Tại buổi tổng kết đợt kiểm tra đất đai tại UBND TP Hà Nội sáng nay, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực cho hay giá đất khi thu hồi và cho thuê sẽ được tính trên mức mà các tỉnh, thành công bố, tại thời điểm thu hồi nếu không phù hợp với thị trường thì phải điều chỉnh.
![]() |
Giá đất luôn là vấn đề nổi cộm nhất. Ảnh: A.T. |
Bộ trưởng cho biết thay đổi trên đã được liên bộ Tài nguyên - Tài chính trình Chính phủ khi đề nghị sửa đổi nghị định 197.
Quy định hiện hành chỉ nêu: giá đất bồi thường do địa phương ấn định và phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường. Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quí Đôn, khi tiến hành thu hồi đất rất khó để xác định thế nào là "điều kiện bình thường" vì chỉ cần vài ngày điều kiện đó đã thay đổi kéo theo giá đất khác xa nhau. Đây cũng chính là một nguyên nhân khiến khiếu kiện về giá đất bồi thường xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Đề cập đến cách giải quyết những khiếu kiện trên, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, rất khó có thể nâng giá bồi thường lên so với khung giá thành phố đã quy định vì khi đó giá đất cho thuê, giá đất để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính lại bị kêu là quá cao. Đại diện Sở Tài chính cho hay từ trước đến nay thành phố chưa bao giờ đền bù bằng giá thị trường. Tuy nhiên, Hà Nội chủ yếu thu hồi đất nông nghiệp, trước đây giá đền bù cộng cả hỗ trợ mới được 32.000 đồng/m2 nay gấp 10 lần, dân vẫn kêu.
"Luật quy định giá đất điều chỉnh hằng năm trong khi có dự án kéo dài tới cả chục năm, đền bù ở thời điểm khác nhau giá cả khác nhau lại dẫn tới khiếu kiện. Nếu tách rời ra giải quyết được việc này lại không làm được việc kia mà lại bị sa lầy hơn", cơ quan tham mưu cho thành phố về giá đất nêu quan điểm.
Trưởng đoàn Phùng Văn Nghệ cho biết đoàn kiểm tra đã thu nhận trên 5.000 đơn thư, ý kiến, trong đó có 50 khiếu nại tập thể, có đơn hơn 150 hộ dân cùng ký. Đoàn kiểm tra đánh giá Hà Nội thực hiện khá tốt Luật Đất đai song vướng mắc lớn nhất nằm ở cung cách các cấp chính quyền cơ sở đối xử với dân. "Có nơi người dân cầm quyết định giải phóng mặt bằng lúc 8h, mà 6h đã cưỡng chế rồi. Tôi hỏi lãnh đạo quận có đúng không, không ông nào trả lời được. Hay phường Phương Liên tổ chức bốc thăm nhà tái định cư lại cử công an đứng canh chỉ cho 10 người vào một khiến dân rất bức xúc", ông Nghệ lấy ví dụ.
Tiếp thu những nhận xét từ đoàn kiểm tra, Phó chủ tịch Lê Quí Đôn cho biết đối với một số vụ việc nổi cộm thành phố sẽ kiểm tra thêm để có hướng xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, ông Đôn cho rằng cần nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát chứ chia cắt thì khó tìm được giải pháp trọn vẹn. "Riêng về giá đất, Hà Nội có tới 600 mức khác nhau, một biểu giá lại phục vụ nhiều mục đích giải phóng mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, cho thuê đất... xử lý một chiều không dễ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn cầu thị và sẵn sàng sửa chữa khuyết điểm", ông Đôn nhìn nhận.
Góp ý với Hà Nội, Bộ trưởng Mai Ái Trực đã chỉ ra những yếu kém của thành phố trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất, 10 năm mới được 58%; diện tích đất vi phạm pháp luật, sử dụng không hiệu quả tại Hà Nội khá lớn song trong 2 năm, thành phố mới thu hồi được 5 ha.
Bộ trưởng cho rằng có 3 việc thành phố cần làm ngay đó là chấn chỉnh những hiểu sai về Luật Đất đai, nhiều quy định đã bãi bỏ nhưng cán bộ địa chính vẫn hiểu theo văn bản cũ. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cần thay đổi cung cách làm việc, có nơi ra quyết định ngày 30/8 dân phải di dời, ông chủ tịch ký ngày 26 mãi đến trưa 30 người dân mới nhận được thì làm sao họ thực hiện được. "Không chỉ riêng Hà Nội mà cả nước phải chấn chỉnh. Chúng ta muốn được việc cho mình ít nghĩ cho dân. Chỉ lo thu hút đầu tư mà không lo vấn đề xã hội nảy sinh khi thu hồi đất là không được", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu thành phố chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, nhất là cấp cơ sở. "Xã Tân Triều giao 50m2 đất nông nghiệp ven đường cho dân canh tác đã vô lý, người ta cất nhà trái phép anh không giải tỏa, lại còn đánh số nhà, đến khi thu hồi đất đền bù theo giá nông nghiệp sao họ chả thắc mắc", Bộ trưởng lấy ví dụ.
Tính đến 1/9, đợt kiểm tra đất đai lớn nhất cả nước đã kết thúc. Trong tuần tới Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ có đánh giá tổng hợp lại tình hình thực thi pháp luật đất đai trên cả nước để báo cáo Chính phủ trong tháng 9 và có hướng tháo gỡ những bất cập ở tầm vĩ mô.
Phong Lan
▪ ''Sống chung'' trong kinh doanh (31/08/2005)
▪ ACB tăng vốn điều lệ lên gần 950 tỷ đồng (31/08/2005)
▪ Rộn ràng các hoạt động thương mại dịp 2/9 (31/08/2005)
▪ Thuỷ sản VN chứng minh chất lượng (31/08/2005)
▪ Giá tôm, cá Bắc Nam trái chiều (31/08/2005)
▪ Tiết kiệm năng lượng từ tầm quốc gia (01/09/2005)
▪ Thị trường bánh trung thu: Nhiều loại và... đắt (31/08/2005)
▪ Tin vắn 29/8 (30/08/2005)
▪ Xuất khẩu thuỷ sản hướng tới mục tiêu 4,5 tỷ USD (30/08/2005)
▪ EC công bố thuế chống bán phá giá đối với chốt cài VN (30/08/2005)