Thị trường đường hạ 'sốt'
Các Website khác - 04/01/2006

Chỉ 2 ngày sau khi các bộ ngành tuyên bố cho phép nhập khẩu đường tinh, giá bán sản phẩm này trên thị trường giảm 300-700 mỗi kg. Nhiều nhà sản xuất, phân phối vội vã đẩy hàng ra bán do lo sợ không tiêu thụ hết lượng đường còn tồn trong kho.

Khác với tuyên bố của hiệp hội và doanh nghiệp về khả năng thiếu hụt nguồn cung khi nhu cầu tiêu thụ đường trong những ngày giáp Tết tăng tới trên 30% so với bình thường, sáng nay, lượng hàng về các chợ đầu mối đột ngột tăng mạnh.

Thu hoạch mía. Ảnh: Khuyến Nông.
Thu hoạch mía. Ảnh: Khuyến Nông.

Theo lý giải của Ban quản lý chợ, nguyên nhân dẫn đến việc giá đường hạ nhiệt là do các nhà sản xuất lo sợ sẽ bị thừa hàng một khi Chính phủ cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu đường tinh. Ông Nguyễn Chí Trung, Phó Ban quản lý chợ Trần Chánh Chiếu, TP HCM, cho biết, lượng đường về chợ trong 2 ngày qua tăng đến 50% so với thời điểm trước đó. Nguồn cung tăng, kéo theo giá cả cũng giảm đáng kể. Hiện, giá bán sỉ đường RE tại chợ Trần Chánh Chiếu chỉ còn 10.800-11.000 đồng/kg, giảm 300-700 đồng so với trước đó.

Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Saigon Coop Nguyễn Thị Hạnh cho biết, 2 ngày nay, lượng đường về siêu thị dồi dào hơn so với tuần trước. Hiện đường bán ra trong hệ thống Coop mart dao động quanh mức 12.000-12.200 đồng/kg.

Không chỉ TP HCM mà tại Hà Nội, 2 ngày sau khi liên bộ Thương mại, Tài chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tuyên bố cho phép nhập khẩu, giá đường cũng lập tức hạ nhiệt. Theo kết quả kiểm tra của Tổ điều hành trong nước, đường sốt giá, thiếu nguồn cung song không đến mức căng thẳng như tuyên bố của các doanh nghiệp.

Vụ trưởng Vụ chính sách Thị trường trong nước Bộ Thương mại Hoàng Thọ Xuân thừa nhận, quyết định cho phép nhập khẩu đường tinh đã có tác dụng đáng kể, giá cả thị trường hạ nhiệt và nguồn cung cũng đỡ căng thẳng hơn. Điều này cho thấy, cơn sốt giá chỉ là ảo do một bộ phận, cá nhân lợi dụng tình hình "ém" hàng để chờ tăng giá.

Ông Xuân cho biết, ngay trong sáng 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu đường. Riêng Bộ Tài chính vẫn đang cân nhắc để đưa ra mức thuế nhập khẩu cuối cùng. "Chính phủ cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép nhập khẩu đường, việc chọn lựa doanh nghiệp nào đủ điều kiện thuộc về các bộ ngành có liên quan", ông nói.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã rà soát xong lượng hàng tồn kho và đang cân đối cung cầu để phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp. Bộ Thương mại sẽ căn cứ vào danh sách đề nghị này để cấp giấy phép cho doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu.

Giữa tháng 12 vừa qua, Bộ Thương mại cũng đã cấp giấy phép nhập khẩu 400.000 tấn đường tinh cho doanh nghiệp, tuy nhiên, theo ông Xuân, cái vướng ở đây vẫn là thuế nhập khẩu còn quá cao. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ phải khẩn trương xem xét đưa thuế nhập khẩu xuống ngưỡng hợp lý theo giá thế giới nhằm khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu.

Trao đổi với VnExpress, một quan chức của Bộ Tài chính khẳng định vẫn đang xem xét đến phương án giảm thuế. Mức giảm bao nhiêu còn phụ thuộc vào giá cả thế giới và ông hứa sẽ công bố ngay khi Chính phủ có thông báo chính thức việc cho phép nhập khẩu.

Trước những thông tin liên quan đến việc cho phép nhập khẩu đường, mỗi doanh nghiệp lại đưa ra một cái lý riêng. Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, cho rằng, nếu tính đến phương án nhập khẩu thêm đường thì cũng không loại trừ được rủi ro.

Theo bà, giá thế giới đang ở mức 265 USD-270 USD/tấn đường thô, tăng trên dưới 20 USD/tấn so với thời gian đầu năm 2005. Nếu công ty có kế hoạch nhập khẩu ngay từ lúc này thì ít nhất cũng đến hết tháng 2 năm sau mới có hàng. Như vậy, khi hàng về đến VN, thị trường tiêu dùng trong nước đã bớt nóng, giá đường bán ra chắc chắn sẽ giảm. Lúc này, người chịu thiệt không ai khác ngoài doanh nghiệp. Vì thế, biện pháp tốt nhất hiện nay là đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Bà Sum cho rằng, nếu Nhà nước giảm thuế nhập khẩu đường tinh luyện xuống dưới 40% thì giá đường nhập khẩu trung bình ở mức 9.500 đồng/kg, vẫn cao hơn giá bán tại một số thời điểm trong nước.

Đại diện Công ty Đường Khánh Hoà cũng cho rằng, nếu nhập khẩu thêm đường trước mắt có lợi cho người tiêu dùng, ngược lại, người trồng mía lại bị thiệt thòi. Bởi với giá đường hiện tại tuy được xem là cao nhất từ trước đến nay, nhưng so với các sản phẩm khác vẫn ở mức chấp nhận được. Vì thế, phương án nhập khẩu thêm đường chỉ có lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ hạn chế thu nhập của bà con trồng mía. Lúc đó, các nhà máy sản xuất đường của VN lại gặp phải khó khăn.

Theo vị đại diện trên, nếu Nhà nước tính đến biện pháp hỗ trợ vốn vay ngân hàng cho doanh nghiệp để dự trữ hàng thì sẽ bình ổn được giá bán lẻ trong nước. Điều này có nghĩa là, sau khi sản xuất xong doanh nghiệp không phải bán vội để trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, hiện nay, hầu hết các nhà máy đường đều phải tìm đến ngân hàng vào mùa sản xuất. Doanh nghiệp chỉ chờ thu hoạch xong mùa là bán tống bán tháo với giá rẻ để mong đỡ chịu trả lãi càng sớm càng tốt. Vì thế, nguồn hàng thiếu hụt dẫn đến giá cả tăng thất thường là điều khó tránh khỏi.

Bất chấp những ý kiến trái ngược về chuyện nên hay không nên, cơ quản quản lý vẫn kiên quyết cho phép nhập. Theo tin từ Bộ Nông nghiệp, hiện có một số doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu đường. Doanh sách sẽ được chốt lại sau khi có ý kiến chính thức từ phía Chính phủ.

Minh Khuyên - Nguyễn Thùy