"Lúc đầu những từ như hội nhập, toàn cầu hóa, nghe có vẻ rất xa vời. Sau khi đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ thành công chúng tôi mới thấy rằng đó không phải là cái gì cao xa", nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực kể về thời kỳ ngành viễn thông bắt đầu chuyển mình.
![]() |
Thứ trưởng Mai Liêm Trực. Ảnh. Anh Tuấn |
Dậy sớm, thả bộ một mình ở con đường ven hồ Ngọc Khánh. Ông cố đi thật chậm, thật chậm để tận hưởng cảm giác khoan khoái của buổi sáng mùa thu. Đã lâu rồi, ông không có cảm giác thư thái như vậy. Tách mình ra khỏi công việc để cảm nhận những đổi thay của vạn vật xung quanh. Buổi sáng này thật đặc biệt - ngày đầu tiên ông nhận quyết định nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Ông bình thản đón nhận nó dù còn nhiều điều tâm huyết chưa làm. Giống như cuộc đời của một cầu thủ bóng đá, ông muốn rời sân cỏ khi còn sung sức và khán giả vẫn cảm thấy luyến tiếc.
9h30 sáng, tiếp phóng viên VnExpress tại nhà riêng trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội), nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực gọn gàng trong bộ đồ thể thao. Bộ salon cũ đã có nhiều vết rách, bức tường sơn hoen ố có nhiều nét vẽ dọc ngang của con trẻ, ít ai hình dung đây là căn hộ của một vị thứ trưởng. Nhâm nhi tách trà nóng, sắp lại sách vở và đồ chơi của mấy đứa cháu ngoại vứt trên nền nhà, ông nói nhỏ bằng chất giọng miền Nam trầm và ấm: "Cuộc sống của tôi giống như bao người khác, chẳng có gì đáng nói". Tuy nhiên, khi đề cập đến công việc, ông nói một cách say sưa và vẫn còn nhiều điều rất tâm huyết.
36 năm gắn bó với ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, ông Trực có cả quãng thời gian dài thử sức trong thời kỳ khó khăn nhất và đảm nhận những chức vụ quan trọng nhất trong ngành. Vậy mà ông chỉ tự nhận xét về mình thế này: "Thế hệ chúng tôi già rồi, giờ thì nhường chỗ cho lớp trẻ. Tôi tin dưới bàn tay chèo lái của họ thị trường viễn thông sẽ cực kỳ phát triển trong thời gian tới".
Ông kể, trong đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, doanh nghiệp VN vẫn rất bị động bởi lúc ấy trình độ ngoại ngữ của họ còn kém. "Lúc ấy, chúng tôi đặt ra yêu cầu đối với các cán bộ bắt buộc phải biết ngoại ngữ. Tôi rất mừng, đến thời điểm này, nhiều cán bộ khi đi đàm phán quốc tế đã tự trình bày bằng tiếng Anh.
Dưới thời ông Trực làm cục trưởng, ngành viễn thông bắt đầu chuyển từ môi trường độc quyền doanh nghiệp sang cạnh tranh. Lần lượt các doanh nghiệp như Viettel, Saigon Postel, FPT ra đời. Một số doanh nghiệp khác cũng được cấp giấy phép cùng kinh doanh dịch vụ viễn thông. Nhờ thế mà giá cước viễn thông đã giảm đáng kể, chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn. Là người có tư tưởng đổi mới, ông Trực luôn tìm tòi mạnh dạn đưa ra nhiều chính sách cải tổ để đẩy nhanh quá trình đổi mới cho ngành bưu điện để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghệ thông tin chung của thế giới.
"Cách đây 20 năm, chúng tôi cứ mày mò làm rồi học hỏi kinh nghiệm phát triển của các nước khác. Thời bấy giờ, trong số chúng tôi - những cán bộ của ngành không ai hình dung nổi thị trường viễn thông và công nghệ thông tin phát triển được như hiện nay", ông Trực nhớ lại. So với những năm 86-90, ngành viễn thông VN đã trưởng thành hơn rất nhiều với cơ sở hạ tầng hiện đại, tương đương với các nước phát triển. "Tất nhiên, có một số điểm như phổ cập dịch vụ, giá cước, VN chưa thể bằng một số nước, song đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định ngành viễn thông đã đạt được ngưỡng bằng chị bằng em", ông nói.
Là thành viên trong đoàn đám phán WTO, nghỉ hưu khi sự nghiệp còn dang dở, điều ông Trực băn khoăn nhất hiện nay vẫn là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo ông, so với những năm trước đây, các doanh nghiệp VN đã trưởng thành lên rất nhiều. Thời gian qua, cạnh tranh đã làm cho giá cước giảm bớt và chất lượng cũng đảm bảo tốt hơn. "Tuy nhiên, cạnh tranh thôi chưa đủ, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải đoàn kết, cùng nhau hợp sức mới mong cạnh tranh được với các đối tác nước ngoài khi mở cửa thị trường. Và yếu tố có tính sống còn đối với doanh nghiệp không cái gì khác ngoài chất lượng dịch vụ", ông Trực nói.
Trước đây, khi nghe nghe đến mở cửa, nhiều doanh nghiệp VN có tâm lý lo sợ đối tác nước ngoài vào chiếm thị trường. "Lúc đầu những từ như hội nhập, toàn cầu hóa, nghe có vẻ rất xa vời. Bản thân chúng tôi cũng rất lo lắng và luôn nghĩ cách làm sao bảo hộ thật nhiều cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sau khi đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ thành công chúng tôi mới thấy rằng, hóa ra, toàn cầu hóa đến từ ruộng lúa của người dân Nam Bộ, ruộng tôm của bà con các tỉnh miền Trung và từ cả chiếc máy khâu của công nhân dệt. Té ra, toàn cầu hóa là những khái niệm rất cụ thể, không phải là cái gì cao xa cả", ông Trực nhớ lại.
Theo ông Trực, WTO chính là môi trường tốt nhất để doanh nghiệp VN thử sức. Bởi nếu không mở cửa, đất nước càng lạc hậu, tụt hậu. Chắc chắn khi mở cửa thị trường, ngành viễn thông sẽ thu hút được rất nhiều đối tác nước ngoài vào tham gia kinh doanh. Họ là những tập đoàn lớn, giàu kinh nghiệm và nếu các doanh nghiệp VN không nỗ lực thì sẽ rất khó. "Trong quá trình đàm phán chúng tôi nhận thấy, VN có rất nhiều lợi thế để hội nhập. Vấn đề còn lại là các doanh nghiệp chuẩn bị như thế nào để nắm bắt cơ hội ấy", ông nói.
Tiếng điện thoại vang lên cắt ngang cuộc nói chuyện đúng lúc chuông đồng hồ điểm 11h30, ông Trực từ chối khi nói về đời tư. "Cuộc sống hiện tại của tôi rất vui vẻ và hạnh phúc. Trong công việc cũng như cuộc sống, tuy chưa thực sự xuất sắc song chưa bao giờ tôi cảm thấy hổ thẹn với bản thân. Dù về hưu khi sự nghiệp vẫn còn dang dở nhưng tôi tin, đồng nghiệp của tôi sẽ làm tốt hơn những phần việc còn lại. Giống như các cầu thủ chơi bóng đá, tôi muốn rời sân cỏ khi vẫn còn sung sức và khán giả vẫn còn luyến tiếc. Giữ lại nhưng cây đa cây đề có nhiều kinh nghiệm là tốt nhưng nếu không chăm sóc tốt những cây mọc xung quanh sẽ khó đâm chồi nảy lộc", ông Trực tâm sự.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực (sinh năm 1944) là người con của đất võ Bình Định. Trong những năm 1960-1962, cậu học sinh tên Trực từng đi thi học sinh giỏi toàn quốc hai môn Văn và Toán. Từ năm 1963 đến 1969, ông là sinh viên của trường ĐH Kỹ thuật Dresden (Đức), chuyên ngành kỹ thuật thông tin. Cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học về nước, cậu cử nhân vào làm việc tại Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Bưu chính Viễn thông) với vị trí kỹ sư thông tin, tham gia xây dựng và khai thác các hệ thống thông tin vô tuyến điện của VN. Đến năm 1976, ông quay lại Đức để làm nghiên cứu sinh và hoàn thiện luận án Tiến sĩ Kỹ thuật thông tin tại Đại học Dresden. Thời còn ngồi trên giảng đường đại học, mỗi khi có đoàn đại biểu cấp cao của VN sang, ông thường là người phiên dịch theo đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức (ông còn thông thạo tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc). Bởi vậy, khi về nước, ông từng nhận được nhiều lời mời sang làm ở Bộ Ngoại giao. Nhưng vì đã ham mê ngành công nghệ, nên ông quyết tâm theo đuổi. Sau nhiều năm giữ các chức vụ chủ chốt trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) như vụ trưởng vụ hợp tác quốc tế của Tổng cục Bưu điện (1980-1984), Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông VN (1995-1997), Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (1997-2002), ông nắm giữ cương vị Thứ trưởng thường trực Bộ BCVT với quyết tâm cải cách phương thức quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ICT. Ông từng tuyên bố: "Đến năm 2005 sẽ chấm dứt độc quyền bưu điện", và khát khao đưa ngành này phát triển ngang tầm các nước trong khu vực Đông Nam Á. |
Minh Khuyên
▪ Tin kinh tế ngày 5.10 (05/10/2005)
▪ 43 DN, địa phương và cá nhân đoạt giải thưởng xuất khẩu VN (05/10/2005)
▪ Cánh chim đầu đàn trên biển (05/10/2005)
▪ Niê-Hô - người chăn bò thuê trở thành ông chủ (05/10/2005)
▪ Chống hàng giả, gặp nhiêu khê! (05/10/2005)
▪ Chống hàng giả, gặp nhiêu khê! (05/10/2005)
▪ Tiger Airways mở thêm phòng vé tại Hà Nội (05/10/2005)
▪ Viettel lại gây sốc (05/10/2005)
▪ Phải bảo đảm cạnh tranh (05/10/2005)
▪ Thủ tướng sẽ gặp doanh nghiệp vào cuối năm (05/10/2005)