Thị trường nội địa tiềm ẩn "nguy cơ" tăng giá
Các Website khác - 01/12/2005
Thị trường nội địa tiềm ẩn "nguy cơ" tăng giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11.2005 đã tăng 0,4% so với tháng trước, nâng tỉ lệ lạm phát từ đầu năm đến nay là 7,6%. Tuy nhiên, các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào trong nước đang "rục rịch" tăng giá; dịch cúm gia cầm gây khan hiếm thực phẩm... sẽ đẩy giá cả lên cao. Trao đổi với PV Báo Lao Động, TSKH Nguyễn Thị Hiền - Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho biết:

Bà Nguyễn Thị Hiền.
- Để đối phó với tình hình tăng giá, Chính phủ đã rất nỗ lực bù lỗ giá xăng dầu (khoảng 15.000 tỉ đồng). Việc làm này đã giúp hạn chế được sức ép tăng vọt giá cả các sản phẩm công nghiệp. Sự kiện giảm giá 500đ/lít xăng dầu là một tác động tích cực để duy trì mức ổn định giá.

Tuy nhiên, việc hạn chế tăng giá mặt hàng lương thực thực phẩm là vấn đề khó, bởi cơ cấu chi tiêu của một gia đình ở khu vực thành thị đối với mặt hàng này chiếm khoảng 50%. Việc không được sử dụng các thực phẩm từ gia cầm những tháng cuối năm là sức ép tăng giá lớn của tháng còn lại đến dịp Tết Nguyên đán.

- Dịch cúm gia cầm đang là một trong những nguyên nhân gây tăng giá, thưa bà?

- Nó đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường thực phẩm từ cuối năm 2005. Đầu năm 2006, dịch cúm gia cầm sẽ ảnh hưởng mạnh hơn tới thị trường tiêu dùng. Nhưng cá nhân tôi thấy, những người chăn nuôi cũng như các hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm đã bắt đầu điều chỉnh cơ cấu chăn nuôi và kinh doanh. Do đó, các sản phẩm thịt lợn (heo) trâu, bò, cá, tôm... đã tăng rất nhiều, bù đắp vào khoản thiếu hụt nguồn dinh dưỡng cho xã hội, nhưng thị trường sẽ tự điều tiết giá cả.

- Theo dự đoán của bà, CPI có tăng mạnh trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán?

- Dự đoán, từ nay đến Tết Nguyên đán, CPI cũng chỉ tăng khoảng 0,5%/tháng. Và chắc chắn CPI cả năm 2005 vẫn dưới hai con số.

- Nhưng trong bối cảnh các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào đang "rục rịch" tăng giá đầu năm tới, khả năng biến động giá cả sắp tới sẽ thế nào?

- Việc tăng giá điện và than còn phải tính toán nhiều đến khả năng tiết kiệm chi phí đến đâu. Chính phủ đang đòi hỏi và các ngành này phải giải trình trước khi quyết định. Những yếu tố rất hợp lý cũng cho thấy giá điện và giá than phải tăng. Bởi một phần do các chi phí thực tế hợp lý, mặt khác cũng cần phải tăng để cân xứng với mặt bằng giá trong khu vực.

Than của chúng ta đang bị buôn lậu ra biên giới phía bắc với số lượng rất lớn vì giá quá thấp gây ra tiêu cực và làm méo mó các quan hệ kinh tế. Việc tăng giá than sẽ kéo theo việc tăng giá ngành điện, ximăng...

Nhưng việc tăng giá này không diễn ra tuỳ tiện được bởi vấn đề này không thể thiếu "bàn tay" điều tiết và quản lý của Nhà nước để thị trường không bị xáo động ở mức độ cao.

Với giá điện, người tiêu dùng sẽ phải chịu mức tăng cao hơn người sản xuất dùng điện. Trước đây người sản xuất đều chịu mức tăng giá rồi. Và ngành điện lâu nay vẫn có khái niệm gọi là "bù chéo", tức là tăng giá cao cho người sản xuất để gánh đỡ cho người tiêu dùng được hưởng giá điện thấp. Nay chuyện "bù chéo" như vậy không hợp lý nữa

- Theo bà, một mặt bằng giá mới đã được hình thành và sẽ diễn biến ra sao vào năm tới?

- Tôi cho rằng mức giá của năm 2006 sẽ không thể thấp hơn năm 2005, bởi những yếu tố tăng giá vẫn còn. Thậm chí yếu tố tăng giá nội địa còn nhiều hơn trong năm 2005. Còn diễn biến thị trường thế giới, tôi chưa có những dự đoán chắc chắn.

Nếu năm 2006 giá gạo thế giới dịu đi sẽ làm giá gạo trong nước giảm, tạo điều kiện giảm giá cho đầu vào cho một số ngành chế biến thực phẩm.

Tôi cũng hy vọng dịch cúm gia cầm sớm qua đi, ngành chăn nuôi gia cầm sẽ khôi phục và để tình hình lương thực thực phẩm năm 2006 sẽ dịu hơn. Còn việc tăng giá đầu vào một số nguyên liệu không có nghĩa rằng đầu vào tăng bao nhiêu thì đầu ra sẽ tăng tương ứng.

- Xin cảm ơn bà!

Công Thắng thực hiện