|
Ngày ấy cách đây 19 năm, cậu bé Lò Văn Tuấn lên 6 tuổi bị bố mang đi bán cho một gia đình người Mông lấy tiền thoả cơn nghiện. Cậu đã vượt núi băng rừng trốn về với người cha ấy, nhưng rồi vẫn không thoát được khi lần thứ hai, ông lại mang cậu đi xa hơn, bán cho một gia đình người Dao...
Hôm nay Tuấn lại phải chứng kiến những ông bố dỡ nhà, phá nơi ở của con đi bán lấy tiền hút chích. Và cũng như cậu ngày xưa - nay vẫn còn những đứa trẻ bị bố mang bán lấy tiền thoả cơn nghiện.
Tan "giấc mơ hoa"
Không thể gọi là nhà, cũng chưa phải là lều. Nói thẳng, gọi bằng lều vẫn sang quá. "Nó" rộng chừng 10m2, trên che bằng tranh, lót phía dưới bằng ít phèn, ván. Chủ "ngôi nhà" của gần 10 con người, ông Lò Văn Nháng, 46 tuổi, luôn miệng kêu ối ối: "Chết đói mất thôi! Nhà báo ơi bao giờ mới lại cấp tiền tiếp...
Ông Nháng mắc nghiện ma tuý. Từ lúc bước vào lều của ông, trong cái mớ mùi hỗn tạp, tôi ngửi ra ngay cái mùi rất dễ nhận của thuốc phiện. Hàng xóm bảo, nhà ông có 4 người mắc vào "căn bệnh" ấy, hình như cả hút, cả chích.
Thằng con trai thứ hai trong số 5 người con của vợ chồng ông lờ đờ nhìn khách. Đôi mắt nó vàng ệch, bụng nó to như bụng cóc. Vóc dáng ấy thì đã "gần đất xa trời" lắm, không biết trụ được thêm mấy kỳ thuốc vật nữa.
Cả nhà đang ngồi đờ đẫn chờ gạo. Một lát sau, chị vợ và cô con gái mang về túm gạo chừng 1kg, kết quả của một buổi sáng, nửa buổi chiều đi rừng kiếm măng. Chỗ ấy là lương thực của cả nhà trong ngày. Chắc là nấu cháo thôi, thêm nhiều măng nữa cho lưng lửng cái bụng.
Gia đình ông Nháng cũng như 123 hộ dân của 2 Pá Hăn 1 và 2 (xã Nậm Hăn huyện Sin Hồ, Lai Châu) nằm trong diện di dân tái định cư phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La. Đợt cuối năm ngoái thực hiện di dân lên bản mới, phấn khởi lắm bởi "đột nhiên" có nhiều tiền.
Nhà ông cũng làm nhà mới, tất nhiên, bởi nếu không làm thì không nhận được tiền hỗ trợ. Ngôi nhà cũng đẹp, hơn 60 triệu đồng cho nó. Vẫn còn dư dả, nhà ông mua cả xe máy. Số còn lại dồn vào "công tác xoá đói"... cơm đen.
Đói ở nhà ông, đói ăn thì ít, đói thuốc thì nhiều. Được ít ngày hí hả, "con xe" bị chủ nợ thu, ngôi nhà - ước mơ cả đời của vợ con ông, trụ được ít ngày rồi hết con đến bố dỡ ngói, dỡ ván mang đi bán để "điều trị cái cơn vật thuốc". Hết mái, hết ván, còn bộ khung nhà trị giá hơn 20 triệu đồng, nghe đâu ông bán được 1,5 triệu đồng.
Ông được tiếng là "tiên phong" bán nhà điều trị thuốc vật, làm gương cho giới nghiện trong bản. Thế là xong, cái nhà đi, cái "đói" thì vẫn ở lại. Chồng, vợ, con và cả cháu dắt nhau đến cuối bản, đầu nương ngô dựng "cái gọi là lều" trú qua mưa nắng, kiên nhẫn đợi tiền. Nhà nước... bao giờ phát tiếp.
Trên đường từ nhà ông Nhãng về bản chúng tôi đi qua một căn nhà còn mới lắm, dấu bào còn nguyên mà mái đã trống huếch hoác, ván đã mất gần nửa. Hỏi nhà hàng xóm, được biết chị vợ đã quá chán ông chồng nghiện, dắt 2 con về nhà mẹ đẻ. Anh chồng, Quàng Văn Mẹo, như hàng xóm nói: Vừa dỡ hai tấm lợp xi măng đi bán chưa về.
Ngay trung tâm khu tái định cư giữa hai bản Pá Hăn 1 và 2, trên nền đất có vị trí khá đẹp là hai cái lán nương nằm tơ hơ, một cái thậm chí còn không có cả liếp che xung quanh. Trong cái lán không liếp che ấy, mặc cho mưa hắt, ông Là Văn Nê, 34 tuổi, chùm chăn nằm thẳng cẳng như người chết rồi.
Cạnh nhà ông Nẻ, lều của Quàng Văn Ba, 29 tuổi, với người vợ trẻ và hai đứa con, chị vợ bụng lùm lùm sắp có đứa thứ 3. Cái lều của vợ chồng này mái lợp một nửa bằng bạt dừa công trường một nửa lợp bằng... thinh không.
Lúc chúng tôi đến anh chồng cũng đang ngủ, nằm trong nhà mà đầu che ô tránh nước mưa dột. Hai đứa trẻ bấu lấy mẹ, chị vợ loay hoay kéo lại tắm vải mưa cho chồng. Cả hai gia đình ấy đều rơi vào hoàn cảnh như nhà ông Nhàng, nghĩa là đều có nhà tái định cư đàng hoàng rồi lần lượt dỡ từng thứ bán dần.
Về "hoàn cảnh" của Ba, như những người dân kể lại: Hôm ấy chỉ còn cái khung nhà, đói thuốc, đi từ đầu bản đến cuối bản rao bán nhà. Lúc đầu "hết" 3 triệu, không ai mua xuống dần 2 triệu rồi cuối cùng cũng bán được 1 triệu đồng bộ khung nhà trị giá hơn 20 triệu đồng. Cái lều gió mạnh chắc bay, không biết người vợ và hai đứa con ấy chịu ông chồng thêm được mấy ngày nữa.
Tận cùng cay đắng
Biết chúng tôi làm báo, Lò Văn Tuấn, 25 tuổi, chàng rể mới của bản Pá Pha - bản kề cận với 2 bản Pá Hăm 1 và 2 tìm đến, nghèn nghẹn kể câu chuyện cuộc đời mình.
Mẹ Tuấn mất từ lúc cậu còn bé lắm, mặt không nhớ mà tên cũng không biết. Nhà 5 anh em, ông bố nghiện thuốc phiện. Năm cậu lên 6 tuổi, thiếu thuốc, ông mang cậu "đi đổi" cho một gia đình người Mông lấy 2 con lợn con. Hai con lợn con ấy chưa kịp đổi tiếp thành thuốc thì cậu đã tìm được đường trốn về nhà, lợn hoàn chủ cũ.
Không chịu được cảnh thiếu thuốc, ông bố lại mang con đi bán, lần này đi thật xa cho một gia đình người Dao ở Nậm Cha (huyện Sin Hồ, Lai Châu). Cậu khóc, chắp tay xin bố cũng không lay chuyển. Ông bố bán cậu được 3 triệu, gần bằng tiền con trâu. Cậu biết vì gia đình ấy bán con trâu 3,5 triệu lấy tiền mua cậu.
Không trốn về được nhưng cậu bé lên 6 tuổi ấy nhớ nằm lòng tên bố và địa chỉ gia đình. Năm 19 tuổi, một lần Tuấn có một chút tiền để vượt về xóm Lò Vôi ở thị xã Mường Lay (Điện Biên) bây giờ, tìm lại gia đình cũ.
Nhà Tuấn đã tan tác mất rồi, Bố Tuấn - ông Nguyễn Văn Châu đã chết, hai người anh lớn và cô em gái cũng đã chết trong những hoàn cảnh khác nhau. Chỉ còn người em trai út tên Nguyễn Văn Đức không biết lưu lạc chốn nào. Hồi Tuấn bị bán đi, cậu em út mới lên 3 tuổi vẫn thường theo anh đi chơi. "Các anh cứ viết, viết kỹ kỹ vào... Biết đâu ở phương trời nào đó, chú Đức đọc được... cho chúng em đoàn tụ" - Tuấn nói trong nghẹn ngào nước mắt.
Cách nhà Tuấn ở bây giờ chừng 100 mét ở Pà Hăn 2 cũng vừa có cảnh bán con. Đứa bé bị bán cũng lên 6 tuổi, bố nó bán nó cũng chỉ vì mắc vào nghiện hút. Ông bố là Lò Văn Ban. Cũng như mấy gia đình ông Nháng, ông Nẻ, anh Ba, nhà anh Ban cũng có một căn nhà sàn mới dựng được từ chương trình tái định cư của thuỷ điện Sơn La.
Ngói, ván của căn nhà ấy cũng lần lượt chui qua cái ống bơm tiêm. Đến bộ khung nhà, thèm thuốc quá anh Ba rao bán được 800 ngàn đồng, đạt "kỷ lục" thấp nhất trong giới con nghiện ở Pá Hăn. Hết nhà anh xoay bán đến con. Đứa con gái Lò Thị Tưởng lên 6 tuổi, anh rao bán 10 triệu đồng. Bên mua mới đưa 4 triệu, ông bố trao con, cầm 4 triệu ra đi.
Chúng tôi gặp chị Lò Thị Tẹp - mẹ bé Tưởng ngay tại nền nhà cũ của chị. Người phụ nữ ấy đang ngơ ngác đến thất thần, chị kể anh chồng chị, hôm bán con cầm tiền đi có gặp chị và báo 1 năm nữa không về thì coi như đã chết. Tìm con gái thì bố mẹ nuôi đã đưa nó đi nương chưa về. Chị cũng không đi tìm được nữa vì còn 2 đứa con gái sinh đôi mới lên 2 tuổi. Không nhà, không tài sản, cả tuần rồi ba mẹ con vạ vật ở nhờ hàng xóm.
Đến nằm trong bản, chó sủa râm ran, anh chủ nhà lắc đầu bảo "chúng nó dỡ nhà đi bán đấy". Mấy anh cán bộ Ban quản lý dự án di dân tái định cư tỉnh nằm tại bản thì vò đầu bứt tai: "Chúng tôi đến chết chìm ở đây mất thôi!". Họ còn đang lo, tới đây những khoản chi trả cho dân về hỗ trợ đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất không khéo lại thêm phần "kích hoạt" cho tệ nghiện hút.
Hai bản Pá Hăn bây giờ nhao nhác vì nghiện, trong số 123 gia đình, tạm tính cũng đã có 37 người nghiện, số ấy có cả công an viên bản Pá Hăn 1 Quàng Văn Phanh. Hai bản Pá Hăn đã "thanh lý" xong 5 ngôi nhà, mấy cái khác đang trong "quá trình thanh lý". Con gà tối cũng phải mang lên nhà, nương ngô chưa già đã bắt đầu mất trộm. Đêm cuối ở bản, chúng tôi nhận được tờ giấy liệt kê tên của 37 người nghiện từ 2 cháu học sinh trong bản gửi đến với lời nhắn: Các chú nói giúp cho dân bản chúng cháu.
Theo NTNN
▪ Người có HIV nên công khai danh tính khi cần sự hỗ trợ (18/08/2008)
▪ Bạc Liêu: Trốn chín năm, ngỡ yên... vẫn bị tù (23/08/2008)
▪ Nhiễm AIDS, xoay ra bán heroin (22/08/2008)
▪ Cơn lốc ma túy đe dọa dân tái định cư ở Nghệ An (22/08/2008)
▪ “Tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em đã đến mức báo động!” (19/08/2008)
▪ Đầu cơ có tội hay không? (19/08/2008)
▪ Ca sĩ Gary Glitter được ra trại (16/08/2008)
▪ Một gái bán dâm nhiễm HIV, nhiều đàn ông "ngồi trên đống lửa" (16/08/2008)
▪ Hơn 13 năm tù cho nữ quái ngậm "hàng trắng" đi bán dạo (14/08/2008)
▪ Tội phạm trẻ: SOS! (14/08/2008)