Các giấy tờ cần có trong hồ sơ đăng ký dự thi ÐH, CÐ? Thí sinh tự do nộp hồ sơ ở đâu?
Các Website khác - 13/03/2006
Trả lời: Hồ sơ đăng ký dự thi (ÐKDT) ÐH, CÐ đã được phát hành trong cả nước, do các sở GD và ÐT in theo mẫu chung của Bộ. Cùng với hồ sơ in sẵn, năm nay Bộ GD và ÐT cho phép thí sinh (TS) sử dụng mẫu phiếu ÐKDT in ra từ mạng internet (vẫn phải khai, có dấu xác nhận và đặt trong túi hồ sơ).

Túi đựng hồ sơ có dán ảnh và đóng dấu giáp lai, phiếu số 1 và phiếu số 2 (đã điền đủ thông tin); ba ảnh chân dung cỡ 4x6 mới chụp trong vòng sáu tháng (ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, mã trường và ngành dự thi vào mặt sau của các tấm ảnh) để vào phong bì nhỏ; ba phong bì có dán tem ghi rõ tên, địa chỉ người nhận; bản sao các giấy chứng nhận hợp pháp nếu là đối tượng ưu tiên (con liệt sĩ, con thương binh...). Ðối với TS có nguyện vọng 1 (NV1) học tại các trường ÐH, CÐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CÐ của các trường ÐH, hồ sơ có thêm bản photocopy mặt trước phiếu ÐKDT số 1. Bản photocopy này sẽ được các Sở GD và ÐT chuyển cho các trường không tổ chức thi cùng với ảnh và địa chỉ đã dán tem sẵn của TS để các trường này có đầy đủ thông tin của TS như những trường tổ chức thi.

Theo quy định, TS tốt nghiệp THPT từ năm 2005 trở về trước (thí sinh tự do), sẽ mua và nộp hồ sơ tại các điểm thu nhận hồ sơ thuộc Sở GD và ÐT hoặc nộp trực tiếp tại trường dự thi. Hồ sơ dự thi của TS tự do phải có xác nhận và đóng dấu giáp lai của địa phương (nơi TS có hộ khẩu thường trú).

(Bộ Giáo dục và Ðào tạo)

Hỏi: Quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến?

Trả lời: Quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến được bảo hộ bằng các chính sách chủ yếu sau:

- Căn cứ vào nguồn thu từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, Nhà nước hằng năm dành một khoản

từ ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến; tạo điều kiện ổn định sản xuất và đời sống cho bộ phận nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến phải thay đổi nơi cư trú, nơi sản xuất;

- Tổ chức, cá nhân được phép khai thác chế biến khoáng sản có trách nhiệm kết hợp yêu cầu của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ, phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai tại địa phương theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được chấp thuận; ưu tiên thu hút lao động tại địa phương vào hoạt động khoáng sản và các dịch vụ liên quan.

(Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Hỏi: Tình trạng xe tự chế vẫn đang hoạt động ở nhiều vùng nông thôn. Ðề nghị báo cho biết, mức phạt đối với hành vi này?

Trả lời: Phạt tiền từ ba triệu đồng đến năm triệu đồng đối với chủ xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô-tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:

- Tự ý thay đổi tổng thành khung; tổng thành máy; hệ thống phanh; hệ thống truyền động; hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe;

- Cải tạo các loại xe ô-tô khác thành xe ô-tô chở khách.

(Bộ Giao thông vận tải)

Hỏi: Quy định về thủ tục khắc lại con dấu?

Trả lời: Trường hợp khắc lại con dấu thì trong hồ sơ phải có công văn nêu rõ lý do, giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu, nếu khắc lại con dấu đã bị mất phải có đơn có xác nhận của công an phường, xã nơi xảy ra mất dấu. Người cử đến nộp hồ sơ khắc dấu phải có giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu. Nếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải là sáng lập viên.

(Bộ Công an)