất nhiều “nhà thầu” sẵn sàng cung cấp suất ăn với giá thấp. “Tiền nào của đó, nếu giá tiền bữa ăn thấp thì nhà bếp phải tìm nguồn thực phẩm giá thấp, kể cả việc thu gom thực phẩm kém chất lượng” – chủ một bếp ăn tập thể nói.
Trong hoàn cảnh hiện nay, bữa ăn CN teo tóp dần và tùy thuộc hoàn toàn vào... lương tâm của doanh nghiệp và đơn vị cung cấp suất ăn. Phần lớn CN, với đồng lương ít ỏi đã dùng bữa ăn ở công ty, nhà máy là chính, phần ăn uống ở nhà chỉ là phụ, qua loa cho đỡ tốn kém. Với những bữa ăn xuống cấp vì giá hiện nay, không đủ năng lượng để họ phục hồi sức khỏe, nói gì đến việc tái tạo sức lao động...
Người giàu cũng khóc
GS Trần Đình Bút, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM, nhận định: Xét từng cá nhân, có thể thu nhập vẫn cao nhưng sức mua thực tế của đồng tiền giảm sút nên không những người nghèo khổ sở với “cơn bão” giá mà ngay cả những người có thu nhập tương đối cũng gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Chị Lê Anh Lan, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Phong An, thừa nhận: “Dù có mức thu nhập tương đối cao và ổn định nhưng trước đột biến của giá cả, thị trường, gia đình tôi cũng bị ảnh hưởng”.
Chị Lan diễn giải: Nếu trước đợt tăng giá, hằng tháng chị chi khoảng 1,8 triệu đồng để mua sữa và bột cho hai đứa con; 3,5 triệu đồng tiền chợ và ăn sáng; gas: 197.000 đồng; thêm chi phí điện, nước, điện thoại... tổng cộng khoảng 8 triệu đồng/tháng (chưa kể các khoản khác như đám cưới, sinh nhật).
Nay mọi thứ đều tăng từ 20% - 30%, tổng cộng chị phải chi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trước áp lực giá cả, gia đình chị phải tiết kiệm những khoản chi không cần thiết hoặc chuyển qua mua sắm các thứ rẻ tiền.
Đồng cảm với chị Lan, chị Nguyễn Thu Huyền, chủ tiệm uốn tóc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 - TPHCM, chia sẻ: Mỗi tháng chị thu nhập khoảng 15 triệu đồng nhưng trước tình hình tăng giá liên tục, chị phải dời kế hoạch có con. Lúc này nhiệm vụ lớn nhất của chị vẫn là lo cho mẹ già và đứa em còn đi học.
Gia đình anh Nguyễn Hoàng (Lý Thường Kiệt, quận 11 - TPHCM) cũng đành phải dời việc xây nhà lại vô thời hạn, do giá vật liệu xây dựng tăng phi mã...
“Cắt” nhiều khoản Anh Phạm Đông Phương, làm việc cho một công ty dược phẩm, lương tròm trèm 10 triệu đồng/tháng nhưng cả 3 tháng nay phải tiết kiệm tối đa mọi nhu cầu cá nhân: cắt giảm cà phê ở những nơi “sang”; ăn sáng không quá 10.000 đồng/ngày để có tiền mua sữa cho con. Anh Phương tự đặt ra quy định: Tiệc tùng với bạn bè còn “cắt” được chứ các khoản cưới hỏi, bệnh tật đều phải lấy từ tiền để dành. Hiện anh cũng không dám nghĩ đến đi du lịch, dù trước đó là sở thích số 1. Chị Hoàng Phi Khanh, làm việc cho công ty nước ngoài với mức lương khá cao, cũng chia sẻ: Nếu trước đây mỗi tuần ra tiệm gội đầu 2 lần thì nay chỉ dám gội đầu 1 lần/tuần. Hay mỗi tháng có thể may 2 áo mới thì nay chỉ dám may 1 cái. Việc đi xem phim, ca nhạc vào cuối tuần cũng phải cắt giảm. |
▪ Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khởi sắc (12/10/2007)
▪ Vàng biến động mạnh (12/10/2007)
▪ VN vào top 10 xuất khẩu dệt may thế giới (12/10/2007)
▪ 21 mã tăng trần, VN-Index vẫn rớt điểm (12/10/2007)
▪ TPHCM: Ngày 1.7.2006 chưa thể thi hành Luật Nhà ở (30/06/2006)
▪ Chế tạo gần 10.000 tấn thiết bị cơ khí để xuất khẩu (30/06/2006)
▪ TPHCM: Vay tiền xây nhà trả góp kéo dài 20 năm (30/06/2006)
▪ Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn): Hàng hoá ùn tắc nhiều (30/06/2006)
▪ Lo gần cho những chuyến xa bờ (30/06/2006)
▪ 3 khuyến cáo khi VN gia nhập WTO (29/06/2006)