Phải hạn chế lập chuỗi phân phối tại Việt Nam
Các Website khác - 16/10/2007
Theo lộ trình hội nhập, hết năm 2008, hệ thống bán lẻ VN sẽ chính thức mở cửa.

Bộ trưởng Tuyển cho biết: Khi ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, chúng ta có cam kết sau 9 năm sẽ cho phép các nhà phân phối Hoa Kỳ được mở cơ sở tại Việt Nam. Và trong cam kết WTO thì chúng ta cũng cam kết 9 năm mà không tiến xa hơn hiệp định này.

Như vậy chúng ta đã có thời gian báo trước cho các doanh nghiệp trong nước là đến một lúc nào đấy thì thị trường bán lẻ trong nước sẽ có những “đối thủ” tầm cỡ tham gia, tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ cho các nhà phân phối nội địa.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8% một năm, Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển ở Châu Á, điều này thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước.

 

Theo thống kê, chỉ số phát triển bán lẻ của Việt Nam năm 2007 đạt 74/100 điểm, đứng thứ tư trên thế giới, chỉ sau các nền kinh tế Ấn Độ, Nga và Trung Quốc.

 

(Ông Phan Thế Ruệ, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam.)

Thưa ông, nhưng cam kết của chúng ta vẫn có những điều kiện ràng buộc, có các quy định buộc những nhà phân phối nước ngoài không thể ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam?

Chúng ta có quy định là khi các nhà phân phối nước ngoài muốn lập cơ sở bán lẻ thứ hai thì phải xin phép. Phải xem tình hình kinh tế xã hội để quyết định chứ không được tự động doanh nghiệp nào muốn lập điểm phân phối ở đâu cũng được.

Anh chỉ được lập một điểm thôi, đến điểm thứ hai thì phải xem xét cẩn thận.

Như vậy là đang có sự hạn chế các nhà phân phối nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam, thưa ông?

Quan điểm cá nhân tôi thì đồng ý cho nhiều nhà phân phối vào Việt Nam nhưng không nên cho họ thành lập các chuỗi lớn. Ví dụ vừa rồi chúng ta cho Metro thành lập 8 chuỗi. Và như vậy ai nắm được chuỗi phân phối đó thì có sức cạnh tranh mạnh.

Cam kết của chúng ta có quyền hạn chế việc mở thêm điểm bán lẻ. Do đó không nên cấp phép một cách ào ạt cho các nhà phân phối lập thành chuỗi, mở cửa thị trường thì cho phép nhiều nhà phân phối vào Việt Nam.

Thưa ông, cụ thể Việt Nam phải làm gì để hạn chế nhà bán lẻ nước ngoài thành lập các chuỗi phân phối ở thị trường trong nước?

Thời gian qua thị trường phân phối bán lẻ trong nước đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và chiếm một tỷ trọng rất quan trọng trong việc tăng trưởng GDP.

 

Thời gian qua khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta đã thực hiện lộ trình mở cửa thị trường trong lĩnh vực phân phối, bên cạnh đó việc thực thi hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng thực hiện cam kết mở cửa thị trường phân phối đối với bốn phân ngành dịch vụ phân phối là bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại.

 

(Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên.)

Phải xem nhu cầu phát triển bán lẻ trên địa bàn đó có cần thiết không. Thứ hai là số doanh nghiệp đã hoạt động ở đó như thế nào để bảo đảm phân bố nguồn lực một cách hợp lý.

Trên một địa điểm mà tập trung nhiều nhà bán lẻ sẽ gây ra lãng phí không cần thiết. Để làm được việc này thì phải xây dựng được quy hoạch bán lẻ trên cả nước, thứ hai đưa ra các tiêu chí cụ thể như mật độ dân cư trong một vùng.

Những điều ông nói có nên quy định vào văn bản pháp luật hay chỉ linh động trong công tác quản lý?

Trong cam kết thì chúng ta có ràng buộc là nhà bán lẻ khi muốn thành lập cơ sở thứ hai phải được phía Việt Nam đồng ý. Tất nhiên, cũng phải căn cứ vào các tiêu chí để tránh tùy tiện nhằm bảo đảm bảo sự minh bạch. Nếu tùy tiện thì rất dễ xảy ra sự không công bằng và dễ phát sinh tham nhũng.

Xin cám ơn ông!

Trần Hưng (thực hiện)