![]() |
Lệnh bắt ông Hoàng được thực hiện vào 18h chiều nay. |
18h hôm nay, Cục cảnh sát điều tra đã đọc quyết định tạm giam ông Lê Minh Hoàng sau khi thực hiện khám xét trụ sở và nhà riêng của bị can này. Thời hạn tạm giam là 4 tháng. Ông Hoàng bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng - Điều 165 Bộ Luật hình sự.
Ông Hoàng được triệu tập tới trụ sở cơ quan công an từ 9h sáng nay. Mãi đến 16h45, ông Hoàng mới được đưa về nhà riêng tại chung cư số 9 đường Thái Văn Lung, quận 1. Với vẻ mặt suy sụp, ông Hoàng nặng nề bước lên căn nhà của mình ở lầu 1. Nhìn thấy quá nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập ngay trước cửa chính, ông đề nghị vào nhà bằng hẻm nhỏ phía sau.
18h, cơ quan điều tra đọc quyết định khởi tố bắt tạm giam và khám xét nhà riêng. Một cán bộ điều tra cho biết, ông Hoàng đã tỏ ra khá bất ngờ với quyết định này. Rất ít tài liệu liên quan được tìm thấy. Sau đó, ông Hoàng được đưa từ nhà riêng về Công ty Điện lực TP HCM để tiếp tục khám xét nơi làm việc cũ. Tại phòng riêng ở Công ty đã được niêm phong, số tài liệu mà cơ quan điều tra thu giữ cũng rất ít. Khoảng 18h50, công việc khám xét hoàn tất.
Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố ông Lê Minh Hoàng. Ban công tác đại biểu Quốc hội cũng cho hay, Uỷ ban Thường vụ đã ra quyết định đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với ông Hoàng.
![]() |
Công an áp giải ông Hoàng về nhà riêng... |
Theo Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, ông Hoàng đã có nhiều sai phạm trong việc tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng mua 312.000 điện kế điện tử (được xác định là hàng giả). Giám đốc Điện lực TP HCM cùng những người khác đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 185 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại do lắp đặt, tháo dỡ những thiết bị không đạt tiêu chuẩn này và bồi thường cho khách hàng.
"Với những tài liệu, chứng cứ thu thập được ban đầu, có đủ căn cứ xác định ông Lê Minh Hoàng đã cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Viện kiểm sát nhận định.
![]() |
...và tới nơi làm việc cũ tại Công ty Điện lực TP HCM để khám xét. Ảnh: Việt Hòa. |
Ông Lê Minh Hoàng sinh ngày 13/8/1945. Năm 1996, ông Hoàng làm Giám đốc Điện lực Cần Thơ. Từ 1996 đến 1998, ông làm phó giám đốc Công ty Điện lực 2.
Từ năm 1998, ông Hoàng bắt đầu làm Giám đốc Công ty Điện lực TP HCM. Ông Hoàng cũng là đại biểu Quốc hội hai khóa 10 và 11.
Ngày 15/6, sau khi có phản ảnh của người dân về điện kế điện tử "phi mã" giám đốc Công ty Điện lực TP HCM Lê Minh Hoàng có công văn gửi Sở Công nghiệp đề nghị sớm chỉ định đơn vị độc lập kiểm tra chất lượng điện kế điện tử. Trên cơ sở này, Công ty Điện lực sẽ công bố kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân dùng điện an tâm về chất lượng điện kế.
Ông Lê Minh Hoàng khẳng định, điện kế điện tử hoạt động tin cậy và chính xác hơn điện kế cơ. Loại điện kế điện tử này đã được phòng thí nghiệm nước ngoài thử nghiệm và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế IEC.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc và làm rõ vụ đấu thầu mua bán trên 312.000 chiếc điện kế điện tử có nhiều sai sót nghiêm trọng, ông Hoàng thừa nhận điện kế điện tử là sản phẩm của một vụ gian lận thương mại. Cơ quan điều tra còn cho biết thêm, tất cả những hợp đồng mua sắm điện kế điện tử đều do ông Hoàng ký. Đến ngày 23/7, ông Hoàng xin từ chức Giám đốc Công ty Điện lực TP HCM.
Cuối tháng 9, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ đề nghị cho phép bắt, tạm giam ông Lê Minh Hoàng. Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong thời gian Quốc hội không họp nếu không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ thì không được bắt giam, truy tố đại biểu.
Sáng 30/9, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho biết, Uỷ ban Thường vụ đã đồng ý trước đề nghị này.
Liên quan vụ án, cơ quan điều tra đã phê chuẩn lệnh khởi tố, tạm giam và khám xét với 6 người về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 2 trường hợp về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Điều 165 Bộ luật hình sự: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi hoặc động có cá nhân khác b) Có tổ chức c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt d) Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác 3. Phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. |
Việt Hòa - Thanh Nga
Theo dòng sự kiện: |
▪ Một thai phụ tạo vụ cướp giả (03/10/2005)
▪ Rạch bạt ôtô ăn trộm hàng (03/10/2005)
▪ Sát hại em trai vì tranh giành nhà cửa (03/10/2005)
▪ Xét xử Phó chi cục QLTT Quảng Ninh tội nhận hối lộ (03/10/2005)
▪ Tham ô bạc tỷ khi tháo dỡ cầu (03/10/2005)
▪ Thiếu trách nhiệm khi bảo quản tang vật vụ án Hang Dơi (03/10/2005)
▪ Hai Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh lương (01/10/2005)
▪ Ngăn chặn tình trạng tái trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người (01/10/2005)
▪ Cần sớm tháo gỡ vướng mắc về tài chính khi thu hồi đất của nông, lâm trường (01/10/2005)
▪ Trẻ em có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự khi bao nhiêu tuổi? (01/10/2005)