ó là trường hợp của anh Giang Văn Bá (ngụ xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Đầu tháng 7-2008, khi đang làm ăn bình thường, anh đã bị Công an tỉnh Bạc Liêu bắt đi tù (12 năm) theo án tòa có cách đây chín năm.
Cha anh Bá kể lại, trước đây anh Bá cùng gia đình trú tại Bạc Liêu. Đầu năm 1997, anh Bá bị Công an tỉnh Bạc Liêu bắt giam. Cuối năm 1997, anh Bá được TAND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định trả tự do. Sau đó, anh Bá đi chữa bệnh rồi chuyển đến Sóc Trăng ở. Tại đây, anh có cuộc sống ổn định cùng vợ con... Việc anh bị bắt làm cả gia đình ăn ngủ không yên.
Vì sao đã trả tự do giờ bắt lại? Nếu từng bị xét xử, tại sao chính “đương sự” lại chẳng biết gì tựa như bản án từ trên trời rơi xuống?... PV Báo Pháp Luật TP.HCM đã về Bạc Liêu tìm hiểu thực hư.
Ông Trần Kim Long - Trưởng phòng Giám đốc kiểm tra TAND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Đầu năm 1997, anh Bá bị tố cáo đã có hành vi phạm tội hiếp dâm. Ngay sau đó, Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định khởi tố, tạm giam bị can Bá về tội danh trên. Khi hồ sơ vụ án được chuyển sang TAND tỉnh Bạc Liêu, gia đình Bá đã nộp đơn xin bảo lãnh bị can Bá đi điều trị bệnh... Đến tháng 3-1999, TAND tỉnh Bạc Liêu đã ra lệnh bắt Bá để xét xử. Song lệnh bắt này không thực hiện được với lý do “Bá vắng mặt ở địa phương không rõ lý do...”. Lập tức, TAND tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh Bạc Liêu truy nã Bá. Bấy giờ, lệnh truy nã đã được dán công khai tại địa phương nhưng Bá vẫn “biệt vô âm tín”.
Cuối năm 1999, TAND tỉnh Bạc Liêu đã đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị cáo Bá. Kết quả: Bá bị xử phạt 12 năm tù về tội hiếp dâm. Sau khi xét xử, tòa này cũng đã niêm yết bản án tại trụ sở UBND xã nơi cư trú cuối cùng của bị cáo theo đúng quy định... Cho mãi đến tháng 7-2008, Công an tỉnh Bạc Liêu mới phát hiện được tung tích của Bá và đã buộc Bá đi thụ hình.
Vậy là mọi thắc mắc, hoài nghi giờ đã rõ. Công an tỉnh Bạc Liêu đã không làm sai quy định trong việc bắt Bá đi thụ hình theo bản án năm 1999. Sở dĩ gia đình Bá không biết gì về việc xét xử là do khi phạm tội, Bá đã trên 18 tuổi. cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án không cần mời đại diện của gia đình Bá tham gia tố tụng và có mặt tại phiên tòa xét xử.
Không dễ thoát án tù. Theo khoản 2 Điều 55 Bộ luật Hình sự, đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên ba năm đến 15 năm, thời hiệu thi hành bản án là 10 năm. Nếu để quá hạn, các cơ quan pháp luật không được buộc người bị kết án phải chấp hành bản án đã tuyên. Nhưng cần lưu ý, sự “châm chước” trên chỉ được áp dụng trong trường hợp đã có bản án nhưng cơ quan pháp luật lại “bỏ quên”, không làm gì cả. Nếu trong thời hạn quy định mà người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ. |