NGHỊ ĐỊNH
Về việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 17/2003/QH11 ngày 04 tháng 11 năm 2003 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 và Nghị quyết số 19/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 về nhiệm vụ 2004 của Quốc hội khoá XI;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với các đối tượng sau đây:
1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức; quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương hưu hàng tháng theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định.
2. Công nhân, viên chức và người lao động hưởng lương hưu hàng tháng vừa có thời gian hưởng lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian hưởng lương không theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định.
3. Công nhân, viên chức đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, kể cả người hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
5. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ.
Điều 2. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng trước ngày 01 tháng 10 năm 2005 quy định tại Điều 1 Nghị định này được điều chỉnh như sau :
1. Đối với cán bộ, công chức, công nhân, viên chức nghỉ hưu :
a) Tăng 10% trên mức lương hưu hiện hưởng đối với người có mức lương trước khi nghỉ hưu dưới 390 đồng/tháng theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng; có hệ số lương cũ dưới 3,06 theo Nghị định số 25/CP và Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; có hệ số lương mới dưới 3,99 theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQHK11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 128/QĐ-TW ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ;
b) Tăng 8% trên mức lương hưu hiện hưởng đối với người có mức lương trước khi nghỉ hưu từ 390 đồng/tháng trở lên theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng; có hệ số lương cũ từ 3,06 trở lên theo Nghị định số 25/CP và Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; có hệ số lương mới từ 3,99 trở lên theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQHK11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 128/QĐ-TW ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.
2. Đối với quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân nghỉ hưu :
a) Tăng 10% trên mức lương hưu hiện hưởng đối với người có mức lương trước khi nghỉ hưu dưới 425 đồng/tháng theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng; có hệ số lương cũ dưới 4,4 theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; có hệ số lương mới dưới 5,6 theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ;
b) Tăng 8% trên mức lương hưu hiện hưởng đối với người có mức lương trước khi nghỉ hưu từ 425 đồng/tháng trở lên theo Nghị định số 235/HĐBT ngày 18 tháng 9 năm 1985 của Hội đồng Bộ trưởng; có hệ số lương cũ từ 4,4 trở lên theo Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; có hệ số lương mới từ 5,6 trở lên theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.
3. Tăng 10% trên mức trợ cấp hiện hưởng đối với người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ.
Điều 3. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tuất một lần và mức điều chỉnh lương hưu đối với người hưởng lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006 như sau :
1. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được quy định như sau :
a) Đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 : tính theo mức tiền lương đã hưởng và đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-UBTVQHK9 ngày 17 tháng 5 năm 1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 69-QĐ/TW ngày 17 tháng 5 năm 1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị định số 25/CP và Nghị định số 26/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ;
b) Đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 trở đi : tính theo mức tiền lương đã hưởng và đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQHK11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định số 128/QĐ-TW ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.
2. Mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006 được thực hiện một lần tại tháng nghỉ hưu theo quy định sau :
Tháng nghỉ hưu từ 10-2005 đến 9-2006
| Nghỉ hưu vào 3 tháng cuối của năm 2005
| Nghỉ hưu vào 9 tháng đầu của năm 2006
| T10 | T11 | T12 | T1 | T2 | T3 | T4 | T5 | T6 | T7 | T8 | T9 | Mức điều chỉnh (%)
| 14 | 13,5 | 13 | 12,5 | 12 | 11,5 | 11 | 10,5 | 10 | 9,5 | 9,0 | 8,5 |
Điều 4. Đối với người nghỉ hưu thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, thì chỉ điều chỉnh phần lương hưu hưởng theo tiền lương thuộc thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định. Các mức điều chỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
Điều 5. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu và mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ chờ đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí căn cứ vào tháng nghỉ chờ và thời gian đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí được quy định như sau :
1. Đối với người nghỉ chờ đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 và đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến trước ngày 01 tháng 10 năm 2006 :
a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu tính theo mức tiền lương quy định tại các văn bản nêu tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định này;
b) Mức điều chỉnh lương hưu được quy định bằng mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 208/2004/NĐ-CP và mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 10 năm 2005 theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
2. Đối với người nghỉ chờ đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 10 năm 2005 và đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến trước ngày 01 tháng 10 năm 2006 :
a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này;
b) Mức điều chỉnh lương hưu được quy định bằng mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 10 năm 2004 đến ngày 30 tháng 9 năm 2005 quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 208/2004/NĐ-CP và mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước ngày 01 tháng 10 năm 2005 theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định này.
3. Đối với người nghỉ chờ đủ tuổi đời và đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến trước ngày 01 tháng 10 năm 2006 :
a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này;
b) Mức điều chỉnh lương hưu được quy định bằng mức điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 đến ngày 30 tháng 9 năm 2006 quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.
Điều 6. Kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này được quy định như sau :
1. Đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995 do ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 10 năm 1995 trở đi kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.
Điều 7. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này được hưởng mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng điều chỉnh theo quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.
Điều 8.
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội quy định tại Nghị định này;
b) Trình Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng của các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này từ ngày 01 tháng 10 năm 2006 đến ngày 01 tháng 10 năm 2007.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm.
3. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có trách nhiệm bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm; tổ chức hướng dẫn các cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và tổ chức chi trả đối với các đối tượng kịp thời, đúng quy định tại Nghị định này.
Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Phan Văn Khải
------------------------
NGHỊ ĐỊNH
Điều chỉnh mức lương tối thiểu chung
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 nâng mức lương tối thiểu chung từ 290.000 đồng/tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu lên 350.000 đồng/tháng.
Điều 2. Mức lương tối thiểu chung quy định tại Điều 1 Nghị định này được dùng làm cơ sở điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và tính trợ cấp thôi việc, các khoản trích, các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung như sau:
1. Tăng 20,7% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đã được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 117/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 2005.
2. Tăng 20,7% trên mức trợ cấp của tháng 9 năm 2005 đối với người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tính theo mức lương tối thiểu chung.
3. Tính trợ cấp thôi việc cho số tháng làm việc kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2005 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và đối với người thôi việc do tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP (số năm làm việc từ ngày 30 tháng 9 năm 2005 trở về trước được tính theo hướng dẫn trước ngày 01 tháng 10 năm 2005).
4. Các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung được tính lại tương ứng.
Điều 3. Kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn:
1. Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đối với từng cơ quan hành chính, từng đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ. Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất).
3. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính có thu.
4. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương.
5. Ngân sách trung ương bổ sung nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng các quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà vẫn còn thiếu.
6. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995 (kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 10 năm 1995 trở đi, kể cả cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 và Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm).
Điều 4. Kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung đối với các đối tượng làm việc trong các doanh nghiệp do doanh nghiệp bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.
Điều 5.
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Điều 1 Nghị định này đối với công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, công ty, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác có thuê mướn lao động; hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định này; hướng dẫn tính trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002, Nghị định số 155/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ.
2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Điều 1 Nghị định này đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; hướng dẫn tính trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này đối với người thôi việc do tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000, Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm:
a) Hướng dẫn việc tính toán, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.
b) Thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định này và nguồn bảo đảm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995.
Điều 6.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2005.
Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này ./.
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Phan Văn Khải
|