Thời tiết báo hại hoa tết
Các Website khác - 16/01/2006
Thời tiết báo hại hoa tết

Từ Bắc vào Nam, người nông dân trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán đang lo lắng cho một vụ mùa thất thu, do ảnh hưởng thất thường của thời tiết cuối năm nay. Các loại hoa cúc, thược dược, loa kèn tại làng hoa Nhật Tân (Hà Nội) - nơi thì đã nở rộ, nơi hoa còn chưa hé nụ. Tại ĐBSCL, mưa kéo dài khiến 40 - 50% số giỏ hoa cúc mâm xôi bị thiệt hại. Còn tại làng hoa Hiệp Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh), hàng nghìn cây mai cũng bị hư hại vì ngập lũ...

Vườn hoa tại làng Quảng Bá,
Quảng An, Hà Nội.
Tết sớm
Bất chấp thời tiết giá lạnh, bà Ngô Thị Thích (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn miệt mài tưới nước cho những luống hoa thược dược xanh mướt, nhưng chỉ có lác đác vài nụ nhỏ. Đấy là niềm hy vọng nhỏ nhoi của bà trong dịp Tết Bính Tuất này. "Năm nay mất Tết rồi. Thôi đành để dành 8.3 vậy" - bà Thích cười buồn.

"Cũng do thời tiết cả. Năm ngoái trồng theo lịch như thế này thì vừa vặn. Nhưng năm nay, nhà "non", nhà "già", chẳng nhà nào được trọn vẹn" - bà Thích nói.

Trên cánh đồng hoa của thôn Quảng Bá, chỗ thì xanh mướt toàn lá, chỗ thì rực rỡ hoa. Non và già là như vậy. Cả hai loại đều không nở đúng Tết. Đa số các gia đình ở đây đều là nạn nhân của thời tiết bất thường. May mắn lắm như nhà chị Hợi thì "trúng" được luống hoa cúc, nhưng chị cũng không thể vui được. Số loa kèn chiếm 2/3 diện tích vườn hoa mà chị dày công chăm sóc cứ trơ ra, chẳng chịu hé nụ.

"Nghề nông nó thế đấy, tất cả đều phải trông chờ hết vào ông trời" - chị ngậm ngùi. Bà già ở vườn bên thì dứ dứ bó hoa hướng dương rực rỡ nở toè loe về phía chúng tôi, mà cười như mếu: "Chúng tôi ăn Tết từ bây giờ đấy!".

Vườn đào còn lại của làng Nhật Tân -
Hà Nội.

Với những người dân ở làng cây cảnh Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên), nơi nổi tiếng với cây hoa trà, thì cái lạnh năm nay là nỗi lo thường trực. Bác Nguyễn Thị Thoa cho biết: "Nhà tôi có hơn trăm gốc trà đã lên chậu chờ bán, nhưng cho tới bây giờ, rất nhiều nụ vẫn chưa hé, một vài nụ chớm nở sớm, song hoa không to vì trời lạnh quá. Đã vậy, rét hại kèm theo sương còn làm cho nhiều nụ bị thâm, bị rụng. Nếu từ giờ tới 20 âm mà trời không ấm lên thì năm nay chúng tôi mất Tết".

Ngay từ bây giờ, nhiều nơi đã tìm về làng để đặt mua trà, phần lớn là ở các tỉnh phía bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình... "Phải đánh chuyến từ bây giờ để thuê địa điểm và giới thiệu cây. Vừa bán vừa chờ hoa nở, nếu thời tiết ấm lên thì vừa" - một chủ xe giải thích.

Những loại trà thường như trà bạch, trà hồng, trà tía, trà lựu..., giá dao động từ 50.000 - 80.000đ một chậu. Nhưng muốn có một chậu hoa đẹp và sang trọng như loại trà hồng phấn cung đình thì phải đặt trước ở những nhà có tiếng trong làng, và giá cả cũng khá cao: Từ 150.000đ - 500.000đ một chậu...

Hoa Tết ở Quảng An, luống thì nở
sớm, luống thì tịt ngóm.
Vụ mùa "5 ăn 5 thua"
Cùng chung cảnh với người trồng hoa miền Bắc, người trồng hoa, cây cảnh ở Hội An (Quảng Nam) cũng phải nếm trải một vụ mùa nhọc nhằn. Chúng tôi đến xã Cẩm Hà, thị xã Hội An. Xã Cẩm Hà được coi là xã cung ứng cây cảnh đi khắp các tỉnh miền Trung, nhất là quất và mai.

Ở thôn Cửa Suối, gần như 100% số hộ dân đều sống bằng nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là quất, loại cây tài lộc trong ngày đầu xuân. Thế nhưng năm nay, do thời tiết thay đổi thất thường, kỹ thuật vun trồng và phân bón không được kết hợp đồng bộ nên người trồng hoa, cây cảnh Hội An đang gặp chất chồng khó khăn. Người trồng mai cũng nơm nớp không yên.

Ông Xinh - chủ vườn mai với hơn 500 cội mai - cho biết: "Đợt lạnh kéo dài vừa qua sẽ làm mai nở sớm, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng hoa". Dù đã được lặt lá, nhưng do thời gian qua mưa lạnh kéo dài nên nụ mai vẫn còn ít và nhỏ, báo hiệu một năm thất thu lớn. Những cội mai trên mười tuổi của ông nếu bán ra thì cũng chỉ khoảng 600.000 - 800.000đ, nhưng qua tư thương vào dịp Tết, người mua có khi bị hét giá từ 1 triệu - 1,5 triệu đồng là thường.

Chăm sóc hoa cảnh tại làng hoa
Sa Đéc (ĐBSCL).
Ngoài 2 làng hoa nổi tiếng Sa Đéc (Đồng Tháp) và Cái Mơn (Bến Tre), gần đây ở ĐBSCL đã xuất hiện thêm những "làng hoa thu nhỏ" ở Cần Thơ, Vĩnh Long... Tết này, nhiều nghệ nhân ở Cái Mơn như Bảy Kiệt, Nguyễn Văn Công... đang "chăm sóc" kiểng cây si uốn hình con chó đang ngồi. Các nghệ nhân cho biết, đã có đơn đặt hàng từ một số hội hoa xuân 2006 tại các địa phương và Công viên cây xanh TPHCM.

Trong khi đó, ở làng hoa Sa Đéc, hàng triệu giỏ hoa các loại (nhiều nhất là cúc mâm xôi, vạn thọ Pháp, hồng) cũng đã được nhiều mối đến nhận hàng. Từ đầu tháng 1.2006 tới nay, ước mỗi ngày có khoảng gần 20.000 giỏ hoa các loại từ Sa Đéc được xe hàng, ghe chở đi nhiều địa phương trong nước.

Người trồng hoa ở ĐBSCL rất khó khăn trước diễn biến thời tiết thất thường. Mưa kéo dài khiến 40 - 50% giỏ hoa cúc mâm xôi bị thiệt hại. Tới thời điểm này, người trồng hoa kiểng ở ĐBSCL vẫn đang phập phồng trước tình thế "5 ăn 5 thua". Bà Kim Liên (Sa Đéc) cho biết: Vốn đầu tư tăng, nếu giá bán không tăng hoặc dội chợ thì có nguy cơ huề vốn hoặc lỗ như chơi.

Nhóm P.V

CÙNG MỘT CHUYÊN ĐỀ:

TPHCM: Giá mai có thể tăng cao

Nam Định: Làng cây cảnh Vị Khê "thắng" đậm

Hà Nội: Mùa vui cho đào, quất