Hàng xuất nhập khẩu "chôn chân" tại cảng
Các Website khác - 24/05/2008

 

"Núi" container hàng đang bị ứ đọng tại cảng Vict  
Trong khi giá hàng hóa tăng một phần do cung - cầu thì tại các cửa khẩu cảng Sài Gòn, hàng hóa nhập khẩu đang bị dồn ứ. Muốn lấy hàng để làm thủ tục hải quan phải đợi 7-8 ngày và cũng phải đợi ngần ấy ngày mới có thể lấy hàng ra khỏi cảng.

Sáng 23-5, tại cảng Vict (Q.7, TP.HCM), nhiều doanh nghiệp (DN) đứng ngồi không yên vì nhiều ngày qua họ vẫn không lấy được hàng khỏi cảng để làm các thủ tục xuất nhập khẩu. Ông Trần Minh Trung, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, than thở: "Lô hàng máy móc của tôi về cả tuần mà chưa lấy ra được để làm thủ tục hải quan".

Đứt ruột vì hàng nằm cảng

Một DN "mếu máo": "Lô hàng của tôi đã thông quan cách đây ba ngày nhưng nó nằm sâu trong bãi, xếp chồng lên là 6-7 container khác nên không thể lấy ra được. Trong khi đó khách hàng liên tục gọi điện thúc giục và đòi hủy hợp đồng". Cùng rơi vào cảnh ngộ như trên, nhiều DN chỉ biết giậm chân kêu trời vì cách đây vài ngày, phía cảng Vict giội thêm gáo nước lạnh khi ra thông báo "ngưng các dịch vụ rút hàng tại cảng chờ thông báo mới". Nhiều DN nhìn hàng hóa của mình bị kẹt giữa một "núi" container mà ruột gan như lửa đốt.

Còn hàng nằm chờ ở Singapore

Ngoài lượng hàng đang "lưu trú” tại các cảng TP.HCM, hiện ở các cảng trung chuyển Hong Kong, Singapore... đang tập kết một lượng hàng rất lớn chuẩn bị nhập khẩu vào VN. Riêng Hãng tàu Maersk đang cõng 150.000 tấn trên đường về VN cũng phải nằm chờ ở Singapore.

Tại cảng Cát Lái, tình hình cũng hết sức bi đát. Các DN có hàng xuất khẩu cũng méo mặt vì không đưa được hàng vào cảng để xuất. Anh Hiền, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, ngao ngán cho biết lô hàng đông lạnh của anh bị kẹt do không thể vận chuyển được hàng vào cảng để đưa xuống tàu.

Đối với các DN nhập hàng siêu trường, siêu trọng thì càng thê thảm hơn. Ngoài lý do hàng bị kẹt do cảng quá tải, "sự kiện cầu Tân Thuận" (cấm xe trên 30 tấn qua cầu) cũng khiến các DN điêu đứng. Ông Thành, giám đốc một DN vận tải, cho biết công ty ông ký hợp đồng vận chuyển thiết bị từ cảng Vict về công trình thủy điện ở Tây nguyên. Hàng đã về cảng nhưng phải nằm chờ. Ông cho biết hiện có rất nhiều DN rơi vào tình trạng dở khóc dở mếu như ông.

Hàng hóa kẹt càng lâu thì DN càng đứt ruột. Hiện nay tại cảng Vict, giá lưu bãi một container hàng loại 20 feet là 1,6 USD/ngày, loại 40 feet là 2,4 USD/ngày; container rỗng có giá 0,8-1,2 USD.

Ứ đọng vì hàng nhập tăng vọt

Hàng hóa bị ứ đọng tại các cảng do lượng hàng nhập khẩu trong thời gian gần đây tăng mạnh. Tại Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Công ty Tân Cảng), trong bốn tháng đầu năm 2008, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái (thuộc Công ty Tân Cảng) tăng 21% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó hàng nhập khẩu tăng trên 43%. Hàng hóa dồn ứ nhiều, trong khi lượng hàng giải tỏa khỏi cảng quá chậm dẫn đến việc lưu bãi kéo dài, gây ùn ứ. Theo phán đoán của Công ty Tân Cảng, tình trạng quá tải có nguy cơ kéo dài ngày càng nghiêm trọng vì theo thông tin từ các hãng tàu thì hiện nay lượng hàng nhập khẩu vào VN đang tăng cao.

Theo nguồn tin từ Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn, từ đầu năm 2008 đến nay lượng hàng nhập khẩu về các cảng ở ngưỡng báo động. Trong tổng nguồn hàng nhập khẩu chủ yếu là nhóm nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất (trên 66%); nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng và nhóm hàng tiêu dùng.

Ngoài "cơn lốc" hàng nhập khẩu còn có nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng quá tải là do dịch vụ khai thác cảng không đáp ứng được nhu cầu xuất nhập khẩu. Nếu năm 2007 trung bình mỗi tuần hai cảng Tân Cảng và Cát Lái làm thủ tục xuất nhập khẩu cho khoảng 1.400 lô hàng thì nay con số này tăng lên 2.500 lô hàng.

Theo lãnh đạo các chi cục hải quan, hiện tượng quá tải tại các cảng đã được ngành hải quan cảnh báo từ cuối năm 2007. Hiện nay cơ sở hạ tầng, bến bãi, cầu tàu... ở các cảng không đáp ứng khả năng hàng hóa xuất nhập khẩu. 

"Giải cứu" hàng ra khỏi cảng?

Cảng quá tải

Theo ông Trương Văn Mỹ - phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1, hiện nay có khoảng 24 lượt tàu cập cảng mỗi tuần để bỏ hàng, trong khi cầu cảng của công ty chỉ tiếp nhận cùng lúc được ba tàu. Với mặt bằng khiêm tốn như hiện nay, buộc lòng phải xếp 6-7 tầng container. Khi DN cần lấy hàng thì phải đảo nhiều container, phải đợi có khi 7-8 ngày. Muốn lấy hàng ra khỏi cảng thì phải hạ bãi, di chuyển container từ lô này qua lô khác, tầng này qua tầng khác..

Theo Công ty Tân Cảng, giải pháp giảm tải cho cảng Cát Lái hiện nay là phối hợp với hải quan cho phép chuyển những container hàng vi phạm, hàng nhập còn tồn tại cảng về lưu giữ tại cảng Tân Cảng (hiện lượng hàng nhập khẩu còn tồn trên 30 ngày tại cảng Cát Lái khoảng 5.000 teus - tương đương 5.000 container loại 20 feet). Tuy nhiên cách "chữa cháy" này đang gặp khó khăn do qui định của hải quan chỉ cho phép chuyển những container có cảng đích (cảng đến theo hợp đồng ký kết giữa chủ hàng và hãng tàu) là cảng Tân Cảng.

Công ty Tân Cảng cho biết đã có văn bản đề nghị Cục Hải quan TP.HCM chấp thuận chuyển container hàng nhập khẩu từ Cát Lái về Tân Cảng cho những container có cảng đích ghi chung chung là "HCM cty Port" (cảng TP.HCM). Bên cạnh đó, nên chấp thuận cho khách hàng nhận container hàng nhập khẩu ngay tại cảng Cát Lái trong trường hợp cảng đích là Tân Cảng.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM cho biết đối với một số trường hợp do ách tắc không đưa được hàng về cảng đích thì DN đề nghị mở tờ khai tại cảng khác. Lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM sẽ căn cứ từng trường hợp cụ thể để xem xét và đề nghị hải quan nơi DN có hàng kiểm hóa hộ.

Theo các đơn vị khai thác cảng, những giải pháp trên chỉ mang tính "chữa cháy". Nếu không có giải pháp cấp bách để "giải cứu" lượng hàng đang tồn đọng ở các cảng thì tình hình sẽ càng bi đát hơn.

HOÀNG KHƯƠNG