Thuỷ sản Việt Nam cần được đóng mác an toàn ngay từ sân nhà
- FDA mới ra tuyên bố có thể sẽ cấm cá ba sa Việt Nam trên toàn nước Mỹ. Nhận định của ông về động thái bất ngờ này? - Tôi không muốn bàn tới các vấn đề về dư lượng trong sản phẩm cá, vì mỗi chính phủ đều có quy chuẩn kiểm soát riêng. Nhưng quả là nực cười, khi FDA trên một phương diện cho phép tồn tại chất CO (carbon monoxide) trong cá - vốn có độc tố mạnh - thì mặt khác lại quyết liệt chống đối một số dư lượng trong cá ba sa Việt Nam. Chính sách hai mặt này quả khiến người ta khó hiểu... - Dư luận ngay trong nước Mỹ cho rằng, quyết định của FDA không phải để bảo vệ sức khoẻ người dân, mà nhằm triệt tiêu cá ba sa khỏi thị trường Mỹ. Ông bình luận ra sao? - Tôi nghĩ rằng, ngành công nghiệp thuỷ sản Mỹ - đặc biệt là tại các bang miền nam như Mississippi, Louisiana, Alabama và Bắc Carolina - đang gây áp lực nặng nề lên chính phủ để buộc cá ba sa Việt Nam rút khỏi thị trường này. Phải nói rằng, các doanh nghiệp thuỷ sản Mỹ từ rất lâu đã lo ngại về tiềm năng của cá ba sa Việt Nam - vốn được đánh giá có chất lượng vượt trội, giá rẻ. Việt Nam hiện là nhà sản xuất cá ba sa lớn nhất thế giới, với sản lượng gần 500.000 tấn mỗi năm, cao hơn 200.000 tấn so với sản lượng tại Mỹ. Đó là một mối đe doạ rất lớn đối với các chủ doanh nghiệp thuỷ sản tại Mỹ. Cần biết rằng, ngành công nghiệp cá da trơn của Mỹ được xây dựng chủ yếu để khắc phục những vấn đề về lao động tại Mississippi và các bang khác ở miền nam, như một giải pháp thay thế cho việc cắt giảm lao động trong ngành trồng bông và đậu. Vì thế, có thể ví nó như "cục cưng" của các bang miền nam - vốn có đại diện đông đảo trong chính quyền liên bang. Nếu đụng đến quyền lợi của ngành này, có nghĩa là đụng đến "cục cưng" của chính phủ. - Việt Nam cần chuẩn bị đối phó như thế nào, theo ông? - Đã đến lúc thuỷ sản Việt Nam cần phải gắng hết sức, để đảm bảo chất lượng thành phẩm ngay từ các bè cá. Cần phải thiết lập các phòng thí nghiệm tại mọi nhà máy chế biến cá tra, cá ba sa. Điều đó có nghĩa cần xây dựng các phòng thí nghiệm, kiểm tra và tái kiểm tra để đảm bảo chất lượng ở mọi nơi. Việt Nam có một hiệp hội thuỷ sản vững mạnh và đây là thời điểm để hành động. Những phòng thí nghiệm này phải được trang bị đầy đủ để tránh các mối đe doạ về dư lượng sản phẩm, vì ngày nay, tiêu chí hàng đầu là sản phẩm phải an toàn. An toàn có nghĩa là chất lượng - điều quan trọng hơn cả giá cả. Tốt nhất hãy đảm bảo sự an toàn từ trong sân nhà, hơn là để phải hối tiếc. - Đâu là bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam? Phải chăng thuỷ sản Việt Nam còn quá chủ quan, khi vào thị trường phức tạp như Mỹ? - Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa đã đến lúc thuỷ sản Việt Nam - ngành công nghiệp cá da trơn lớn nhất thế giới - cần nghĩ đến việc xây dựng một thương hiệu cho mình, để người tiêu dùng Mỹ hiểu rõ và nhận thức được về chất lượng sản phẩm Việt Nam. Việc Việt Nam đang bán theo cửa hậu sản phẩm này, dưới cái tên khó hiểu là "Swai", không phải là cách thức tiếp cận và xây dựng thị trường. Cá ba sa của Việt Nam nên được gắn với tên khoa học "Pangasius" làm khẩu hiệu và chiến lược tiếp cận thị trường - để đảm bảo người tiêu dùng Mỹ được biết và nhận thức rõ về chất lượng sản phẩm Việt Nam. Việt Nam nên có những chiến dịch quảng bá hình ảnh sản phẩm một cách chủ động và linh hoạt hơn nữa tại Mỹ. Đây là một nhiệm vụ khó khăn trong tương lai, nhưng cũng rất hữu ích. - Xin cảm ơn ông! Phương Thuỷ thực hiện |
▪ Hết "ăn phần âm" (22/08/2005)
▪ Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới: Đừng quá sợ "ma"! (22/08/2005)
▪ Aeroflot tạm ngừng tuyến bay Matxcơva - Hà Nội (23/08/2005)
▪ Gian lận thẻ thanh toán ở châu Á giảm dần (22/08/2005)
▪ FDI từ Đài Loan sẽ vượt 11 tỷ USD (22/08/2005)
▪ Bớt ưu ái với ôtô nội (22/08/2005)
▪ Nguy cơ mất hẳn thị trường basa Mỹ rõ dần (22/08/2005)
▪ Dân khu đô thị cấp cao sống với dịch vụ cấp thấp (23/08/2005)
▪ Đăng ký bảo hộ thương hiệu nước mắm Phú Quốc (22/08/2005)
▪ Thiếu 150.000 tấn đường (22/08/2005)