Vì sao tăng mức đầu tư quá 52%?
Các Website khác - 29/12/2005

Dự án Nhà máy gỗ MDF Cosevco tại Quảng Trị:
Vì sao tăng mức đầu tư quá 52%?

Dự án xây dựng nhà máy do Tổng Công ty Xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp nam Đông Hà. Nhà máy được đầu tư với số vốn vay gần 300 tỉ đồng, sẽ chính thức đi vào sản xuất từ tháng 6.2003. Nhưng, thực tế nhà máy chỉ mới sản xuất từ cuối năm 2005; và số vốn đầu tư đã nhảy lên trên 457 tỉ đồng, tăng 52%.

Có nhiều nguyên nhân làm đội vốn đầu tư. Nhưng nghiêm trọng là ở chỗ, quá trình đấu thầu, chọn thầu thực hiện hợp đồng mua dây chuyền thiết bị chính của nhà máy có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Quý I năm 2002, dự án tổ chức đấu thầu quốc tế gói thầu dây chuyền thiết bị chính sản xuất gỗ ván MDF công suất 60.000m3/năm. Nhà thầu Dieffenbatcher (CHLB Đức) được chủ đầu tư chọn kiến nghị trúng thầu với giá 16.544.529USD (giá gói thầu là 16.120.000USD).

Ngay sau đó, nhà thầu Metso (Thụy Điển) - đơn vị bỏ thầu với giá thấp hơn rất nhiều (14.145.500 USD), nhưng không được chọn trúng thầu - đã gửi khiếu kiện lên Bộ Xây dựng VN.

Báo cáo đề ngày 31.5.2002 của liên vụ - thuộc Bộ XD đã khẳng định: "Quá trình xét thầu gói thầu cung cấp dây chuyền thiết bị chính Nhà máy gỗ ván MDF của TCty Xây dựng Miền Trung (XDMT) có một số vấn đề tồn tại, nên chưa đủ cơ sở để lựa chọn nhà thầu trúng thầu gói thầu trên".

Đến ngày 7.6.2002, Bộ trưởng Bộ XD Nguyễn Mạnh Kiểm ký công văn số 833 gửi TCty, yêu cầu "TCty và chủ đầu tư (Cty xây dựng 78, đơn vị con của TCty) cần nghiêm túc kiểm điểm, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dây chuyền thiết bị chính".

Nhưng, chủ đầu tư đã không tổ chức chào lại giá, mà chỉ tiến hành phúc tra hồ sơ xét thầu, rồi tiến hành mời nhà thầu Dieffenbatcher đến để thương thảo. Sau khi thương thảo, chủ đầu tư đã trình và được TCty phê duyệt tại quyết định số 1243, ngày 5.7.2002. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục uỷ thác cho TCty ký hợp đồng số 117878/02/03E, ngày 12.7.2002 nhập khẩu dây chuyền thiết bị, với trị giá 16.057.000USD (tương đương 16.696.474 euro).

Như vậy, sau khi thương thảo, số tiền mua thiết bị có giảm. Tuy nhiên, cùng với việc giảm giá gói thầu, hàng chục hạng mục trong dây chuyền thiết bị nhập khẩu đã bị rút bớt so với hồ sơ dự thầu của nhà thầu được công nhận trúng thầu; và nhiều công đoạn, thiết bị trong hợp đồng cũng bị điều chỉnh tăng giá.

Một loạt thiết bị đã bị rút bớt khỏi hợp đồng nhập khẩu, với số tiền lên tới 1.045.730USD. Đồng thời, chủ đầu tư và nhà thầu đã điều chỉnh tăng giá hợp đồng, với số tiền 466.929USD tại nhiều hạng mục. Cộng cả hai khoản trên, dự án đã mất không 1.526.659USD (khoảng 23 tỉ đồng).

Số thiết bị bị rút bớt, buộc chủ đầu tư phải bỏ thêm tiền để chế tạo trong nước hoặc nhập khẩu bổ sung để bù đắp. Đó là lý do gây tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vốn thanh toán cho các gói thầu xây lắp khác.

Một nhà máy ban đầu có vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng, đến khi đi vào sản xuất đã vọt lên gần 457 tỉ đồng (tăng hơn 52%). Như thế làm sao cạnh tranh, tồn tại nổi?

Tổ PVMT