Hỏi: Thị trường đồ chơi nước ta đang có khá nhiều đồ chơi có hại cho trẻ. Ðề nghị báo cho biết Nhà nước có quy định nào cấm sản xuất, tàng trữ, lưu hành đồ chơi có hại cho trẻ em không?
Trả lời: Khoản 3 điều 14 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định nghiêm cấm việc bán hoặc cho trẻ em sử dụng những văn hóa phẩm đồi trụy, đồ chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Theo quy định tại Nghị định 03/2000/NÐ-CP ngày 3-2-2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp thì "kinh doanh đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách, sức khỏe của trẻ em hoặc ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội" là loại ngành nghề pháp luật Việt Nam cấm kinh doanh.
Quyết định số 28/QÐ-TTg ngày 13-1-1997 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách mặt hàng và điều hành công tác xuất nhập khẩu năm 1997 đã quy định về danh mục mặt hàng cấm nhập khẩu, trong đó cấm nhập khẩu đồ chơi trẻ em có ảnh hưởng xấu đến giáo dục nhân cách, đến trật tự an toàn xã hội. Ngày 27-12-1997, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ra Quyết định số 464/BNV ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm, bao gồm:
- Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn; súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại; súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ;
- Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén;
- Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn. Ðể xử lý nghiêm những hành vi sản xuất, nhập khẩu, sao lại, tàng trữ và lưu hành những văn hóa phẩm, đồ chơi có hại cho việc giáo dục trẻ em, Ðiều 26 Nghị định 49/CP ngày 15-8-1996 của Chính phủ quy định: "Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán hoặc cho trẻ em sử dụng những văn hóa phẩm độc hại, đồ chơi hoặc trò chơi có hại cho sự phát triển của trẻ em". Các loại đồ chơi nguy hiểm này khi bị phát hiện sẽ bị tịch thu để tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Luật sư KIM NGA
----------------------------------
Về kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm
Hỏi: Ðề nghị cho biết, các địa phương cần xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp như thế nào để phòng, chống có hiệu quả dịch cúm gia cầm (H5N1)?
Trả lời: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Thông tư số 69/2005 ngày 7-11-2005 hướng dẫn việc xây dựng Kế hoạch hành động khẩn cấp như sau: Căn cứ vào Kế hoạch hành động khẩn cấp của Chính phủ khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người, UBND các cấp xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của địa phương mình, chuẩn bị lực lượng, vật tư cần thiết để đối phó với các tình huống xảy ra.
Nội dung cơ bản gồm:
- Xác định vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch (vùng chăn nuôi mật độ cao, nhất là thủy cầm, gần trục đường giao thông, gần đô thị và vùng đã xảy ra dịch bệnh);
- Xây dựng các biện pháp phòng, chống cụ thể cho từng tình huống và mức độ dịch xảy ra;
- Xác định các lực lượng tham gia thực hiện các biện pháp chống dịch;
- Dự trù vật tư, phương tiện, kinh phí;
- Phân công nhiệm vụ và giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành để triển khai thực hiện.
Về tổ chức thực hiện:
- Ở cấp tỉnh, huyện: Tăng cường Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh và huyện. Thành phần gồm: Cấp ủy Ðảng, UBND, các đoàn thể, cơ quan nông nghiệp, y tế, thương mại, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, khoa học - công nghệ, tài chính, kế hoạch, công an, quân sự, văn hóa - thông tin.
- Ở cấp xã, phường: Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm của xã, phường với sự tham gia của cấp ủy Ðảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ thú y, nông nghiệp. Có tổ chuyên môn để hướng dẫn kỹ thuật, thường trực theo dõi và tổng hợp tình hình dịch, báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm xã, phường. Trưởng thôn, ấp, bản chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; cùng các tổ chức, đoàn thể quần chúng vận động nhân dân giám sát và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi thôn, ấp, bản tổ chức ký cam kết thực hiện "5 không": Không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi.
Thành lập đội xung kích chống dịch, gồm dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ thú y, y tế, công an, để phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường, tiêu hủy gia cầm bị bệnh, trực tại các chốt kiểm dịch. Chuẩn bị đủ kinh phí và vật tư (quần áo bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang, kính bảo hộ, ủng cao-su, thuốc sát trùng) để phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm tại địa phương. Ban chỉ đạo các cấp thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các ngành và cơ sở.
NGUYỄN TUYẾT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
|