Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững
Các Website khác - 29/12/2005
Kinh tế thuỷ sản ĐBSCL năm 2005:
Tăng trưởng, nhưng chưa bền vững

Dự kiến đạt kim ngạch 1,7 tỉ USD, năm 2005 thuỷ sản (TS) vẫn là 1 trong 2 mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của ĐBSCL, đóng góp khoảng 60% kim ngạch XK TS của cả nước. Tuy nhiên, diễn biến suốt năm qua - với không ít sóng gió cho thấy: TS của vùng châu thổ này vẫn đang rất cần được đầu tư đồng bộ và có các giải pháp phù hợp, để có thể phát triển bền vững...

Chế biến thuỷ sản xuất khẩu ở
ĐBSCL.
Tiếp tục tăng trưởng...

Với khá nhiều bất lợi từ thị trường Mỹ và Châu Âu, nhưng năm 2005, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu TS của Cà Mau vượt 500 triệu USD, tăng trên 12,5% so với năm 2004. So với 5 năm trước, địa phương được coi là "mỏ tôm" của cả nước này, sản lượng TS XK đã tăng hơn 2 lần, công suất chế biến tăng gần gấp đôi.

Bạc Liêu - địa phương có diện tích nuôi tôm sú đứng thứ hai ở ĐBSCL và cả nước - năm nay con tôm sú chiếm đến 90% tổng kim ngạch XK của tỉnh này, góp phần đáng kể vào mức tăng trên 26% tổng kim ngạch XK so với năm trước.

Ngay ở các địa phương không có vùng nguyên liệu như Hậu Giang, Cần Thơ..., TS cũng chiếm tỉ trọng đáng kể trong kim ngạch XK. Ngoài tôm sú, TS khu vực ĐBSCL còn có các mặt hàng XK truyền thống từ con cá ba sa, cá tra với nhiều DN XK TS ở An Giang, Đồng Tháp... Kể cả nuôi trồng và đánh bắt, năm nay TS khu vực ĐBSCL có thể đạt tổng sản lượng từ 1,7 - 1,8 triệu tấn, chiếm khoảng 60% sản lượng TS của cả nước.

Theo ngành TS các địa phương khu vực ĐBSCL, tín hiệu đáng mừng trong XK TS năm 2005 là đã giảm đáng kể sản lượng xuất hàng thô. Riêng Cà Mau, tin từ Sở TS cho biết: Các mặt hàng TS XK chế biến cao cấp năm 2005 đạt xấp xỉ 30%/tổng lượng hàng TS XK.

Có thể thấy, nhiều DN chế biến TS XK ở ĐBSCL đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tiên tiến, áp dụng tiêu chuẩn ISO 9000, HACCP... Trong năm, tại nhiều địa phương như An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cần Thơ, Trà Vinh... đã và đang có trên 10 nhà máy được xây dựng hoặc nâng cấp theo định hướng phát triển trong những năm tiếp theo.

... nhưng chưa bền vững
Có thể nói, đợt cá ba sa, cá tra rớt giá, hàng chục ngàn tấn cá quá lứa thu hoạch, không tiêu thụ được vào thời điểm tháng 6.2005 là cú sốc gây choáng váng đối với hàng ngàn hộ nuôi ở ĐBSCL.

Chưa phải là địa phương có sản lượng cá tra nhiều nhất ĐBSCL, nhưng lúc đó, Sở NNPTNT Đồng Tháp đã phải báo cáo tình hình lên Bộ TS, đề xuất biện pháp tháo gỡ cấp bách.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp Dương Nghĩa Quốc, cho biết: Thời điểm đó, toàn tỉnh tồn đọng đến trên 20.000 tấn cá tra, ba sa. Con tôm sú ở ĐBSCL cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong năm 2005. Tôm giống kém chất lượng vẫn nhập tỉnh, nhiều hộ nuôi gặp rủi ro, lâm nợ ngân hàng...

Một vấn đề sống còn với con tôm sú XK là chất lượng - an toàn thực phẩm cũng đang còn là chuyện bức xúc. Chỉ trong năm 2005, ở Cà Mau phát hiện gần 150 vụ bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, với trên 43.000kg tôm bị tịch thu.

Hậu quả là, một số nơi ở Bạc Liêu, nông dân muốn bỏ tôm quay lại trồng lúa. Tại Vĩnh Long, tới thời điểm cuối năm 2005 vẫn còn trên 250 bè cá ngừng nuôi sau sự cố xảy ra với con cá tra, ba sa.

Ngay tại "vương quốc" cá tra, ba sa An Giang, trong tổng số trên 3.000 bè đang thả cá, có trên 2.300 bè... tạm chia tay con cá ba sa, cá tra để nuôi các loại cá khác, với hy vọng tránh rủi ro. Từ diễn biến giá tăng - nuôi ồ ạt - rớt giá - giảm nuôi do chưa có sự "kết dính" giữa hộ chăn nuôi - DN trong năm 2005, hiện đang có dự báo quý I/2006 cá tra, ba sa nguyên liệu phục vụ chế biến XK sẽ thiếu hụt.

TS - thế mạnh thứ hai - cùng với nông sản ở ĐSBCL vẫn đang cần một định hướng phát triển bền vững sau một năm tăng trưởng với không ít cản ngại...

Lê Như Giang