Một số trường hợp định cư nước ngoài được lấy lại nhà
Các Website khác - 04/01/2006
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch nhà ở trước ngày 1-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Sau đây là một số nội dung chính của bản dự thảo này.
Người định cư ở nước ngoài: được công nhận sở hữu, lấy lại nhà hoặc hưởng giá trị nhà

Theo dự thảo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc bốn nhóm đối tượng sau sẽ được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và được lấy lại nhà: người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam, người có công đóng góp với đất nước, các nhà hoạt động văn hóa, khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại đất nước và người hồi hương về sống ổn định tại Việt Nam. Các trường hợp khác chỉ được công nhận quyền sở hữu nhà ở và hưởng trị giá nhà ở thông qua việc về Việt Nam bán nhà hoặc ủy quyền cho người khác bán, tặng cho nhà.

Nhà đang cho thuê, cho mượn: chủ sở hữu được lấy lại nhà

Nếu hợp đồng cho thuê, cho mượn nhà đã hết hiệu lực trước ngày nghị quyết này có hiệu lực và các bên không thỏa thuận tiếp tục cho thuê, cho mượn nữa thì người cho thuê sẽ được lấy lại nhà với điều kiện phải thông báo bằng văn bản cho người thuê, mượn nhà trước sáu tháng. Nếu thời hạn cho thuê, cho mượn nhà vẫn còn hiệu lực thì đến hết thời hạn hợp đồng bên cho thuê, cho mượn cũng được lấy lại nhà. Trường hợp bên thuê, mượn nhà không thể tạo dựng nhà, không có chỗ ở nào khác thì được tiếp tục ở thuê, mượn nhà đến ngày 1-7-2010 mới phải trả lại cho chủ sở hữu.

Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi nhà: tiếp tục thực hiện nếu không tranh chấp

Trường hợp giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân trong nước đã ký hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi nhà với nhau trước 1-7-1991, không tranh chấp về hợp đồng nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu thì được tiếp tục xác lập quyền sở hữu. Nếu người mua, đổi, được tặng cho là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì tùy từng trường hợp có thể được đứng tên sở hữu nhà hoặc chỉ được hưởng trị giá căn nhà.

Trường hợp hợp đồng mua bán có tranh chấp thì chỉ những hợp đồng có hình thức phù hợp quy định của pháp luật mới được công nhận, các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng. Với hợp đồng đổi, tặng cho nhà có tranh chấp thì những trường hợp đã giao nhận nhà rồi tiếp tục được thực hiện, người nhận nhà được xác lập quyền sở hữu.

Quản lý nhà không có ủy quyền trên 30 năm: được sở hữu

Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ nhà đã ủy quyền cho người tại Việt Nam quản lý nhà và thời hạn ủy quyền đã hết trước ngày 1-7-1996 thì chủ sở hữu được lấy lại nhà nếu có nhu cầu. Nếu chủ sở hữu không có nhu cầu lấy lại nhà thì xác lập quyền sở hữu cho bố mẹ, vợ chồng, con của chủ sở hữu đang quản lý, sử dụng nhà ở đó. Trường hợp thời hạn ủy quyền quản lý nhà vẫn còn thì chủ sở hữu sẽ được lấy lại nhà khi hết thời hạn ủy quyền.

Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu không ủy quyền cho người khác quản lý nhà thì giải quyết theo hai hướng: nếu người quản lý là bố, mẹ, vợ con của chủ sở hữu và thời gian quản lý liên tục trên 30 năm thì được công nhận sở hữu; Nếu người quản lý không phải là bố mẹ vợ con của chủ sở hữu thì tài sản đó thuộc về Nhà nước, người quản lý được ưu tiên mua, thuê lại nhà.

Nhà do các tổ chức, cơ quan thuê, mượn làm trụ sở: cũng phải trả lại!

Nhà ở của người Việt định cư ở nước ngoài được cơ quan, tổ chức Việt Nam thuê, mượn và hiện đang để làm trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình công cộng: nếu thời hạn thuê nhà đã hết hoặc hợp đồng thuê nhà không xác định thời hạn thì các bên có thể thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì cơ quan, tổ chức đó cũng phải trả lại nhà cho bên cho thuê kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.

Trường hợp cơ quan, tổ chức thuê nhà nhưng đã bố trí cho cá nhân khác ở thì thời hạn trả nhà là sau sáu tháng kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực. Về phương thức trả nhà, tùy từng trường hợp các bên có thể thỏa thuận trả lại chính căn nhà đang quản lý, sử dụng hoặc trả bằng nhà khác, bằng tiền hoặc Nhà nước giao đất.

Theo Tuổi trẻ