Tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ chậm lại
Các Website khác - 08/09/2005

Theo báo cáo do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày hôm nay (8/9), khu vực châu Á được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ không cao, chỉ khoảng 6,6% trong 2 năm 2005 và 2006. Tác động của giá dầu tăng cao là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

Giá dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á giảm xuống.

Báo cáo cho biết, trong năm 2005, tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á giảm từ 5,4% xuống còn 5%. Một loạt các yếu tố gây ra tình trạng này gồm mùa màng giảm sút, giá dầu tăng cao gây ảnh hưởng tại Philippines và Thái Lan, sự suy giảm của ngành điện tử toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Malaysia và Philippines...

Đối với khu vực Đông Á, ngoài Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh với tốc độ khoảng 9,2%, các quốc gia còn lại chỉ đạt tốc độ 3,8% so với con số 4,4% dự đoán trong cuốn ADO 2005 (Triển vọng phát triển châu Á). Nguyên nhân của sự thụt lùi này xuất phát từ hoạt động xuất khẩu giảm sút của các nước trong khu vực.

Trong khi đó, sự tăng trưởng tại Nam Á vẫn tiếp tục giữ vững trong năm 2005, với nền kinh tế Ấn độ phát triển nhanh chóng hơn. Đáng chú ý là Pakistan sẽ đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong hơn 2 thập kỷ qua. Những yếu tố này sẽ góp phần nâng tỷ lệ tăng trưởng trung bình của khu vực Nam Á lên 6,6% so với mức 6,2% đưa ra trong cuốn ADO 2005.

Theo các chuyên gia của ADB, trong năm nay, các nhà xuất dầu ròng của khu vực Trung Á sẽ được hưởng lợi từ việc giá dầu leo thang. Do đó, tăng trưởng khu vực này dự kiến đạt mức cao 9%. Với việc giá dầu sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2006, ADB cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng của khu vực này trong năm tới sẽ đạt mức 9,4%, thay vì chỉ 8,8% như dự đoán trước đây.

Với tư cách là nhà nhập dầu lớn và một khu vực sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, châu Á đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do giá dầu tăng cao, báo cáo trên nêu rõ. Thậm chí một số nhà xuất dầu ròng như Kazakhstan, Papua New Guinea, và Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức khi giá dầu leo thang.

Ông Ifzal Ali, Trưởng ban Kinh tế của ADB cho biết, giá dầu đã tăng gần 75% kể từ đầu năm nay. Trên toàn khu vực, những dấu hiệu cản trở sự phát triển đang bắt đầu xuất hiện. Nếu các nước thất bại trong việc điều chỉnh thì tăng trưởng kinh tế sẽ gặp các rủi ro khác như khả năng tăng trưởng chậm lại tại Mỹ. Giá dầu tăng cao cũng góp phần vào sức ép lạm phát, và vì nhiều nước trong khu vực châu Á trợ giá hoặc kiểm soát trực tiếp giá bán lẻ các sản phẩm xăng dầu, nên tình hình này sẽ gây thêm những gánh nặng cho ngân sách quốc gia.

Theo báo cáo này, ở một vài nước Đông Nam Á và Nam Á, năm 2006 có thể nhìn thấy sự tăng trưởng bị giảm tới hơn 1% nếu giá dầu vẫn giữ ở mức cao. Châu Á phát triển có nhu cầu lớn về dầu, sản xuất khoảng 11% số dầu thô thế giới, nhưng lại tiêu thụ tới hơn 20%. Sự thiếu hụt này đang ngày càng trầm trọng hơn khi hai nền kinh tế lớn của khu vực là Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng nhu cầu về dầu.

Tại các nước nhập dầu ròng, đặc biệt tại những nước đang trợ giá các sản phẩm dầu, giá dầu tăng cao sẽ gây sức ép lên thu nhập và nhu cầu, có thể là nguy cơ gây ra lạm phát và ảnh hưởng đến ngân sách. Với các nước nghèo, nợ nước ngoài lớn, dự trữ có hạn, khả năng vay hạn chế, thì các hoá đơn nhập khẩu dầu tăng càng gây nhiều khó khăn về tài chính.

Với các nước xuất dầu ròng, giá dầu tăng cao sẽ tạo ra thêm nguồn thu nhập và có thể giúp thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, việc sử dụng các lợi tức từ dầu phải được lên kế hoạch cho một tầm nhìn trung và dài hạn. Các nước cũng phải chú ý để tránh việc tăng tỷ giá chuyển đổi thực tế một cách vội vàng.

Hà Vy