(VietNamNet) - Phong trào “sales” (sale off - giảm giá) đang trở thành “điểm nóng” trong mùa mua sắm cuối năm nay. Tại TP.HCM, siêu thị, cửa hàng nào thiếu biển “sales” là xem như không “thức thời” và vắng khách ra vào. Hàng “sales” có sức hút mãnh liệt như thế nhưng không phải ai cũng hiểu những điều ẩn đằng sau các biển hiệu “sales” này.
Hàng "sales" thu hút khách hàng, nhất là giới trẻ. |
“Sales” giả, bán thật
Thử dạo qua một số shop có gắn các biển hiệu “Sale off”, “Big sales”... tại TP.HCM mới thấy thông tin giảm giá có sức hấp dẫn rất lớn đối với người tiêu dùng. Tại Shop thời trang Hi trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 cả một đám đông đứng lục lọi, tìm bới đống đồ “sales” đang đổ đống trước shop. Một nhóm bạn trẻ đang chọn lựa hàng cho biết, chính tấm biển “sales off 20 - 80%” đã “kéo” các bạn vào đây.
“Bình thường giá áo quần ở đây rất đắt, vài trăm ngàn/sản phẩm tụi em làm gì mua nổi, do vậy thấy giảm giá tụi em mới vào xem có mua được hàng rẻ không?”, một bạn cho biết. Đây cũng là lí do chung của phần lớn khách mua hàng “sales”: mong mua được hàng giá rẻ.
Song thực chất khách hàng có mua được hàng “đẹp” giá “bèo”?
Chị Tố Quyên, một khách hàng vừa bước ra từ Cửa hàng Hagattini (Hai Bà Trưng, Q.1) cho hay: “Tuy cửa hàng có nhiều băng-rôn sales như vậy nhưng tôi chẳng mua được món gì giảm giá cả. Toàn là sản phẩm đề-mốt (qua môđen) và chất lượng đã xuống cấp như bạc màu, xổ lông... Sau cùng, tôi chọn được món đồ ưng ý thì phải trả tiền đúng như giá niêm yết vì hàng mới thì làm gì có “cửa” sales!”.
Tương tự, sau một hồi lục lọi, tìm bới tại Shop Hi, nhóm bạn trẻ trên đã lẳng lặng bỏ đi, một bạn tỏ vẻ thất vọng nói: “Cái váy đã sales 80% rồi mà vẫn còn tới 560.000 đồng!”
Lộ “mánh” nhà buôn
Theo giải thích của nhiều nhà kinh doanh, có đến 1001 lí do “sales” như thanh lý hàng tồn kho, tổng kết cuối năm, “sales” để cạnh tranh... thậm chí, cửa hàng mới khai trương cũng để bảng “sales”. Tuy nhiên, nếu chỉ “sales” vì những lí do trên thì chẳng có gì đáng bàn, đằng này, tại TP.HCM không thiếu những cửa hàng để biển “sales” quanh năm.
Một số gương mặt có thể kể đến là Cửa hàng đồ gỗ Mỹ Anh (Cống Quỳnh, Q.1), Cửa hàng điện tử Califorina (Điện Biên Phủ, Q.1) và một số shop thời trang gần chợ Tân Định (Q.3)...
Qua khảo sát của PV tại các cửa hàng trên, đa số các sản phẩm được bày bán là do cửa hàng làm ra (đồ gỗ Mỹ Anh) hoặc tự nhập khẩu (độc quyền nhãn hiệu như đầu máy, DVD hiệu California...). Như vậy, khách hàng làm sao có cơ sở để so giá với các cửa hàng khác, phân biệt được các cửa hàng này có “sale off” thật hay không?
Nếu quanh năm cứ “sale off 62%” như Cửa hàng Califorina thì nhà buôn làm sao mà sống nổi, chưa kể đến chuyện phải lo các chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, điện, thuế... Phải chăng “sales” là “chiêu” để kéo khách hàng vào shop?
Cửa hàng siêu khuyến mãi (?!) quanh năm. |
Một minh chứng rõ hơn cho “ý đồ” này là chương trình giảm giá của chuỗi cửa hàng Bee Next (nằm trong hệ thống siêu thị Co-op Mart) vừa qua. Theo đó, Bee Next quảng cáo rầm rộ là sẽ giảm giá nhiều mặt hàng đến 83% như máy ảnh kỹ thuật số, bàn phím máy tính gõ tiếng Việt... Tác dụng thấy liền vì ngay trong ngày hôm sau đã có đông đảo khách hàng kéo đến Bee Next mua hàng.
Song thực tế không như quảng cáo, hầu hết khách hàng đều nhận được câu trả lời “hết hàng giảm giá” từ nhân viên Bee Next. Theo các nhân viên Bee Next, mỗi cửa hàng (bao gồm 5 cửa hàng) chỉ có 5 máy ảnh kỹ thuật và 20 bàn phím vi tính được giảm giá. Rõ ràng, nếu không phải vì “câu khách” thì Bee Next đâu cần thiết phải “làm lớn” một chương trình quá nhỏ như vậy.
Chỉ có người tiêu dùng thiệt!
Nói đến các mưu mô “sales” của nhà buôn, chị Hoa (Q.7) vẫn chưa hết bức xúc cho hay: mới đây, cậu con trai 17 tuổi của chị “vác” về nhà 2 cái nón (mũ) nhãn hiệu Sơn mua tại Cửa hàng nón Sơn, giá cái nón gần 360.000 đồng.
“Tôi chẳng hiểu đây là kiểu kinh doanh gì, quanh năm suốt tháng các cửa hàng thuộc hệ thống Cửa hàng nón Sơn luôn treo bảng “Mua 1 tặng 1” để dụ mấy đứa con nít. Con trai tôi nó dám bỏ ra gần nửa tháng lương của tôi để mua cái nón vì nó ham khuyến mãi “Mua 1 tặng 1”. Đến giờ tôi vẫn còn ức vì tính luôn cái nón tặng (360 ngàn đồng/2 cái- PV) thì cái giá vẫn còn ở trên trời!”
Quả thật, không cần suy nghĩ cũng biết làm gì có nhà buôn nào “tốt” đến mức tặng không biếu không cho khách hàng thêm một sản phẩm trừ phi họ đã lãi lớn trong sản phẩm đã bán. Đằng này nón Sơn áp dụng chương trình “Mua 1 tặng 1” này xuyên suốt quanh năm, từ ngày có mặt trên thị trường đến nay.
Nhộn nhạo hơn là tại các điểm bán hàng “sales” bên lề đường, hiện trên các tuyến đường lớn như Nguyễn Trãi (Q.1, Q.5), CMT8 (Q.10), đường 3/2 (Q.10)... chật kín các điểm bán “sales”, nhất là vào ban đêm.
Nhiều điểm "sales lề đường" ghi biển "áo sơ mi xuất khẩu" nhưng giá chỉ có từ 15.000 - 25.000đ/áo. |
Sở dĩ hàng “sales” dễ bề hoạt động ban đêm vì có thể “tranh thủ” mặt bằng của các công ty, xí nghiệp đóng cửa vào ban đêm. Mặt khác, đây cũng là lúc người tiêu dùng khó phân biệt chất lượng hàng hoá (do thiếu ánh sáng, chỉ có đèn đường). Nhiều người lỡ mua nhầm phải quần áo bị lủng lổ, sút chỉ, bạc màu... nhưng đành phải “cắn răng chịu đựng” vì có một qui tắc bất thành văn: mua hàng “sales” là cấm đổi, trả.
Một tiểu thương kinh doanh quần áo ở chợ An Đông cho hay, nhiều shop thời trang cũng “mối” thanh lí hàng tồn của chị. Mùa Tết họ lấy nhiều sản phẩm thật rẻ (giá chỉ từ 15.000 - 20.000đ/sản phẩm), sau đó về trương biển “sales”, thực tế giá đã sale - off 50% vẫn “1 vốn 4 lời”.
Trên thực tế vẫn có nhiều DN, cửa hàng dùng hoạt động “sales” như một món quà ý nghĩa cuối năm cho người tiêu dùng. Nhưng cũng không ít nơi lợi dụng “sales” để qua mặt, móc túi khách hàng. Để khỏi phải “ấm ức” trong những ngày Tết khách hàng nên cẩn thận, xem xét kỹ các chiêu thức kinh doanh của nhà buôn, không phải cứ cái gì giảm giá là hàng rẻ!
· Bài, ảnh: Nguyễn Sa
▪ Đường lo hàng nhập 'lấn' sân nhà (16/01/2006)
▪ Giới thiệu dự thảo Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (14/01/2006)
▪ Tin kinh tế ngày 14.1 (14/01/2006)
▪ Xây đường hầm trước Khu chế xuất Linh Trung 1 (14/01/2006)
▪ Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương (14/01/2006)
▪ Hơn 30.000 DN tham gia đánh giá chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (14/01/2006)
▪ Miền Bắc: Hàng vạn hécta lúa đông xuân thiếu nước (14/01/2006)
▪ Báo động tình trạng hàng giả, hàng lậu (14/01/2006)
▪ Cổ phần hoá DNNN năm 2006 thuận lợi hơn (14/01/2006)
▪ Rau an toàn... vướng đầu ra! (14/01/2006)