Ngăn chặn tình trạng tái trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người
Các Website khác - 01/10/2005
Ba tháng qua, đã có 93 nạn nhân, trong đó có 12 trẻ em, rơi vào cạm bẫy của các ổ, nhóm buôn người được Công an Quảng Ninh và Đông Hưng (Trung Quốc) phối hợp giải thoát. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm gì để giúp các nạn nhân vượt qua mặc cảm, sớm hòa nhập cộng đồng, không tiếp tục trở thành nạn nhân, đặc biệt là giúp họ tránh nguy cơ rơi vào con đường phạm tội?
Cạm bẫy người và số phận những kiếp hoa phiêu bạt

Trừ ba người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, 90 nạn nhân còn lại đều bị lừa bán sang bên kia biên giới để làm gái mại dâm. Ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, điểm chung của họ là đa phần chỉ ở độ tuổi trên dưới 20, nghèo và cùng bị lừa bởi một nguyên nhân "xưa như trái đất" - ấy là giúp đi tìm việc làm. Những tủi nhục của họ bên xứ người không thể nói thành lời.

Dáng thấp, nhỏ, rắn rỏi, tóc duỗi thẳng, nhuộm vàng hoe, Ngô Thị Ngọc Tr già hơn rất nhiều so với tuổi 15 của mình. Phải mất khá nhiều thời gian thuyết phục, Tr mới kể về đường dây đưa em vào cạm bẫy của bọn buôn người và chuỗi ngày phiêu bạt của em. Quê Tr ở xã Nhân Đức, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Nhà nghèo, phải thôi học sau khi hết lớp 9, cuối tháng 2-2005, một người làm nghề xe ôm ở gần nhà Tr tên là Tài rỉ tai em rằng có người ở Cần Giuộc, Long An đang rất cần người giúp bán hàng ăn ở Nha Trang, công trả 1,5 triệu đồng/tháng. 12 giờ trưa cùng ngày, Tài đưa người phụ nữ đến và giới thiệu tên là Ly. Lúc đó, T (bạn của Tr) cũng đến chơi. T SN 1989, bố mẹ đã ly hôn, hiện ở với bố và dì ghẻ. Do thường xuyên bị đánh đuổi nên khi nghe bà Ly nói ngon ngọt về một cuộc sống nhàn hạ, sung sướng ở thành phố biển, cả hai đồng ý đi ngay.

Hai ngày sau, qua nhiều lần lên xuống xe, ba người đến Móng Cai (Quảng Ninh). Khi Tr và T tỏ ý nghi ngờ thì Ly ngon ngọt một hai "cho chị sang thăm chồng ở Trung Quốc rồi sẽ quay về ngay". Đến nhà của "chồng" Ly ở khu Thẩm Cót, thị trấn Giang Bình, tỉnh Quảng Đông, hai em mới biết mình bị lừa.

Sau khi T may mắn trốn được về Việt Nam, Tr bị Ly ép phải bán thân cho gã đàn ông khoảng 40 tuổi, rồi đem bán cho một người phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc tên là Hương giá 5.000 NDT để làm gái bán dâm lưu động. Cùng cảnh như Tr tại nhà thị Hương còn có Đoàn Thị Thùy Tr, SN 1980, ở xã Hưng Điền, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Do cần việc làm để kiếm tiền chữa bệnh khớp cho mẹ, tháng 9-2004, Thùy Tr đã bị Ly lừa bán cho thị Hương với giá 9.000 NDT.

Một nạn nhân khác là Nguyễn Thị S, SN 1989, quê ở xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Đầu năm 2005, qua một số người cùng quê đang làm ăn ở Móng Cái, S quen một người phụ nữ tên là Thủy. Biết S có nhu cầu tìm việc làm, Thủy hứa giúp rồi đưa đến một hàng cơm ở bên kia biên giới để "xin việc" nhưng Thủy bảo "công thấp, không làm" (sau này S biết là Thủy định bán S cho hàng cơm này nhưng do không được giá). Vào khoảng đầu tháng 4-2005, Thủy đưa S đến nhà Vũ Thị Luân, ở vùng Chắm Củi Sủi Khay, tỉnh Quảng Đông, bán được 4.800 NDT. Tại đây, Luân và chồng là Kỉnh Liềng bắt S phải đi bán dâm cho hầu khắp các nhà hàng, khách sạn trong vùng. Bất kể ngày hay đêm, hễ có khách là vợ chồng Luân lại dùng xe máy đưa S đi, mỗi lần chúng thu của khách từ 40 đến 100 NDT. Có lần, do mệt, không chiều theo ý khách, S đã bị Luân cho tay chân hành hung và dọa "nếu không nghe lời sẽ bán đi chỗ khác, nó đánh đập cho mà chết". S kể: Trung bình mỗi ngày em phải tiếp từ 7 đến 9 lượt khách, có ngày lên tới 13 lần. Số tiền trên do Luân giữ. Luân không cho S bất cứ đồng nào mà chỉ nuôi ăn và mua cho vài bộ quần áo. Đến ngày 9-5, Luân mua thêm Vân A, ở Cẩm Phả, SN 1982. Cũng như S, Vân A thường xuyên bị nhà chủ hành hung. "Dù vậy, vẫn không sợ bằng bị bán đi vùng sâu, vùng xa cho những ông già 50, 60 tuổi, thậm chí làm vợ chung cho cả gia đình, bị ép, đánh đập, hành hạ...

Làm gì để giúp các nạn nhân hòa nhập cộng đồng?

Buôn người không còn là vấn đề của một quốc gia hay một khu vực nào mà đã trở thành tệ nạn mang tính toàn cầu. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương đã có nhiều chương trình hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh triệt phá các ổ, nhóm buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới. Quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là tại các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc được chú trọng, mở rộng, trong đó, các tổ chức, các ngành của Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ hai nước bổ sung, hoàn chỉnh khung pháp lý về phòng chống loại tội phạm này, trong việc đào tạo nâng cao kiến thức pháp lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và huy động hỗ trợ kinh phí của các tổ chức quốc tế. Ở trong nước, các ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Thanh niên, Ủy ban Dân số gia đình và Trẻ em... đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia ngăn chặn, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, mà trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ về loại tội phạm này, hỗ trợ các nạn nhân trở về, tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho chị em vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng... Dù vậy, như một tảng băng chìm, vòi bạch tuộc của các ổ, nhóm sói lang vẫn hàng ngày, hàng giờ len lỏi vào các ngõ ngách để gây tội ác. Bằng chứng là qua tường trình của gần 100 nạn nhân được giải thoát vừa qua thì phần lớn trong số họ đều bị lừa bán chỉ trong khoảng thời gian hai, ba năm trở lại đây. Lo ngại hơn, một số đối tượng vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm.

Thực hiện Chương trình 130 của Chính phủ về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, hơn một năm qua, Lực lượng Công an đã tập trung đấu tranh mạnh để triệt phá các đường dây, ổ, nhóm buôn người. Đáng chú ý là từ tháng 7-2005, Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) mở đợt cao điểm phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em xuyên quốc gia trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó dưới sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Công an mà trực tiếp là Cục Cảnh sát Hình sự công an ba tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh phối hợp với công an các tỉnh có biên giới giáp Trung Quốc thường xuyên trao đổi thông tin về các đối tượng có liên quan để lập án đấu tranh và tổ chức giải thoát cho các nạn nhân. Riêng tại Quảng Ninh, ba tháng qua, cùng với việc phát hiện, lập án đấu tranh làm rõ bảy vụ, bắt hơn 10 đối tượng buôn bán phụ nữ và trẻ em, Công an tỉnh còn phối hợp với Công an Đông Hưng, Trung Quốc giải thoát cho 93 nạn nhân. Với số nạn nhân trên, sau xác minh làm rõ nhân thân, lấy lời khai, Công an Quảng Ninh thông báo cho công an các tỉnh, thành phố có nạn nhân và gia đình của họ đến tiếp nhận, thông báo các ban, ngành chức năng địa phương hỗ trợ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều địa phương, gia đình đã đến đưa con em họ về, song còn không ít trường hợp không được tổ chức tiếp nhận, Công an Quảng Ninh buộc phải gửi xe hoặc hỗ trợ kinh phí để họ tự trở về.

Một thực tế khác, theo Chương trình 130 của Chính phủ thì Lực lượng Công an giữ vai trò chủ công trong đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ, nhóm buôn người, còn việc tiếp nhận, đưa các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng thuộc trách nhiệm của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng hiện nay công an các địa phương đều phải "kiêm", tức là vừa đấu tranh, giải thoát, tiếp nhận nạn nhân vừa lo ăn, nghỉ cho nạn nhân và như vậy, hiệu quả chắc hẳn sẽ không cao. Bên cạnh đó, do mặc cảm, lại không nghề nghiệp, có nạn nhân đã không ngần ngại bày tỏ ý định sẽ tiếp tục trở lại con đường cũ.

Lao động, việc làm là chìa khóa giúp phụ nữ, trẻ em không rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vừa hoàn tất dự thảo đề án "Tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về" giai đoạn 2005 - 2010. Theo đó, với mức kinh phí dự kiến khoảng 77,3 tỷ đồng, sẽ có khoảng 15.000 nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ pháp lý, y tế tài chính và việc làm để ổn định cuộc sống.

Theo  An ninh thế giới