Thị trường nhà đất năm 2005: Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm
Các Website khác - 31/12/2005
Nhìn lại thị trường nhà đất năm 2005:
Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, 2005 là năm đỉnh điểm đóng băng thị trường nhà đất, hàng ngàn DN đứng trước nguy cơ phá sản. Đồng thời, năm 2005 là năm chuyển tiếp của cơ chế quản lý từ lỏng lẻo sang thắt chặt.

Năm 2006, đất dự án được dự báo
tiếp tục đóng băng.
Tệ hơn năm 2004
Nếu tính từ năm 1999, thời điểm thị trường nhà đất bắt đầu khởi sắc trở lại thì năm 2004 là năm đỉnh điểm khủng hoảng của thị trường nhà đất. Năm 2004 cũng là năm ra đời của nhiều chính sách lớn trực tiếp tác động đến thị trường nhà đất như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Nghị định 181...
Chính vì vậy, các chuyên gia đều thống nhất nhận định, những chính sách đã có những tác động mạnh mẽ đến thị trường nhà đất của năm 2004, thậm chí Nghị định 181 bị "kết tội" làm thị trường nhà đất đóng băng.

Thế nhưng, bước sang năm 2005 tình hình của thị trường nhà đất không những không sáng hơn năm 2004 mà ngược lại còn tệ hơn. Tại TPHCM số liệu giao dịch từ các Cty môi giới, sàn giao dịch lớn như Cty nhà đất Đô Thị Mới, ACB, Phúc Đức, Him Lam... đều tụt dốc thê thảm. Nơi tốt nhất cũng chỉ bằng 40% của năm trước, có nơi chỉ bằng 20%.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) thì chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 1.000 DN có chức năng môi giới, kinh doanh nhà đất buộc phải đóng cửa vì quá ế ẩm. Trong khi thị trường nhà đất lâm vào cảnh đóng băng, các ngân hàng bắt đầu siết chặt tín dụng với các khoản vay đầu tư vào nhà đất. Hàng trăm DN lâm vào cảnh chết đứng, dự án đã triển khai lỡ dở, không có vốn để tiếp tục đầu tư.

Từ tự do sang nền nếp
Năm 2005, thị trường nhà đất đã đi vào nền nếp, theo định hướng mà các nhà hoạch định chính sách vạch ra bắt đầu có hiệu quả. Điển hình như tại TPHCM, từ năm 2002 đã có những chính sách chấm dứt giao đất phân lô bán nền mà chuyển sang giao đất cho những dự án kinh doanh nhà. Nhưng do công tác hậu kiểm quá.... "tệ" có cũng như không, nên có tình trạng dự án kinh doanh nhà bị biến thành dự án kinh doanh đất. Tình trạng này đã được chấn chỉnh triệt để vào cuối năm 2005.

Dự báo về tình hình thị trường nhà đất trong năm 2006, các chuyên gia đều có chung nhận định là sẽ tiếp tục nguội lạnh. Theo ông Nguyễn Phụng Thiều - Giám đốc Cty cổ phần địa ốc Sài Gòn - Gia Định thì trong những năm sắp tới, thị trường nhà đất sẽ rất khắc nghiệt, chỉ những Cty có vốn lớn làm ăn bài bản mới có thể tồn tại.

Còn theo ông Trần Quang Trình - Phó TGĐ Cty cổ phần nhà đất Đô Thị Mới, sở dĩ lâu nay các Cty kinh doanh nhà đất nhỏ làm ăn được vì họ sử dụng vốn ứng trước của khách hàng làm vốn đầu tư mà không cần đến ngân hàng. Hiện nay, trong tình hình thị trường đóng băng, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ không bỏ vốn vào thị trường nhà đất. trong khi đó, với tình hình siết chặt tín dụng của các ngân hàng, các Cty nhỏ, ít vốn sẽ rất khó tồn tại.

Ngọc Huân