Trong làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào VN những tháng gần đây, bên cạnh những dự án của các tập đoàn lớn với số vốn hàng triệu USD còn có hàng loạt các dự án nhỏ, vốn đầu tư chỉ vài chục nghìn USD.
![]() |
Công nhân Công ty Kiwa VN vận hành máy. |
Nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Bính (Nhà Bè, TP HCM) với khuôn viên rộng khoảng 2.000m2, không bảng hiệu, nhiều người bất ngờ khi biết đây là nhà máy vệ tinh củav Tập đoàn Kiwa (Nhật Bản). Tên tuổi thương hiệu Kiwa đã nổi tiếng trong ngành cơ khí ở vùng Kansai (Nhật Bản), đặc biệt là các loại máy đóng gói tự động được nhiều khách hàng trên thế giới biết đến. “Làn sóng Nhật đầu tư vào VN cùng với môi trường đầu tư của VN đang được cải thiện mạnh mẽ nên Kiwa không muốn đánh mất cơ hội”, ông Fumi Fokoura, giám đốc Kiwa VN, cho hay.
Nhận được giấy phép đầu tư từ tháng 2, đến giữa tháng 8 vừa qua Kiwa VN làm lễ ra mắt nhà xưởng với số vốn vỏn vẹn 100.000 USD. Nhưng máy móc thiết bị của Kiwa lại không hề khiêm tốn. “Vì sản phẩm làm ra là những bộ linh kiện dùng cho máy đóng gói tự động nên toàn bộ thiết bị, máy móc trong ngành cơ khí đều nhập loại hiện đại nhất của Nhật”, ông Lê Tấn Hưng, phó giám đốc Kiwa VN, cho biết. Theo ông Hưng, một vài năm tới tham vọng của Kiwa VN là đầu tư sản xuất toàn bộ linh kiện và tiến đến lắp ráp sản phẩm ngay tại VN.
Tại buổi làm việc với đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp VN - chi nhánh TP HCM ngày 8/9, phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp vùng Gunma (Nhật) Shigeru Ishino cho biết hiện có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành linh kiện ôtô và máy tính của Nhật rất muốn sang VN đầu tư. “Thị trường ôtô của VN chắc chắn sẽ phát triển mạnh khi VN tham gia WTO, cộng với nguồn nhân lực dồi dào, VN đang có lợi thế để thu hút những doanh nghiệp trong lĩnh vực này” - ông Shigeru Ishino cho biết. Theo ông Shigeru Ishino, hiện ở vùng Gunma có trên 1.000 xí nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ khí chế tạo máy, sản xuất linh kiện ôtô, điện tử, máy tính... Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ôtô, máy tính chiếm trên 50% và phần lớn các doanh nghiệp này đang có ý định chuyển hướng đầu tư sang VN. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2005, Hiệp hội Các doanh nghiệp vùng Gunma sẽ tổ chức thêm một số đoàn doanh nghiệp sang VN để tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư chính thức. |
Kiwa cũng sẽ không chỉ nhận đơn thuần gia công bộ linh kiện mà tiến đến nhận luôn cả phần thiết kế. Để đạt được mục tiêu này, Kiwa đưa 5 kỹ sư VN sang công ty mẹ ở Nhật để tu nghiệp và sắp tới sẽ đưa tiếp những công nhân có tay nghề sang Nhật học hỏi. “Khi những kỹ sư này về nước, Kiwa có thể mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn bây giờ gấp nhiều lần”, ông Hưng nhấn mạnh.
GAAT Corporation (Nhật) tìm đến VN với một lĩnh vực dịch vụ đang phát triển khá mạnh mẽ: tư vấn và cung ứng nguồn nhân lực cho các công ty Nhật Bản tại VN. Với số vốn đăng ký 50.000 USD, GAAT được xem là một trong những doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư khá khiêm tốn.
“Ở Nhật và một số nước khác đã xuất hiện hình thức cho thuê lao động giữa một doanh nghiệp cung ứng lao động và một doanh nghiệp sản xuất, đây là một trong những mục tiêu chúng tôi nhắm đến khi quyết định đầu tư vào VN”, ông Lê Việt Hà, Tổng quản lý của GAAT nói. Theo ông Hà, khi VN trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chắc chắn nhiều loại hình dịch vụ sẽ nở rộ và sự có mặt của GAAT tại VN cũng nhằm mục tiêu đón đầu cơ hội này.
Tại trụ sở chính của GAAT ở tòa nhà Zen Plaza (TP HCM), GAAT đã tập hợp được một đội ngũ khá hùng hậu các chuyên gia Nhật - Việt, những người đã từng sống và làm việc ở 2 nước hàng chục năm và nói tiếng Việt khá rành để làm công tác tư vấn. “Rất nhiều công ty Nhật đầu tư vào VN nhưng lại lúng túng không hiểu nhiều về văn hóa cũng như tập tục của người VN, vì vậy họ đang rất cần tư vấn về nhân sự cũng như quản lý khi lập doanh nghiệp tại VN, và nhiệm vụ của chúng tôi là làm cầu nối để những nhà đầu tư này gần gũi hơn với môi trường đầu tư của VN”, ông Hà nhấn mạnh.
“Cầu nối” đó còn được GAAT thể hiện trong sự gắn kết những kỹ sư trẻ mới ra trường nhưng lại thiếu kinh nghiệm trong môi trường làm việc với các công ty nước ngoài thông qua các lớp đào tạo ngắn hạn mà GAAT đang dự định liên kết với một đối tác trong nước để chiêu sinh.
Ở TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng... trong 8 tháng qua đã xuất hiện hàng chục công ty có vốn chỉ vài chục nghìn USD ra đời với nhiều ngành nghề khác nhau. Công ty G.A Information Technology (Nhật Bản) vừa hoạt động đầu tháng 8/2005 trong lĩnh vực thiết kế và gia công phần mềm, có vốn ban đầu chỉ 25.000 USD, nhưng số kỹ sư phần mềm lên đến vài chục, với tham vọng là sau một thời gian ngắn sẽ đưa doanh thu xuất khẩu phần mềm của công ty sang Nhật lên đến hàng trăm nghìn USD.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ ''Sống chung'' trong kinh doanh (31/08/2005)
▪ Tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ chậm lại (08/09/2005)
▪ EC chuẩn bị điều tra vụ kiện da giày (08/09/2005)
▪ Aeroflot vẫn chưa có vé cho hành khách (08/09/2005)
▪ Vietnam Airlines ngưng bán vé đi Matxcơva để hỗ trợ Aeroflot (08/09/2005)
▪ Hai DN XK cá ba sa được giảm thuế chống bán phá giá (07/09/2005)
▪ Chưa có thông tin chính thức về việc Allianz sẽ rút khỏi Việt Nam (07/09/2005)
▪ ACB được tạp chí The Banker đánh giá là ngân hàng xuất sắc tại Việt Nam (07/09/2005)
▪ Khuyến mãi - không chỉ màu hồng (07/09/2005)
▪ Xử lý nợ các tàu đánh bắt xa bờ: Như múc nước trong chậu thủng (07/09/2005)