Hết "ăn phần âm"
Các Website khác - 22/08/2005

Hết "ăn phần âm"
Bích Liên

Lâu nay, trong lĩnh vực thi công các công trình đường thuỷ thường rất khó xác định chính xác độ sâu dưới nước, bởi máy đo sâu một tần số cứ gặp lớp bùn loãng là đã báo độ sâu. Chính vì vậy, nhiều khi nền đất rắn còn ở sâu hơn nhưng lại không xác định được cụ thể.
Từ sự bất lực của "đôi mắt nhìn phần âm" này nên nhiều đơn vị được lợi.

Đơn cử khi thiết kế thi công các công trình nạo vét luồng vào cảng, mặc dù luồng còn khá sâu mới đến lớp nền cứng cần nạo vét, nhưng khi đo sâu máy lại báo cả lớp bùn loãng vào khối lượng nạo vét. Vì thế nhà quản lý muốn tìm đến khối lượng thực để khỏi trả tiền oan cũng không thể. Hoặc với các tàu ra vào cảng, nếu độ sâu không thật chính xác thì sẽ lãng phí vì tàu phải giảm tải vô ích, trong khi thực chất có thể chở được nhiều hơn bởi độ sâu vẫn còn được dự phòng một lớp bùn loãng.

Nhưng từ khi có máy đo sâu 2 tần số thì việc xác định chính xác độ sâu nền đất cứng không còn khó khăn. Đây là loại thiết bị hiện đại, có thể dễ dàng phân định đâu là độ sâu của lớp bùn loãng và đâu là độ sâu của nền đất cứng. Máy móc chính xác giúp đưa ra những thông số thật để thiết kế công trình đảm bảo chất lượng và các nhà thầu thi công cũng không còn được lợi từ hạn chế do kỹ thuật lạc hậu. Thiết bị này cũng giúp các nhà quản lý luồng thông báo chính xác độ sâu đến nền đất cứng, bảo đảm cho tàu bè ra vào cảng tận dụng mớn nước để chất tải phù hợp.

Việc sử dụng công nghệ hiện đại đúng chỗ đã giúp các nhà quản lý tính đúng, tính đủ được khối lượng nạo vét của luồng, không phải "trả khống" cho nhà thầu. Thế là hết thời "ăn phần âm" khi thi công các công trình thuỷ.