Chân dung một "tổ trưởng ăn chặn"
Đó là Nguyễn Ngọc Hồng, 51 tuổi, nguyên là đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1999-2004 ở phường Thạch Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
Hưởng ứng phong trào xóa đói, giảm nghèo, giúp gia đình chính sách và người nghèo có vốn sản xuất kinh doanh, hai ngân hàng trên địa bàn là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNN&PTNT) và NHC- SXH đã phối hợp với chính quyền địa phương cho các đối tượng nghèo và chính sách vay vốn. Nguyễn Ngọc Hồng được cử giữ chức tổ trưởng tổ vay vốn của hai ngân hàng. Lợi dụng cương vị của mình, Hồng dùng nhiều thủ đoạn vừa tinh vi vừa trắng trợn để moi tiền của Nhà nước và công dân.
Tính từ tháng 6-2001 đến tháng 5-2003, Hồng lấy cương vị tổ trưởng đi thu tiền vốn vay của các tổ viên nộp trả ngân hàng chính sách xã hội với tổng số tiền 354 triệu đồng (bao gồm cả gốc lẫn lãi). Nhưng y chỉ trả cho ngân hàng một phần, còn chiếm đoạt gần 157 triệu đồng. Còn với cương vị tổ trưởng tổ vay vốn, trong thời gian từ tháng 3-2001 đến tháng 12-2002, Hồng đại diện bên vay, ký 7 biên bản hợp đồng tín dụng với NHNN&PTNT vay số tiền 659 triệu đồng. Đến hạn trả gốc và lãi, Hồng thu của 33 tổ viên số tiền gần 220 triệu đồng nhưng không nộp cho NHNN&PTNT mà chiếm đoạt chi tiêu cá nhân.
Với hành vi chiếm đoạt của NHNN&PTNT và tổng số tiền hơn 376 triệu đồng, Nguyễn Ngọc Hồng đã bị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm khắc. Ngày 7- 11-2005 vừa qua, tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân quận Thanh Khê TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Hồng mức án 10 năm tù giam đồng thời buộc y phải nộp lại toàn bộ số tiền ăn chặn trên.
Tham ô gần 1 tỷ đồng
Phường 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều việc làm thiết thực chăm sóc gia đình chính sách và người nghèo. Song thật đáng buồn, cũng chính tại đây đã xảy ra một vụ tham ô đầy tai tiếng. Lý Thu Trang là phó ban kiêm kế toán Quỹ xóa đói, giảm nghèo của phường 1. Ở vị trí quan trọng dính liền với tiền bạc, Trang lại có "thói quen" sử dụng tiền bạc bừa bãi, liều lĩnh. Từ những khoản nợ vay nhỏ ban đầu, Trang nhanh chóng trả thành con nợ lớn của Nguyễn Thị Hồng Hạnh, một kẻ chuyên cho vay nặng lãi ở địa phương (với lãi suất cho vay lãi lúc cao nhất lên đến 60%/tháng).
Với kiểu vay tiền lãi suất "khủng khiếp" như vậy, Lý Thu Trang khó thoát khỏi vỡ nợ và thị đã tìm cách "khắc phục" bằng việc moi tiền tập thể. Trong một thời gian dài, Trang đã tham ô đủ thứ tiền mà Thị quản lý. Từ tiền quỹ xóa đói, giảm nghèo đến tiền lương hưu, trợ cấp thương binh, thậm chí là cả tiền quà tết Nguyên đán của các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công trong phường.
Cũng giống như Nguyễn Ngọc Hồng, Trang còn ăn chặn, tham ô tiền của các hộ nghèo vay từ ngân NHCSXH. Sau một thời gian vay tiền của NHCSXH để sản xuất kinh doanh, đến hạn trả, nhiều hộ nghèo, hộ chính sách ở phường 1 gom góp tiền để trả nợ cho ngân hàng. Chẳng hiểu ai xui khiến mà gần 20 gia đình lại dồn tiền đưa cho Lý Thu Trang 250 triệu đồng để nhà Trang trả nợ giúp. Vớ được tiền, Trang giữ lại tiêu xài cá nhân mà không trả cho ngân hàng, tổng cộng số tiền mà Lý Thu Trang tham ô, ăn chặn lên đến gần 940 triệu đồng.
Sau một thời gian điều tra, làm rõ, ngày 15-11-2005, cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh đã kết thúc điều tra, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân thành phố truy tố Lý Thu Trang về tội "Tham ô tài sản" và tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Cùng bị đề nghị truy tố với Lý Thu Trang còn có trùm cho vay nặng lãi Nguyễn Thị Hồng Hạnh với tội "cho vay lãi nặng" và Vĩnh Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 1 về tội "thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước" (khi còn đương chức, Vĩnh Văn Thanh đã thiếu trách nhiệm để Trang thực hiện chót lọt hành vi phạm tội của thị).
Ngăn chặn bằng những biện pháp gì?
Với vi phạm nghiêm trọng cả về đạo lý và pháp lý như trên, các bị can, bị cáo đã và sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật và sự lên án của dư luận xã hội. Vấn đề quan trọng là cần thông qua những vụ việc này đế rút ra bài học kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục sửa chữa, ngăn chặn hiệu quả.
Trước hết cần hiểu rõ rằng sự ưu đãi của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và người nghèo là hết sức cần thiết, thể hiện tính ưu việt của chế độ và tình cảm của chúng ta dành cho các đối tượng. Vì vậy, các thủ tục, các quy định khi cho vay cũng như thu hồi vốn phải thông thoáng, tiện lợi nhất cho người vay. Nhưng không thể vì vậy mà đơn giản, thiếu chặt chẽ dẫn đến sơ hở để kẻ xấu lợi dụng. Đã là hoạt động ngân hàng thì nguyên tắc thủ tục phải chặt chẽ và được tôn trọng, thực hiện nghiêm túc. Trong vụ án Nguyễn Ngọc Hồng, cơ quan ngân hàng sớm xác định được các tổ viên vay vốn đã nộp tiền cho Hồng để Hồng trả ngân hàng, nhưng Hồng lại không trả. Lẽ ra phải kịp thời và cương quyết áp dụng các biện pháp mạnh với Hồng để thu hồi tiền thì cơ quan ngân hàng lại 5 lần đồng ý cho Hồng gia hạn trả nợ, với lý do xin gia hạn trả nợ giả dối Hồng đưa ra?
Khi lựa chọn và sử dụng người đại diện để cho vay, thu hồi nợ của ngân hàng hay làm công tác quản lý quỹ xóa đói, giảm nghèo, tiền chính sách cần phải thận trọng và nghiêm túc nhằm có được những con người đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Mọi việc làm tắc trách, quan liêu hay những lý do không chính đáng nào khác trong sử dụng cán bộ, nhân viên đều có thể gây ra những hậu quả nặng nề. Nguyễn Ngọc Hồng mới tốt nghiệp trung học phổ thông, xuất thân từ một người đạp xích-lô; Lý Thu Trang có nguồn gốc và biểu hiện bất minh về tài chính... không hiểu vì sao lại được tín nhiệm giao những công việc gần gũi với đồng tiền bát gạo như vậy? Chính môi trường thuận lại và đầy cám dỗ của tiền bạc là mảnh đất tốt để Hồng và Trang dễ dàng phạm tội.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra-kiểm tra của Chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng, cơ quan nghiệp vụ cũng tỏ ra đơn giản, thiếu nghiêm túc. Các hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo trên diễn ra trong thời gian dài, liên tục, có nhiều người tham gia nhưng không hiểu vì sao lại không bị phát hiện, ngăn chặn? Nếu hoạt động thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, các vi phạm ban đầu bị phát hiện và xử lý nghiêm minh chắc chắn tội phạm sẽ bị ngăn chặn.
Trong khâu này, cần chú ý đến vai trò quan trọng của chính quyền cơ sở là nơi trực tiếp quản lý, hướng dẫn, theo dõi việc ưu đãi đối với các đối tượng. Nếu thiếu trách nhiệm, lơ là để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cán bộ địa phương cũng ngay lập tức có thể phải gánh chịu sự trừng phạt của luật pháp như ông nguyên Chủ tịch phường 1 Vĩnh Văn Thanh đã nêu trên.
Thực hiện tốt ba biện pháp vừa nêu, kết hợp với các biện pháp đồng bộ khác sẽ là điều kiện quyết định để chúng ta ngăn chặn được hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng chính sách; giúp cho hoạt động tốt đẹp này đạt kết quả thiết thực và có ý nghĩa ngày càng sâu sắc.
|