Trong 5 năm tới: Hà Nội tiên phong trong phát triển kinh tế tri thức
Các Website khác - 23/06/2006
Trong 5 năm tới:
Hà Nội tiên phong trong phát triển kinh tế tri thức

Thu Huyền
Giai đoạn 2006 - 2010, Hà Nội phấn đấu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại với hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hoàn thành 3 đường vành đai, 3 cầu lớn qua sông Hồng, các tuyến đường hướng tâm và nút giao thông chính; xây dựng một số tuyến đường sắt đô thị, các khu đô thị: Tây Hồ Tây, Bắc Sông Hồng... Đây cũng giai đoạn quan trọng, mang tính quyết định tới phát triển của thành phố từ nay đến năm 2020.

Bộ mặt đô thị của Hà Nội sẽ được
thay đổi trong thời gian tới.
Quản lý đô thị chưa xứng tầm thủ đô
Theo ông Đỗ Hoàng Ân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, mục tiêu quan trọng phát triển KTXH thủ đô trong 5 năm tới là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, hội nhập kinh tế quốc tế... thực hiện vai trò "đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước". Mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt bình quân 11-12%/năm, đồng thời xây dựng cơ chế thu hút mạnh hơn các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tích cực phát huy các lợi thế để phấn đấu tăng trưởng trên 12%/năm.

Góp ý cho dự thảo Kế hoạch phát triển KTXH thủ đô trong 5 năm 2006-2010, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định, quản lý đô thị cũng là mặt rất quan trọng. "Quản lý đô thị tại Hà Nội hiện chưa xứng tầm thủ đô, còn nặng về xử phạt cho tồn tại. Tuy bộ mặt đô thị đã có đổi khác, nhưng thành phố vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Nạn ùn tắc, bụi bặm, ô nhiễm... Bên cạnh những con đường đẹp cũng còn không ít tuyến phố "lôm nhôm" sau thi công, đường Láng - Hoà Lạc là một thí dụ điển hình. Cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao chưa giải quyết hết những tồn tại này để hạn chế phát sinh thêm trong thời gian tới" - ông Sinh nói.

Theo ông Trần Văn Tá - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Hà Nội không nên trông chờ ở các nguồn vốn từ ngân sách, mà phải có được những giải pháp để huy động từ nhiều nguồn khác. "Ngân sách hạn hẹp trong khi nhu cầu lớn. Do vậy, Hà Nội cần đánh giá sâu hơn về môi trường đầu tư, quản lý hành chính, các thủ tục... để khích lệ dòng vốn đầu tư. Ngoài ra, thành phố cần tập trung phát triển thị trường tài chính một cách quyết liệt hơn bởi đây là kênh huy động vốn rất quan trọng" - ông Tá nói.

Huy động chất xám
Một vấn đề không mới, nhưng có vai trò then chốt trong phát triển KT-XH cũng được lãnh đạo các bộ, ngành lưu ý, đó là nhân lực cho phát triển. Ông Cao Sỹ Kiêm - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, sức mạnh của Hà Nội nằm ở nguồn nhân lực, bởi khai thác được yếu tố này sẽ đem lại nguồn vốn, công nghệ và phương thức quản lý. "Nếu phát huy được, thành phố sẽ tiến nhanh, ngược lại, sẽ trì trệ" - ông Kiêm nói. Tuy nhiên, để khai thác triệt để yếu tố này cũng không đơn giản, bởi như nhận định của ông Lưu Bích Hồ - Ban Nghiên cứu của Thủ tướng: "Nói chất xám tập trung ở Hà Nội, nhưng phần lớn thuộc về các bộ, ngành trung ương, thành phố dễ gì huy động nếu không có được sự phối hợp từ chính các đơn vị quản lý con người này".

Trước một số vấn đề các bộ đã nêu, ông Phùng Hữu Phú - Chủ tịch HĐND thành phố - cho rằng, muốn phát triển nhanh hơn, Hà Nội phải tiên phong trong phát triển kinh tế tri thức. Đối với các công trình, dự án trọng điểm, lãnh đạo thành phố khẳng định, Hà Nội đã lựa chọn kỹ để đảm bảo tính khả thi. "Tuy vậy, để triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển KTXH 5 năm tới, Hà Nội rất cần sự giúp đỡ quý báu từ các bộ, ngành trung ương" - ông Phùng Hữu Phú nói.