Các mỏ diatomit ở Phú Yên đang bị khai thác vô tội vạ
Các Website khác - 29/11/2005
Huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là nơi có trữ lượng diatomit vào loại lớn nhất Việt Nam, có chất lượng tốt và lộ thiên, dễ khai thác, do vậy đã xảy ra tình trạng khai thác vô tội vạ tại xã miền núi An Xuân. Chính quyền địa phương cần kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng này.
Vào mùa khô, trên đoạn đường từ tỉnh lộ 641 lên An Xuân khoảng 15 km, mặt đường và những cây dại mọc ven đường được phủ một lớp đất bột trắng rất dày. Đây là “sản phẩm phụ" của việc khai thác và vận chuyển diatomit. Và hậu quả tất yếu mà người dân trong vùng phải gánh chịu là thứ không khí được hòa trong bột trắng này.

Từ đầu xã lên mỏ khai thác diatomit Hòa Lộc do Công ty Phát triển khoáng sản 5 (Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam) quản lý chỉ một đoạn ngắn, nhưng có hàng trăm bao tải chất đầy diatomit thô và chung quanh đó là vài chục người đang hì hục cạy những miếng đất lộ thiên để đem bán. Có thể nói từ năm 2001 đến nay, khi diatomit trở thành nguồn "nguyên liệu lý tưởng" để cải tạo ao đìa nuôi tôm thì cuộc sống của 520 hộ dân ở An Xuân trở nên sôi động. Mọi người nhận ra rằng mình đang sống trên đống vàng và thi nhau khai thác.

Nếu như cách đây bốn năm giá diatomit từ 600.000 - 650.000 đồng/tấn thì nay do lượng người khai thác nhiều, nên giá đã giảm xuống còn một nửa. Tuy vậy, với người dân ở đây, mức giá này vẫn chấp nhận được. Trong khi đó quy trình khai thác diatomit rất đơn giản: chỉ cần một cái xà beng để cạy đào đất và một con dao để chẻ nhỏ miếng đất; sau đó phơi ra rồi cho vào bao coi như xong công đoạn thô. Hộ nào khá hơn thì sắm cối để xay diatomit thô nhuyễn ra như bột; sau đó đóng bao bán cho tư thương chở về các vùng nuôi tôm để cải tạo ao đìa. Ông Ngô Hồng Bộ, xã An Xuân cho biết: mỗi ngày có hàng chục xe lên đây chở diatomit, từ xe công nông mỗi lần chở vài chục bao cho đến xe tải 10 tấn, 12 tấn.

Trước việc khai thác vô tội vạ như vậy, huyện Tuy An có kiểm tra và xử phạt một số tư thương lên khai thác và lén lút vận chuyển diatomit, nhưng do lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, nên hiệu quả không cao...

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có khoảng 40 cơ sở chế biến diatomit, tập trung nhiều nhất ở huyện Tuy An, nhưng phần lớn đều hoạt động trái phép. Đó là cơ sở chế biến diatomit của ông Trần Văn Mẫn ở xã An Cư hoạt động từ năm 2003, nhưng đến nay không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy phép chế biến khoáng sản và cũng chưa làm nghĩa vụ nộp thuế. Doanh nghiệp tư nhân Thái Dương đã thuê hơn 5.000 m2 của HTX nông nghiệp thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) để sản xuất thuốc thú y thủy sản từ diatomit. Tuy nhiên, trong số 65 tấn diatomit mà doanh nghiệp này đưa vào chế biến có đến 12 tấn mua trôi nổi trên thị trường...

Riêng đối với Công ty Phát triển khoáng sản 5, tuy đã được cấp phép khai thác mỏ Hòa Lộc với diện tích 66 ha, nhưng đến nay Công ty mới sử dụng được gần 5 ha. Diện tích còn lại do quản lý kém nên bị các đối tượng ngoài công ty vào khai thác vô tội vạ.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên thì huyện Tuy An có trữ lượng diatomit vào loại lớn nhất Việt Nam với khoảng 90 triệu m3, có chất lượng tốt và lộ thiên, nên dễ khai thác, tập trung chủ yếu ở các xã miền núi như: An Thọ, An Xuân, An Lĩnh. Loại khoáng sản này dùng sản xuất bột trợ lọc thay thế hàng nhập khẩu phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất rượu, bia và nước giải khát; sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, làm chất xử lý môi trường cho nuôi trồng thủy sản...

Trước mắt, tỉnh Phú Yên cần nhanh chóng kiểm tra lại và xử lý nghiêm việc hoạt động của các cơ sở chế biến quặng diatomit trái phép. Đối với diện tích đất 51 ha của mỏ Hòa Lộc mà Công ty Phát triển khoáng sản 5 chưa khai thác cần phải thu hồi lại để giao lại cho đơn vị khác có nhu cầu. Riêng tại địa bàn xã An Xuân, nơi đang diễn ra việc khai thác diatomit ồ ạt, chính quyền huyện Tuy An và xã cần giáo dục nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi khoáng sản.

Theo Tin tức