Về phạm vi thu hồi đất
Theo quy định tại Điều 38 Luật Đất đai năm 2003, Điều 36 Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì việc thu hồi đất của các nông, lâm trường để giải quyết đất sản xuất, đất ở cho hộ đồng bào dân tộc thiều số nghèo không thuộc phạm vi Nhà nước thu hồi đất (khi nông, lâm trường không giảm nhu cầu sử dụng đất thì không thể vận dụng Khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai năm 2003).
Chính không thuộc phạm vi Nhà nước thu hồi đất nên ở đây có hai vấn đề cần quan tâm, thứ nhất về thủ tục hành chính, vì không thuộc phạm vi Nhà nước nên khi ban hành Quyết định của UBND tỉnh để thu hồi đất của các nông, lâm trường không thể căn cứ vào Nghị định số: 181/2004/NĐ-CP vì không có Điều khoản nào quy định và đây có lẽ là thiếu sót do cơ quan soạn thảo Luật Đất đai, Nghị định của Chính phủ chưa đưa phạm vi thu hồi nên một số chế độ áp dụng khi Nhà nước thu hồi đất đã không được thực hiện trong trường hợp này nên dễ xảy ra thiếu công bằng, khó thực hiện.
Về tài sản được bồi thường
- Bồi thường về đất: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quyết định 146/2005/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ 146) nếu đất sản xuất của nông, lâm trường được giao trước ngày 1-1-1999 và chưa chuyển sang hình thức thuê đất thì khi thu hồi không được bồi thường, có nghĩa là không được bồi thường các chi phí đầu tư vào đất còn lại. Thực tế hầu hết đất của các nông, lâm trường đã được giao trước ngày 1-1-1999, chưa chuyển sang hình thức thuê đất, hiện nay đang cho cán bộ công nhân viên của Nông lâm trường nhận khoán, đầu tư chi phí để cải tạo, trồng cây lâu năm, hàng năm. Như vậy nếu theo quy định tại Quyết định 146, không bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại là không phù hợp.
- Bồi thường về vườn cây lâu năm, rừng trồng : Theo quy định tại Quyết định 146 chỉ những vườn cây lâu năm, rừng trồng được hình thành từ nguồn vốn vậy hoặc từ nguồn vốn đầu tư của hộ gia đình khi thu hồi đất được bồi thường. Tuy nhiên nguồn vốn của doanh nghiệp để hình thành vườn cây rừng trồng có rất nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn liên doanh liên kết giữa các đơn vị, vốn chiếm dụng, vốn tự bổ sung của doanh nghiệp v.v. nếu không thực hiện bồi thường cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp không thể có nguồn vốn để bù đắp phần thiếu hụt do bị thu hồi đất gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình ổn định, tổ chức lại sản xuất kinh doanh sau khi bị thu hồi đất.
- Tài sản là vườn cây lâu năm hiện nay hầu hết do người lao động nhận khoán chăm sóc, giá trị còn lại của vườn cây thể hiện trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp gần như không còn nhưng thực tế chất lượng vườn cây còn rất tốt, trong đó có một phần do người nhận khoán chăm sóc bảo vệ mới có được. Nếu khi thu hồi không đề cập đến việc hỗ trợ một phần cho người lao động nhận khoán vườn cây lâu năm là chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh cho hợp lý.
Đối tượng được bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất không đồng nhất
Theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì người nhận khoán đất của nông, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ, mức hỗ trợ cao nhất bằng giá đất bồi thường tính theo diện tích đất thực tế thu hồi, mức cụ thể do UBND các tỉnh, thành phố quy định cho phù hợp thực tế địa phương.
Ngoài ra người nhận khoán còn được hưởng các khoản hỗ trợ khác như ổn định cuộc sống, chuyển đổi nghề, di chuyển chỗ ở v.v. Thế nhưng theo quy định tại Quyết định 146 thì người nhận khoán đất không được hỗ trợ khoản kinh phí nào cả. Như vậy thử hỏi, hai thửa đất gần nhau, một thửa bị thu hồi theo Điều 38 Luật Đất đai thì được hưởng các khoản hỗ trợ, còn thửa bên cạnh liền kề khi thu hồi để giải quyết đất ở và đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc tại chỗ lại không được hỗ trợ và như vậy là không công bằng, khó thực hiện.
Nguồn vốn để bồi thường
Theo quy định tại Điều 4 Quyết định 146 thì nguồn vốn do ngân sách Trung ương bảo đảm chi ở mức bình quân 5.000.000 đồng/ha, ngân sách tỉnh, thành phố bảo đảm không thấp hơn 20% so với ngân sách Trung ương bảo đảm và nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quyết định 134. Thoạt đầu nhìn vào quy định này thấy rất dễ thực hiện, tuy nhiên phải nói rằng nếu quy định như vậy sẽ rất khó thực hiện bởi lẽ:
- Hiện nay, mức giá bồi thường vườn cây lâu năm áp dụng khi Nhà nước thu hồi đất do UBND các tỉnh ban hành cho một ha vườn cây lâu năm cũng vào khoảng 50 đến 60 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn nữa. Như vậy nếu ngân sách Trung ương chỉ bảo đảm 5.000.000 đồng cho một ha tức vào khoảng 10% so với mức phải bồi thường khi thu hồi vườn cây, còn lại khoảng 90% yêu cầu Ngân sách tỉnh (kể cả huy động các nguồn vốn hợp pháp khác) phải bảo đảm để giải quyết bồi thường cho số tài sản có trên đất bị thu hồi và sẽ vượt quá khả năng của ngân sách tỉnh, thành phố.
- Các tỉnh phải giải quyết đất ở đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là tỉnh nghèo, nguồn thu của ngân sách rất thấp, chủ yếu nhờ nguồn thu bổ sung từ ngân sách Trung ương. Hiện nay theo quy định của Luật Ngân sách, thì ngân sách các tỉnh đang trong thời kỳ ổn định (nguồn thu bổ sung từ ngân sách Trung ương đã ổn định) nên rất khó có nguồn thu bổ sung và như vậy khó có nguồn vốn để thực hiện nhiệm vụ này bởi do các khoản chi cần thiết của địa phương đã được cân đối. Mặt khác nguồn vồn huy động hợp pháp khác của các tỉnh nghèo sẽ không khả thi vì thứ nhất, đã là tỉnh nghèo thì hầu hết các doanh nghiệp (nguồn huy động chủ yếu) cũng không phát triển mạnh, thứ hai nguồn tài trợ này thực tế rất khó huy động.
- Nhu cầu đất ở và đất sản xuất để giải quyết cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo rất lớn, do đó phải thu hồi đất của các nông, lâm trường và do vậy nguồn vốn để giải quyết vấn đề này rất lớn trong lúc ngân sách tỉnh lại khó khăn, sẽ gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện chủ trương, chính sách lớn này của Đảng và Nhà nước.
|