Khi các mạng di động MobiFone, VinaPhone và Viettel tung ra chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng là lúc hàng hoạt thuê bao Cityphone rời mạng. Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội đã có trên 1.000 khách hàng chuyển sang các mạng khác. Tình trạng này cũng đang xảy ra ở TP HCM.
![]() |
Một khách hàng của CityPhone than phiền về chất lượng dịch vụ. |
Anh Lan, một cán bộ ngành bưu điện, mấy ngày nay phải chạy đôn chạy đáo đi chấm dứt hợp đồng thuê bao CityPhone cho gần 100 máy anh đã đăng ký hộ năm ngoái. Anh Lan bức xúc: “Vì mình làm trong ngành, được đăng ký tặng máy miễn phí vào năm ngoái nên đã giúp cho các thành viên trong gia đình và một số bạn bè. Thế nhưng kỳ vọng của người tiêu dùng vào loại hình dịch vụ này coi như tan tành mây khói. Chất lượng sóng thì kém, giá cước cao, máy hay hỏng, nhưng linh kiện thay thế lại bị độc quyền và rất đắt". Thậm chí có người cơ quan anh còn đăng ký hộ 200-300 máy, đến nay họ cũng đồng loạt chấm dứt với những lý do tương tự.
Theo như hợp đồng giữa nhà cung cấp (Bưu điện Hà Nội - bên B) và người sử dụng (bên A) thì để được tặng một chiếc CityPhone đã hòa mạng với trị giá 500.000 đồng, bên A buộc phải cam kết sẽ sử dụng liên tục dịch vụ trong vòng 12 tháng với cước phí được quy định sẵn. Nếu như chủ thuê bao không thanh toán cước phí, người đăng ký dịch vụ (tức là cán bộ, nhân viên thuộc ngành bưu điện đăng ký hộ) sẽ phải chịu trách nhiệm.
“Cũng chính vì lý do trên mà có vài người bạn muốn chấm dứt từ lâu, nhưng sợ mình bị trừ vào lương nên họ đành chịu đến tận bây giờ”, anh Lan nói.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền tảng hạ tầng cho mạng dịch vụ CityPhone đã bị khai thác quá sớm, trước khi hoàn thiện đầy đủ để sẵn sàng phục vụ một dung lượng khoảng 200.000 thuê bao trong nội thành. Ông Hoàng Thanh Chung, Phó giám đốc Bưu điện Hà Nội, thừa nhận điều này: “Chúng tôi đã khai thác theo kiểu ăn non để nhanh hoàn vốn. Khách hàng cứ kêu, còn chúng tôi thì bó tay nhìn đối thủ cạnh tranh là các dịch vụ di động khác vượt qua mặt”. |
Anh Phạm Hưng, một chủ thuê bao cho biết: "Chất lượng của dịch vụ CityPhone là rất kém. Tôi nghe nói đã bổ sung nhiều trạm thu - phát sóng, thế nhưng nhà tôi ngay trung tâm Hà Nội cũng lúc được, lúc không. Chất lượng sóng kém nhưng giá cuộc gọi và tin nhắn lại ngang ngửa với di động (GMS) hiện nay. Tôi đã không dùng CityPhone từ cuối năm ngoái, nhưng vẫn phải cắn răng trả thuê bao hằng tháng vì đã cam kết”.
Ông Hoàng Thanh Chung, Phó giám đốc Bưu điện Hà Nội, cơ quan chủ quản của dịch vụ CityPhone lo lắng: “Nếu không có gì thay đổi, trong thời gian tới số thuê bao CityPhone rời bỏ mạng còn tăng nữa”.
Theo ông, với dung lượng và chất lượng của các trạm phát sóng CityPhone hiện nay, Hà Nội chỉ đáp ứng được cho gần 100.000 thuê bao. Thời gian đầu, mạng CityPhone đáp ứng được 80% tỷ lệ phủ sóng trong nhà và 90% phủ sóng ngoài đường. "Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa cực nhanh như hiện nay, rất nhiều khối nhà cao tầng mọc lên, thì hiện tượng mất sóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Thế nhưng, chúng tôi không thể làm gì được bởi sự ràng buộc của các thủ tục đầu tư”, ông Chung cho biết.
Ông Chung thừa nhận vẫn còn một số khu vực hiện nay chất lượng sóng còn yếu, như khu vực Bệnh viện 108, một số khu chung cư như Giảng Võ... Nguyên nhân của tình trạng trên là do Bưu điện Hà Nội đã nhiều lần xin phép nhưng chưa được đặt trạm thu phát sóng tại các khu vực nói trên.
Theo ông Chung, so với điện thoại cố định thì cước của điện thoại CityPhone còn khá cao. Bởi ngay từ ban đầu, giá cước được phê duyệt đã cao gấp đôi so với giá Bưu điện Hà Nội đề nghị. Hơn nữa, quá trình phát triển mấy năm qua, khi mà giá cước các hệ thống di động khác giảm liên tục thì giá cước CityPhone hầu như không được xem xét điều chỉnh, mặc dù đã nhiều lần đề nghị giảm giá.
Ông Chung cho biết sở dĩ có sự chậm trễ này là do năm ngoái có một số vụ sai phạm về chỉ định thầu các công trình đầu tư mạng lưới viễn thông, “nên lãnh đạo tổng công ty cũng e ngại, thận trọng hơn”.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (18/10/2005)
▪ Sẽ phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trong tháng 10.2005 (18/10/2005)
▪ Hội nghị Bộ trưởng viễn thông tiểu khu vực (18/10/2005)
▪ 7 mặt hàng bị cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu (18/10/2005)
▪ Xuất khẩu năm 2006 có thể đạt từ 36,5- 37,5 tỉ USD (18/10/2005)
▪ Chuyến bay đầu tiên của Thai AirAsia đến Nội Bài (18/10/2005)
▪ Tin kinh tế ngày 18.10 (18/10/2005)
▪ Thành lập Trung tâm Giới thiệu việc làm tại KKT Dung Quất (18/10/2005)
▪ Loại đối thủ bằng đăng ký bảo hộ (18/10/2005)
▪ Bình Dương: Vốn đầu tư trong và ngoài nước đều tăng mạnh (17/10/2005)