Trong vụ trục lợi bảo hiểm nhằm chiếm đoạt 3,8 tỷ đồng này, Phan Hồng Thu, SN 1960, quê Long An, trú tại phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Thái Phong được đánh giá là nhân vật giữ vai trò "đạo diễn". Điều đáng kinh ngạc là tiền tỷ tại PJICO đã bị chiếm đoạt bởi một bộ hồ sơ giả mạo được lập rất cẩu thả.
Quá trình điều tra vụ án, bị can Phan Hồng Thu cùng các đồng phạm tại PJICO luôn khai rằng, Công ty Việt Thái Phong đã nhận được ủy quyền của Công ty TAIFUN để làm thủ tục yêu cầu chi trả bảo hiểm.
Lạ lùng là, những tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập cho thấy, lô hàng trị giá 3,8 tỷ đồng đã được PJICO chi tiền bảo hiểm lại không hề liên quan tới Công ty TAIFUN: Hợp đồng mua bán lô hàng tôm đông lạnh này được ký kết vào ngày 9-10-2002 giữa Công ty Sông Tiền do bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc làm đại diện và Công ty PIZOLER AG của Thụy Sĩ do ông Nguyễn Thượng Hải làm đại diện. Lô hàng 15,8 tấn tôm đông lạnh này do Công ty EMC Việt Nam làm dịch vụ vận tải, sau đó, đăng ký vận chuyển hàng với Công ty GEMADEPT (TP Hồ Chí Minh), khi đến cảng Colombo của Sri Lanka vào lúc 8h30 ngày 11-11-2002 thì gặp hỏa hoạn.
Như vậy là, trong suốt quá trình từ khi ký kết hợp đồng, vận chuyển trên biển cho đến khi gặp tổn thất tại Sri Lanka, không hề có sự xuất hiện của Công ty TAIFUN. Vậy vì lý do gì, Công ty TAIFUN lại ủy thác cho Công ty Việt Thái Phong được thụ hưởng số tiền bảo hiểm?
Khi bộ hồ sơ của Công ty Việt Thái Phong được Chi nhánh PJICO tại TP Hồ Chí Minh gửi ra Hà Nội, bị can Phan Hồng Thu đã sử dụng tài liệu giả mạo, trong đó, hóa đơn thương mại số 844/10EX 02 của Công ty Việt Thái Phong thì ghi bán hàng cho Công ty PIZOLER của Thụy Sĩ nhưng hợp đồng của Công ty Sông Tiền lại ghi bán hàng cho Công ty TAIFUN - nhưng Ngô Hồng Khoa - Trưởng phòng và Vũ Dương Quý - Phó Phòng Giám định bồi thường của PJICO cũng đã "bỏ qua” một cách rất đáng ngờ.
Quá trình giải quyết vụ việc, PJICO từng có Công văn số 2641 ngày 10-2-2003 thông báo Công ty Việt Thái Phong không phải là đơn vị được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Ngày 22-4-2004, PJICO tiếp tục có công văn 611 gửi Công ty Việt Thái Phong chính thức từ chối trách nhiệm bảo hiểm với lý do đơn vị này mua bảo hiểm sau khi tổn thất đã xảy ra gần 6 giờ đồng hồ.
Đáng chú ý, đến ngày 24-2-2005, quan điểm của PJICO xoay chiều khi Phó Phòng giám định Vũ Dương Quý viết báo cáo đề xuất trả tiền bảo hiểm cho Công ty Việt Thái Phong, sau đó, nguyên Phó TGĐ PJICO chủ trì cuộc họp tại PJICO lại thống nhất quan điểm về việc làm mất của Nhà nước 3,8 tỷ đồng!
Theo kết quả giám định của Vụ Bảo hiểm - Bộ Tài chính về tính chất pháp lý đối với hồ sơ mua bảo hiểm hàng hóa của Công ty Việt Thái Phong thì đơn bảo hiểm số 362 do PJICO TP Hồ Chí Minh cấp cho đơn vị này là "vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm" và việc PJICO bồi thường bảo hiểm cho Công ty Việt Thái Phong là trái với các quy định hiện hành.
Cơ quan điều tra cũng đã thu thập những tài liệu rất quan trọng về việc, khi Trần Văn Trí, nhân viên Sông Tiền tới Chi nhánh PJICO tại TP Hồ Chí Minh để mua bảo hiểm cho lô hàng, bị can Nguyễn Thị Bích Hợp, nhân viên Phòng Bảo hiểm hàng hải tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra thấy hóa đơn thương mại của Công ty Sông Tiền tính giá FOB (giá mua hàng tại cảng ở TP Hồ Chí Minh) không đủ điều kiện để cấp đơn bảo hiểm nên bị can Phan Hồng Thu đã thông báo giá CIF (giá giao hàng tại Thụy Sĩ, đã bao gồm phí vận chuyển và tiền bảo hiểm) để tính giá trị bảo hiểm hàng hóa. Lô hàng 15,8 tấn tôm đông lạnh, trị giá 144.340 USD khi ký hợp đồng tại Việt Nam sau đó, đã được viết hóa đơn yêu cầu bảo hiểm, trong đó, ghi trị giá là trên 200.000 USD.
Bị can Nguyễn Thị Bích Hợp tiếp đó đã viết và ký vào hóa đơn thu phí bảo hiểm số 027122 với tổng số tiền là 2323 USD dù trên thực tế, bảy ngày sau đó, nhân viên của Công ty Việt Thái Phong mới đến PJICO nộp tiền.
Trong vụ trục lợi bảo hiểm đặc biệt nghiêm trọng này, hai bị can Trần Nghĩa Vinh và Hồ Mạnh Quân đã có hành vi bàn bạc, thỏa thuận với Phan Hồng Thu về việc đưa và nhận hối lộ 1,9 tỷ đồng. Khi vụ việc bị phát hiện các bị can này đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân và đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả trước khi vụ án được khởi tố bị can nên cơ quan điều tra xem như đây là tình tiết giảm nhẹ khi vụ án được xét xử.
Với sáu đối tượng - trong đó có nguyên TGĐ Trần Nghĩa Vinh và nguyên Phó TGĐ Hồ Mạnh Quân, bị đề nghị truy tố, những tiêu cực tại PJICO chắc chắn sẽ trở thành vụ trục lợi bảo hiểm đầu tiên được các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra xét xử nhằm răn đe, trấn áp loại tội phạm kinh tế mới xuất hiện tại Việt Nam.
|