Xóa xăm chân mày bằng laser |
Một năm đã trôi qua, cùng với sự phát triển đầy lạc quan của nền kinh tế quốc dân, ngành thẩm mỹ non trẻ của Việt Nam cũng đã có những tiến bộ vượt bậc, bắt đầu hội nhập tốt với các nước trong khu vực và thế giới.
Một số sự kiện nổi bật trong năm 2004
Hội nghị quốc tế về phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM, vào tháng 8/2004 đã quy tụ được nhiều giáo sư, bác sĩ nổi tiếng của các nước như Mỹ (GS Melvin Shiffman...), Pháp (GS Pierre Fournier), Nhật (BS Katsuya Takasu...), Hàn quốc (BS Young Kyoon Kim...), Ấn Độ, Ý, Indonesia, Philippines, Venezuela, Bồ đào Nha, Trung quốc... Đây là cơ hội quý cho các bác sĩ thẩm mỹ Việt Nam và thế giới trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, ngành PTTM Việt Nam có dịp tiếp cận các tiến bộ công nghệ mới nhất trên thế giới. (Tuy nhiên vì nhiều lý do, đã có rất ít bác sĩ Việt Nam tham dự hội nghị này).
Từ vài năm nay, đoàn PTTM Hoa Kỳ do bác sĩ Bùi Minh Đức kết hợp với giáo sư J.M.Hodges sang giảng dạy, biểu diễn phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ vùng mặt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Năm nay, đoàn làm việc khoảng một tuần với chuyên đề lớn là phẫu thuật căng da mặt và trán, thực hiện trong bệnh viện.
Tổ chức hoạt động lĩnh vực dịch vụ thẩm mỹ phát triển mạnh mẽ với 2 bệnh viện thẩm mỹ lần đầu tiên được thành lập tại TP.HCM, cùng với sự tham gia của các bệnh viện nước ngoài: FV Hospital (Pháp-Việt), Columbia (Mỹ). Các phòng khám đa khoa lớn cũng vào cuộc, cùng với khoảng 40 thẩm mỹ viện PTTM (có bác sĩ) và hàng trăm mỹ viện nhỏ... Năm 2004, một số bác sĩ thẩm mỹ Việt Nam ra nước ngoài hội thảo, giảng dạy, học tập...
Thị trường thẩm mỹ ngày một khả quan
Với nhiều triệu kiều bào Việt Nam sống ở nước ngoài, trong đó phần lớn sống ở Mỹ, là nước có nhu cầu dịch vụ thẩm mỹ cao nhất trên thế giới, các cơ sở thẩm mỹ Việt Nam đang âm thầm khẩn trương đa dạng hóa, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để có thể thực hiện được những dịch vụ mà khách làm được tại Mỹ, Úc, Canada, Âu châu... Với chất lượng tương đương, nhưng giá chỉ từ 10 - 50%, hiện nay nhiều cơ sở thẩm mỹ Việt Nam không lo việc cạnh tranh lẫn nhau, mà đang nỗ lực tối đa để cạnh tranh với các thẩm mỹ viện (TMV) ở các nước đang có Việt kiều sinh sống, và cả ở các nước trong khu vực mà người Việt giàu có trong nước trước đây hay sang để làm đẹp như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật, và cả Trung Quốc... Người viết bài này đã nghe một số bác sĩ thẩm mỹ, chủ TMV tại Mỹ, Úc... than thở là ngày càng mất khách vì bị các TMV trong nước cạnh tranh ráo riết. Các Việt kiều tại Mỹ, Úc... thường "để dành" những nhu cầu làm đẹp, chữa răng, chữa bệnh, mua sắm, chờ đến lúc về nước thăm gia đình thực hiện luôn. Như vậy vừa tiết kiệm tiền, vừa có dịp vui chơi, thăm nom, báo hiếu cha mẹ...
Ngoài ra, đã bắt đầu có khách Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan... đến các TMV của Việt Nam để làm đẹp. Họ là những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam hoặc được bạn bè Việt Nam giới thiệu sang Việt Nam du lịch kết hợp làm đẹp.
Để hướng tới đối tượng khách nước ngoài, khách hàng ở xa... một số TMV đã thực hiện khá tốt các trang web của mình, đồng thời tổ chức quảng cáo, tiếp thị ra nước ngoài. Khách có thể tìm hiểu từng dịch vụ mình quan tâm, cũng như các thông tin mới trong lĩnh vực thẩm mỹ. Việc khách Việt kiều (kể cả khách nước ngoài) mail qua lại với các TMV để tư vấn, để lấy hẹn thực hiện dịch vụ... đã trở nên thông thường đối với một số TMV lớn ở trong nước. Rất nhiều khách Việt kiều thường hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, đi taxi đến thẳng TMV để làm đẹp, sau đó mới về quê.
Hiện nay, số lượng người thành đạt giàu có trong nước ngày càng tăng cao, nhu cầu làm đẹp là một tất yếu. Thực tế cho thấy, với chất lượng dịch vụ tốt, khách hàng trong nước sẵn sàng chi phí cao cho các dịch vụ này. Thậm chí không ít trường hợp họ còn chi dùng "sang" hơn cả các khách Việt kiều cho nhu cầu làm đẹp.
Bùng nổ các dịch vụ thẩm mỹ mới
Trị rụng tóc |
Ngoài ra, công nghệ cấy tóc, cấy lông mày, lông mi... và đặc biệt là cấy râu cũng được nhiều quý ông thực hiện. Công nghệ "không phẫu thuật" trong căng da mặt, cổ, nâng chân mày, làm thon gọn mặt, vai; ứng dụng Botox, Restylane... trong xóa nếp nhăn, làm đầy rãnh nhăn, chữa hôi nách; công nghệ và thiết bị đưa thuốc vào da chữa rụng tóc, làm tan mỡ cellulite; trẻ hóa da... là những dịch vụ hiện đang rất "thịnh".
Tuy nhiên, việc ứng dụng trang thiết bị thẩm mỹ công nghệ cao lại là một trong những hạn chế của ngành PTTM trong nước so với các nước phát triển. Kinh nghiệm, tay nghề PTTM cho người Á châu thì chúng ta không thua kém, nhưng trang thiết bị hiện đại chúng ta chưa bằng họ. Kể cả thông tin trong lĩnh vực công nghệ, thiết bị thẩm mỹ hiện đại cũng còn rất thiếu, và nhiều bác sĩ cũng chưa cập nhật kịp kiến thức trong lĩnh vực này. Ngoài ra, còn một trở ngại lớn là khả năng thu hồi vốn đầu tư rất khó. Thiết bị hiện đại rất đắt tiền, phụ tùng thay cũng không rẻ, khả năng sửa chữa trong nước chưa đáp ứng được, mỗi lần hư hỏng phải thuê chuyên gia nước ngoài đến sửa, rất tốn kém, mất nhiều thời gian... Hầu như các đầu tư lớn về thiết bị hiện đại thời gian qua không hiệu quả.
Ứng dụng trang bị công nghệ cao trong ngành TM thời gian qua chủ yếu là các ứng dụng thiết bị laser, đặc biệt là loại laser YAG. Bước đầu loại laser YAG này được ứng dụng trong xóa hình xăm (đen, xanh đen, đỏ), xóa bớt bẩm sinh (đen, đỏ) trên da, với đặc điểm ưu việt là loại tia laser YAG chỉ tác động theo màu sắc phù hợp với bước sóng của tia, mà không hủy da, nên không gây sẹo như loại laser CO2 thông thường.
Với loại laser YAG thế hệ mới nhất, công suất cao hơn, phần tia laser nhuộm màu ngoài việc có thể xóa xăm các màu khó như màu xanh lá cây, xanh da trời..., xóa xăm chân mày, mí mắt, còn có thêm chức năng triệt lông và đặc biệt là chức năng trẻ hóa da mặt, da cổ, tay, và cả da vùng ngực. Với sự kích thích mạnh của tia laser YAG, lượng collagen bên dưới da tăng lên, làm đầy và thẳng lớp da bên trên, làm cho làn da căng bóng, mượt mà...
Ngoài laser, các loại thiết bị phụ trợ PTTM như các máy phẫu thuật bằng điện (Radio surgery), máy lạnh gây tê da giảm đau... cũng được các TMV đầu tư để nâng cao chất lượng phẫu thuật và tạo sự dễ chịu hơn cho khách làm đẹp.
Năm 2004 đánh dấu sự bùng nổ nhiều dịch vụ chăm sóc sắc đẹp mới như nối lông mi (nối ghép từng sợi bằng loại keo đặc biệt của Nhật, Hàn Quốc... với "độ bền" khoảng 2-3 tháng), nối tóc, duỗi tóc, gắn đá quý vào răng... Lĩnh vực xăm trang điểm vĩnh viễn cũng được cải tiến, chuyển sang công nghệ mới: "thêu" chân mày, phun xăm môi... Công nghệ mới này có ưu điểm là ít sưng, ít đau, ít chảy máu... do mực chỉ đưa vào lớp nông bên trên của da, mà không đi sâu vào đến lớp bì như đối với xăm thông thường. Độ bền của mực xăm chỉ tồn tại vài năm. Ở khía cạnh thời trang, đây lại là một ưu điểm: ít ai muốn giữ chỉ một kiểu chân mày cho suốt cuộc đời mình, thỉnh thoảng phải thay đổi cho phù hợp với trào lưu và tuổi tác.
Các nước trong khu vực đã và đang triển khai thu hút ngoại tệ bằng các chương trình du lịch chữa bệnh, du lịch làm đẹp... Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu khởi động các chương trình này. Dù ít ỏi, nhưng chúng ta cũng đang có nguồn nhân lực tốt, các phương tiện, trang bị hiện đại cho ngành PTTM đang được các cơ sở khẩn trương nghiên cứu đầu tư. Nếu có chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, chắc chắn ngành TM của Việt Nam sẽ còn tiến mạnh, tiến nhanh hơn nữa.
Trần Thiện Mỹ
▪ Bốn kiểu chải tóc và trang điểm cô dâu (24/07/2004)
▪ Hút mỡ thừa, nên chăng? (21/01/2005)
▪ Làm đẹp với hoa hồng (21/01/2005)
▪ Đàn ông Trung Quốc thích... làm đẹp (20/01/2005)
▪ 10 lời khuyên để có nụ cười rạng rỡ (20/01/2005)
▪ Đắp 'mặt nạ' cho cơ thể (20/01/2005)
▪ Thanh toán sự xấu xí (19/01/2005)
▪ Rạng ngời sắc xuân (19/01/2005)
▪ Da đẹp nhờ phấn nền (19/01/2005)
▪ Mỹ phẩm cho nam giới (19/01/2005)