"Quy chế thép" bị phản đối - vì sao?
Các Website khác - 09/09/2005
"Quy chế thép" bị phản đối - vì sao?
Công Thắng

Các DN và đại lý không thể áp đặt
mức giá bán lẻ thép xây dựng trên
thị trường.

Ngay sau khi Bộ Thương mại ra quyết định 2212/2005/QĐ-BTM ban hành Quy chế kinh doanh thép xây dựng (QCKDTXD), bản quy chế này đã bị các doanh nghiệp (DN) thép phản ứng gay gắt.

Theo bản quy chế, nhà cung ứng phải có trách nhiệm ấn định giá thép xây dựng giao cho tổng đại lý và đại lý bán lẻ, ấn định giá bán lẻ thép xây dựng trong hệ thống phân phối của mình. Phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá bán lẻ do mình cung ứng.

Đối với nhà phân phối thép, phải liên đới chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá thép xây dựng đã giao cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ và hệ thống phân phối.

Các đại lý bán lẻ phải liên đới chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hoạt động kinh doanh, chất lượng và giá thép xây dựng đã bán cho người tiêu dùng. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh thép báo cáo về hoạt động kinh doanh và các yếu tố hình thành giá bán thép xây dựng.

Theo các DN, so với thực tế thị trường hiện nay, bản quy chế này đã áp đặt và can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN.

Ông Đỗ Duy Thái - đại diện Cty TNHH Thép Việt - cho rằng: Bản QCKDTXD đã làm mất tính tự chủ của các DN trong lĩnh vực này, trái với Pháp lệnh Giá được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 26.4.2002.

Đồng tình, ông Nguyễn Mạnh Đức - Phó GĐ Cty Vinausteel thẳng thắn phê phán: "Việc ban hành quy chế này không giải quyết được vấn đề bình ổn thị trường thép, mà chỉ tăng thêm sự phức tạp và khó khăn cho ngành thép".

Gay gắt, ông Nguyễn Ngọc Vinh - Tổng GĐ Cty thép Miền Nam - nói: "Thép Miền Nam không thể hiểu được cơ sở pháp lý nào của quy chế này. Việc ban hành bản quy chế nêu trên là vi phạm và chồng chéo các điều khoản trong các luật đã ban hành; làm xấu môi trường kinh doanh của các DN kinh doanh và sản xuất thép".
Chủ tịch Hiệp hội Thép VN - ông Phạm Chí Cường kiến nghị: Mặt hàng thép xây dựng không thuộc đối tượng kinh doanh có điều kiện, cũng không do Nhà nước quản lý giá như xăng dầu, điện... Nhà nước đã bãi bỏ quy định giá sàn, giá trần đối với thép từ năm 2003.

Các DN sản xuất, kinh doanh thép đều phải chấp hành pháp luật về giá và tự chịu trách nhiệm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, không có lý do gì để Bộ Thương mại áp đặt riêng cho mặt hàng thép xây dựng một quy chế kinh doanh.

Việc Bộ Thương mại quy định nhà cung ứng hoặc nhà phân phối thép xây dựng phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ là không phù hợp với nguyên tắc tự chủ kinh doanh - được quy định tại Luật DN.

Bức xúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN Nguyễn Tiến Nghi nói với PV Báo Lao Động: "Với cơ chế "mua đứt bán đoạn", làm sao các DN sản xuất thép và các đại lý tiêu thụ thép áp đặt một cách tuyệt đối giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường? QCKDTXD chỉ tạo điều kiện cho quản lý thị trường nhũng nhiễu các DN sản xuất, kinh doanh thép, các cửa hàng bán lẻ thép xây dựng".

Với những điều bất cập nêu trên, Hiệp hội Thép (ngày 6.9) đã ra văn bản kiến nghị Chính phủ đề nghị xét lại việc ban hành bản QCKDTXD cho đúng pháp luật, tháo gỡ cho các DN thép trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ.