Nhiều doanh nghiệp kêu cứu
Các Website khác - 20/10/2005
Bộ Tài nguyên - Môi trường đối thoại với doanh nghiệp phía nam:
Nhiều doanh nghiệp kêu cứu

Ngày 19.10, tại TPHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp (DN) phía nam về vấn đề đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Các DN gặp khó khăn không phải do thiếu thông tin về chính sách pháp luật mới, mà là vướng mắc từ phía chính quyền địa phương.

Một dự án phân lô bán nền ở quận 2,
TPHCM - đất ứ đọng - người nghèo
vẫn không có khả năng mua.

DN bị hành - chuyện dài nhiều tập

Trường hợp của DN tư nhân nước chấm Thanh Nhã là điển hình cho lối làm việc tuỳ tiện và quan liêu của cấp huyện. DN Thanh Nhã bị mất hơn một nửa mặt bằng sản xuất trong dự án xây dựng đường dây 500kV Pleiku - Phú Lâm, buộc phải xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng xưởng sản xuất mới ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.

Năm 2001, Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh (sau đó tách ra thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) cho rằng, khu đất của DN Thanh Nhã nằm trong dự án thuỷ lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh. Năm 2002, Ban quản lý dự án thuỷ lợi 416 cho biết, khu đất trên không nằm trong dự án thuỷ lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh.

Tưởng đã thoát quy hoạch, DN Thanh Nhã mang kết quả trả lời trở lại Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh để được giải toả quy hoạch. Năm 2003, DN Thanh Nhã lại nhận được văn bản của Cty cổ phần KCN Tân Tạo, thông báo, khu đất nằm trong dự án khu dân cư phía tây hương lộ 4.

Tiếp đó, Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh tái khẳng định là khu đất nằm trong dự án thuỷ lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh và cho rằng: "Vị trí đất sẽ được xem xét sau năm 2003 khi tiểu dự án thuỷ lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh kết thúc". Đến năm 2004, Phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân lại có văn bản thông báo: "Vị trí khu đất thuộc khu vực chưa có quy hoạch sử dụng đất".

Quá bực mình, năm 2005 DN Thanh Nhã làm văn bản hỏi Sở TNMT TPHCM thì được trả lời: "Vị trí khu đất thuộc quy hoạch khu dân cư phía tây hương lộ 4, do Cty Tân Tạo làm chủ đầu tư, hiện đang tổ chức thi ý tưởng quy hoạch cho tiết 1/2000, chưa được phê duyệt".

Hành trình đi xin chuyển mục đích sử dụng đất của DN Thanh Nhã kéo dài trong 5 năm, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, các Cty khác không cần xin chuyển mục đích, nhưng vẫn xây dựng nhà xưởng vây kín khu đất của DN Thanh Nhã.

Ông Đặng Hùng Võ - Thứ trưởng Bộ TNMT - đã tỏ ra rất bức xúc đối với trường hợp này: "Khu vực chưa có quy hoạch thì không thể căn cứ vào quy hoạch để bắt các yêu cầu khác. Không được trả lời người dân là chưa có quy hoạch, tôi sẽ can thiệp cho chuyển mục đích sử dụng đất và đầu tư ở mức độ nhất định để đảm bảo sản xuất cho DN".

Trường hợp của Cty TNHH Liên Minh ở Bà Rịa - Vũng Tàu là một điển hình khác về tình trạng tuỳ tiện của chính quyền. Năm 1990, Cty Liên Minh chuyển nhượng 4.000m2 đất, sổ đỏ có ghi là đất thổ cư. Sau đó, Cty Liên Minh đầu tư một khu phố thương mại và chợ.

Đến thời điểm hiện nay thì Sở TNMT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại yêu cầu Cty phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, mà tổng số tiền phải nộp lên đến 8 tỉ đồng. Ông Võ cho rằng, với trường hợp này, căn cứ để tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất là thời điểm thực hiện dự án, chứ không phải là bây giờ.

Đóng băng là một thành công?

Trong khuôn khổ buổi đối thoại, nhiều vấn đề của các DN kinh doanh bất động sản cũng được đưa ra bàn bạc. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị cho thực hiện cơ chế khi DN thoả thuận được 80% diện tích của dự án, 20% còn lại Nhà nước ra quyết định thu hồi để tránh cho DN tình trạng "cò cưa". Vì theo các DN, thông thường những người bị giải toả cuối cùng của dự án bao giờ cũng đòi hỏi nhiều hơn những người ban đầu, nhiều khi không thể thoả thuận được.

Theo ông Võ, việc lấy áp lực của Nhà nước để thu hồi 20% diện tích của dự án là không nên, còn việc xử lý như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho DN thì phải tính tới.

Về vấn đề cấm phân lô bán nền nhà, ông Võ vẫn tiếp tục cho rằng nhất thiết phải áp dụng để đảm bảo quy hoạch, mỹ quan đô thị, đồng thời hạn chế các DN không đủ khả năng mà vẫn đứng ra làm dự án. Việc này dẫn đến nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Hiện tại, TPHCM có khoảng 6.000 DN kinh doanh bất động sản, đây là một điều hoàn toàn không nên. Cũng theo ông Võ, sau một năm thực hiện Luật Đất đai 2003, chúng ta đã chặn đứng được nạn đầu cơ đất đai và đầu tư tiền tiết kiệm vào bất động sản. Một khi đã chặn được tình trạng đầu cơ, thị trường chỉ còn nhu cầu thực.

Giá nhà đất đã vượt quá tầm của người có nhu cầu. Chính vì vậy, thị trường ứ đọng hàng hoá. Vấn đề còn lại bây giờ là làm sao để ổn định giá bất động sản phù hợp với tình hình thực tế. Giá đất dành để sản xuất kinh doanh phù hợp với khả năng sinh lợi. Đồng thời, phải khai thông được thị trường vốn và thị trường bất động sản.

Ngọc Huân

* Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng Cty Việt Thanh, đóng tại Biên Hoà, Đồng Nai: "Cty chúng tôi phải di dời vì sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi chuyển nhượng quyền sử dụng một khu đất, thời hạn sử dụng 50 năm đã sang tên và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Sau đó, chúng tôi phải trình sổ đỏ cho Sở TNMT tỉnh Đồng Nai để xin làm dự án. Họ thu sổ đỏ của chúng tôi và cấp lại sổ đỏ mới cho thuê đất với thời hạn 4 năm. Vấn đề đặt ra, tại sao chúng tôi phải đi thuê đất của chính chúng tôi? Tại sao sử dụng đất mà phải trả tiền đến 2 lần? Luật có cho phép như vậy hay không?".

* Ông Đặng Hùng Võ - Thứ trưởng Bộ TNMT: "Luật Đất đai 2003 vẫn công nhận đất do DN tự chuyển nhượng. Không thể làm như vậy được! Ở đây có vấn đề gì đó? Ông Giám đốc Sở TNMT tỉnh Đồng Nai theo tôi là người nắm rất vững Luật Đất đai. Nếu quả đúng như DN phản ánh, chúng tôi sẽ yêu cầu chấn chỉnh".