Diễn biến tiền tệ năm 2005: Quá bất ngờ
Lãi suất liên tục tăng. Các ngân hàng (NH) nước ngoài không ngừng mở rộng tầm với, thông qua rất nhiều các dịch vụ NH đa dạng. Nhiều chuyên gia dự báo: NH đang rơi vào một chu kỳ mới với nhiều rủi ro đang tiềm ẩn... Đó là bức tranh chấm phá về diễn biến tiền tệ trong năm qua.
Rủi ro rình rập Một con số vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy: Tổng phương tiện thanh toán có được nhịp độ gia tăng trong từng tháng trong năm 2005. 11 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tăng 16,4% cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm 2004 khoảng 0,8%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lượng tiền trong lưu thông tăng lên: Lạm phát, tăng trưởng kinh tế cao và không ngoại trừ cả việc Ngân hàng T.Ư buộc phải "bơm" thêm một lượng tiền nhất định để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, huy động vốn trong toàn hệ thống NH cũng có mức tăng trưởng khá mạnh (ước tính khoảng trên 20%) trong năm 2005. Tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế đến cuối tháng 12 cũng ước tăng trên 20%, thấp hơn tốc độ tăng dư nợ cùng kỳ năm trước 4%. Trong đó, cho vay bằng VND tăng 16,5%, cho vay bằng ngoại tệ tăng 26,1%. Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển NH (NHNN), vấn đề đáng lo ngại nhất là các NH VN hiện đang phải đối phó với rất nhiều rủi ro trong quá trình hội nhập. Ông Nghĩa cho biết: Trong một cuộc khảo sát gần đây của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một con số bất ngờ: 42% doanh nghiệp và 50% dân chúng được hỏi đều trả lời rằng, họ sẽ lựa chọn vay ở các NH nước ngoài hơn là các NH nội địa, khi mà chúng ta mở cửa tài chính. Lý do là các NH này có tính chuyên nghiệp cao hơn, thủ tục đơn giản hơn, dịch vụ tốt hơn và mức độ tin cậy cao hơn. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, điều đó chưa đáng ngại bằng thông tin 50% doanh nghiệp và 62% dân chúng được hỏi cho rằng họ sẽ lựa chọn NH nước ngoài để gửi tiền. Ông Nghĩa thốt lên: "Quá bất ngờ! Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, NH nào nắm được tiền gửi trong tay, NH đó sẽ chiếm được ưu thế!".
Lãi suất tăng, tỉ giá đứng Năm 2005, lãi suất huy động và cho vay của các NH và tổ chức tín dụng liên tục tăng. Đối với VND, lãi suất huy động tăng khoảng 0,12-0,6%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tăng khoảng 0,3-1,2%/năm. Riêng lãi suất huy động và cho vay bằng ngoại tệ tăng khoảng 0,25-0,9%/năm và 0,2-0,5%/năm. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp tăng và một phần do ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất USD. NHNN đã ít nhất 3 lần phải điều chỉnh tăng một số loại lãi suất chủ đạo. Mức lãi suất huy động của các NHTM ở mức khá cao (có lúc, có NH lên tới trên 9%/năm). TS Lê Xuân Nghĩa dự báo: "NH đang rơi vào một chu kỳ mới: Chu kỳ lãi suất tăng. Chu kỳ này mới bắt đầu. Kỳ vọng về khả năng sinh lời cao trong những năm qua đã bắt đầu chững lại và sẽ kết thúc, nhất là với các NH có quy mô vừa và nhỏ. Trong chu kỳ như vậy, vấn đề đặt ra là rủi ro về lãi suất sẽ rất lớn và các rủi ro sáp nhập, mua lại, đầu tư chứng khoán trong lĩnh vực NH sẽ tăng lên. Có thể dự báo xu hướng lãi suất tăng sẽ còn kéo dài trong vài năm...". Lý giải về cuộc chạy đua lãi suất của các NHTM, trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Ngoài các lý do do giá cả, lạm phát, thu nhập và lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, các NH còn có động cơ cạnh tranh thị phần. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ giảm chất lượng tín dụng của các NHTM.
Ngược với xu hướng tăng lãi suất "nóng", tỉ giá USD/VND lại được giữ khá ổn định. Tính trung bình cả năm 2005, tỉ giá bình quân trên thị trường liên NH tăng không quá 1%. Trên thị trường tự do, tỉ giá cũng theo sát diễn biến của các NHTM. Nhận định về thực trạng này, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "Trong vòng 4-5 năm qua, lạm phát đã tăng khoảng 25%, trong khi tỉ giá hối đoái chỉ tăng khoảng 2,5%. Nếu tính rất đơn giản là lấy lạm phát trừ đi chỉ số tăng giá hối đoái rồi trừ đi lạm phát của Mỹ chẳng hạn, thì có thể thấy đồng tiền VN đã lên giá khoảng 12,5-15% từ năm 2001 đến nay. Điều này cho thấy tỉ giá tương đối ổn định trong một chu kỳ lạm phát cao như vậy sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là thâm hụt thương mại ngày càng lớn, thâm hụt vãng lai ngày càng lớn, từ đó tạo sức ép tăng cầu ngoại tệ, tăng tỉ giá hối đoái. Trong khi đó, vì lạm phát cao, NH không dám điều chỉnh tăng tỉ giá hối đoái và càng để lâu tình trạng không nới lỏng này thì càng hàm chứa một cú sốc về tỉ giá. Đó là một rủi ro tiềm ẩn...". Có thể thấy trước rằng, năm 2006, NH VN sẽ đứng trước nhiều thách thức.
Bích Hằng |