Trong chuyến xúc tiến đầu tư tại Đài Loan của đoàn cán bộ Việt Nam, các doanh nghiệp nước sở tại khẳng định Việt Nam đang là một trong những lựa chọn đầu tiên của họ khi đầu tư ra bên ngoài.
![]() |
Đoàn VN tham quan nhà trưng bày sản phẩm may mặc chống cháy của Tập đoàn Formosa. |
Tại buổi gặp gỡ với đoàn Việt Nam ở khu liên hợp nhà máy dệt tự động của Tập đoàn Formosa (một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Đài Loan và hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 500 triệu USD) ở thành phố Đài Trung, Tổng giám đốc Shih Ming Hsie ước tính: “Ở giai đoạn 2, Formosa sẽ đầu tư vào Việt Nam thêm gần 400 triệu USD trong một vài năm tới”.
Toàn bộ số vốn này được dành xây dựng một nhà máy điện và một khu công nghiệp lớn ở khu vực phía Nam của Việt Nam. Sau khi triển khai xong giai đoạn này, Formosa dự kiến sẽ ra phía Bắc để tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư ở Việt Nam sang giai đoạn 3.
Đại diện của nhiều tập đoàn lớn của Đài Loan đang có vốn đầu tư vào Việt Nam hoặc chưa vào như Chinfon, CT&D, Thiên Hưng... cũng khẳng định sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, Công ty thép Thiên Hưng đang xin phép xây dựng nhà máy thép không gỉ ở Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (Bà Rịa - Vũng Tàu) với vốn đầu tư lên đến 700 triệu USD.
Ông Hsien Hsiang Wei - Tổng giám đốc Thiên Hưng - cho biết có khả năng sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào đầu năm 2006 và sản phẩm đầu tiên sẽ xuất xưởng năm 2008. Vẫn theo ông Hsien Hsiang Wei, ngay sau khi nhà máy thép đi vào hoạt động, chắc chắn có ít nhất năm nhà máy phụ trợ sẽ theo công ty đến Việt Nam để đầu tư.
Theo ông Cù Ngọc Hưởng - phụ trách đầu tư nước ngoài của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, hầu như tuần nào cũng có 4-5 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan liên lạc để tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam. “Đa phần các doanh nghiệp này là vệ tinh cho các tập đoàn lớn, do vậy khi tập đoàn lớn chuyển hướng sang Việt Nam thì họ cũng phải tính toán đi theo".
Bà Lưu Thụy Anh - Ban quản lý khu chế xuất, Bộ Kinh tế Đài Loan, cho biết: Chỉ riêng trong hơn một năm qua bà đã đưa gần 30 đoàn doanh nghiệp Đài Loan sang Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam. Đặc biệt, theo bà Anh, trong suốt hai năm qua hầu như chưa có sự kêu ca phàn nàn của các doanh nghiệp Đài Loan đang làm ăn tại Việt Nam về môi trường đầu tư ở đây.
Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay tính đến cuối tháng 7, tổng số vốn đăng ký của các dự án do doanh nghiệp Đài Loan làm chủ đầu tư tại Việt Nam đạt trên 7,3 tỉ USD, đứng đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam. Tại hội thảo “Xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Việt Nam” do Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức hôm 11/8 ở Đài Bắc với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Đài Loan, ngay sau khi đại diện của Tập đoàn Chinfon kết thúc phát biểu về những kinh nghiệm của một doanh nghiệp đang làm ăn thành công tại Việt Nam, đã có hàng chục doanh nghiệp Đài Loan đề nghị được gặp riêng để xin thông tin thêm về thị trường Việt Nam.
Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài Đài Loan - ông Âu Gia Thụy - dự báo, nếu theo đà này, chỉ trong 3-4 năm nữa vốn đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam sẽ vượt qua 11 tỉ USD.
Ngay trong chuyến công tác tại Đài Loan mời gọi đầu tư, ông Lê Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng, cho biết đã có ít nhất 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào Hải Phòng với những dự án cụ thể. “Hầu hết doanh nghiệp này từng đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan... nên họ có nguồn vốn rất lớn và công nghệ khá hiện đại. Do vậy, sẽ rất có lợi nếu họ đầu tư vào Việt Nam”, ông Sơn nói.
Bà Trương Tú Phương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại An, đơn vị chủ đầu tư Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) - cho biết đã có gần 10 doanh nghiệp Đài Loan đề nghị trong tháng 9 sẽ sang Việt Nam tìm hiểu để thuê đất lập nhà xưởng tại khu công nghiệp này. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp khác của Đài Loan xin được đăng ký làm việc với Cục Đầu tư nước ngoài trong thời gian tới để tìm hiểu về địa điểm cũng như lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ Hết "ăn phần âm" (22/08/2005)
▪ Dự thảo Luật Doanh nghiệp mới: Đừng quá sợ "ma"! (22/08/2005)
▪ Đăng ký bảo hộ thương hiệu nước mắm Phú Quốc (22/08/2005)
▪ Thiếu 150.000 tấn đường (22/08/2005)
▪ Đàm phán WTO của VN khả quan (22/08/2005)
▪ 1.000 tàu đánh cá "đứng bánh" (19/08/2005)
▪ Tàu thuỷ, ôtô "made in VN": Nội địa hoá tăng, xuất khẩu vượt trội (19/08/2005)
▪ Đóng băng do tâm lý (20/08/2005)
▪ Từ 1.9, Viettel giảm 27% cước điện thoại đường dài (20/08/2005)
▪ Thị trường bảo hiểm Việt Nam: Đã qua thời kỳ phát triển "nóng" (20/08/2005)