Chỉ còn vài ngày nữa Việt Nam sẽ mở cửa cho các tập đoàn bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước lo lắng, song các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương nhận định thị trường sẽ không sôi động đến hết năm sau.
"Nhà bán lẻ trong nước nên tận dụng thời gian còn lại để có những cái cách phù hợp". Ảnh: Hoàng Hà |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh 1/1/2009 không phải là “giờ G” hay thời điểm “mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ”. Thực ra Việt Nam đã mở cửa thị trường dịch vụ và phân phối sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO (1/2007). Từ đầu năm 2009 thị trường bán lẻ tiếp tục mở cửa cho các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài tham gia. Theo Thứ trưởng, đây chỉ là một bước tiếp theo trong lộ trình tự do hóa thương mại đã cam kết với WTO. Từ đầu năm sau các doanh nghiệp nước ngoài được phép kinh doanh một số mặt hàng hiện bị hạn chế.
Thị trường bán lẻ Việt Nam tuy quy mô không lớn (55 tỷ USD trong năm 2008), nhưng rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài do mức lưu chuyển hàng hóa liên tục tăng trong những năm gần đây. Việt Nam có tiềm năng lớn về sức mua với tốc độ tăng trưởng cao và dân số trẻ. Đặc biệt, năm 2007 Việt Nam được hãng tư vấn Mỹ A.T. Kearney xếp hạng 4 trên 7 nước có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Do đó, Việt Nam luôn là một mảnh đất màu mỡ với các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Thọ Xuân cho rằng thị trường bán lẻ năm 2009 sẽ không sôi động và khốc liệt như một số dự báo. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như thị trường nội địa. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng bị tiết giảm. Trước tình hình đó, nhà đầu tư nước ngoài ít nhiều đắn đo mặc dù cánh cửa thị trường đang mở rộng.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ Công Thương, bà Hoàng Thị Tuyết Hoa cho biết từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa từ cách đây 2 năm, không có một doanh nghiệp bán lẻ mới nào xin cấp quyền kinh doanh. Chỉ có một số tập đoàn đã kinh doanh tại Việt Nam từ trước như Metro, Big C xin mở thêm các địa điểm bán lẻ. Hiện có hai doanh nghiệp nước ngoài xin cấp phép theo hình thức nhượng quyền thương mại. Bà Hoa dự đoán năm 2009 hầu như sẽ không có doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nào xin vào kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy vậy, việc các tập đoàn bán lẻ đổ bộ vào Việt Nam trong tương lai không xa là điều chắc chắn. Các chuyên gia kêu gọi doanh nghiệp nội xác định rõ mặt mạnh và yếu của mình cũng như của các tập đoàn nước ngoài để có chiến lược cạnh tranh phù hợp.
Các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô lớn và cách làm việc chuyên nghiệp. Nhưng chính quy mô vừa phải của các doanh nghiệp nội địa phù hợp hơn với cách tiêu dùng truyền thống, vốn chiếm 85% lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trong nước. Hơn nữa những tập đoàn đến từ nước ngoài không thể am hiểu văn hóa, tập quán mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam bằng chính các nhà bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hoàng Thọ Xuân cũng thừa nhận rằng có một số bộ phận người Việt chuộng dùng hàng ngoại, thích mua sắm ở các trung tâm mua sắm hiện đại. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải có những kế hoạch phù hợp để khai thác tối đa mặt mạnh và loại bỏ mặt yếu của mình. Điều này các doanh nghiệp bán lẻ nội địa ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm rất tốt.
Theo ông Hoàng Thọ Xuân, việc thị trường bán lẻ năm 2009 rơi vào tình trạng trầm lắng là điều không mong muốn. Tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng đến kế hoạch kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước của Chính phủ.
Ông Xuân khuyến cáo doanh nghiệp nội nên tận dụng lúc các tập đoàn lớn chưa đổ bộ vào thị trường để thay đổi, sắp xếp lại hoạt động, vừa để kích cầu thị trường, vừa giành lại lợi thế trên chính sân nhà.
Hiện có năm tập đoàn bán lẻ nước ngoài quy mô lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, tập đoàn Metro đăng ký kinh doanh theo hình thức bán buôn nhưng thực ra hoạt động phần lớn là bán lẻ (bán cho người mua cuối cùng). Big C hoạt động theo hình thức bách hóa tổng hợp. Parkson có mô hình bán hàng bách hóa chuyên về hàng công nghiệp. Lotte kinh doanh cả siêu thị lẫn gian hàng. Còn Louis Vuiton chỉ bán sản phẩm mang thương hiệu của họ.
Theo VnExpress
▪ Dấu hiệu “lạ” trong sữa tươi Dutch Lady (27/12/2008)
▪ Giá đất TPHCM năm 2009 tăng cao nhất là 300% (27/12/2008)
▪ Chỉ đạo giải quyết dứt điểm dự án tôm bạc tỷ “sa lầy” (26/12/2008)
▪ Khả năng BĐS “nóng” lại trong một năm là rất khó (26/12/2008)
▪ Đóng cửa hơn 70 cây xăng gian lận (26/12/2008)
▪ Vàng tăng 20.000 đồng/chỉ, USD hạ nhiệt (26/12/2008)
▪ Giảm giá tour toàn quốc: “Xẻo vào xương” thì được gì? (26/12/2008)
▪ Thị trường vàng, ngoại tệ lặng sóng (26/12/2008)
▪ Phí bảo hiểm ôtô tăng 20% (26/12/2008)
▪ Hàng nội lại bỏ lỡ cơ hội (25/12/2008)