“Khắc họa” trung thực diện mạo tham nhũng
Các Website khác - 05/12/2005
Ông
Nguyễn Văn Quyền.
Mặc dù tham nhũng là một vấn đề thời sự nóng bỏng, song kết quả của cuộc khảo sát, điều tra đầu tiên về tham nhũng ở Việt Nam, do Ban Nội chính Trung ương công bố mới đây, vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đã trao đổi ý kiến về vấn đề này.
* Thưa ông, kết quả của cuộc khảo sát, điều tra tham nhũng lần đầu tiên này có thực sự làm ông bất ngờ?

- Tôi cho rằng, số liệu và kết quả điều tra đã phản ánh trung thực, chứ thực sự chúng tôi không tiên liệu trước nó như thế nào.

* Kết quả của cuộc khảo sát, điều tra sẽ tác động như thế nào đối với chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng thời gian tới?

- Tác động tích cực của cuộc khảo sát, điều tra này rất rõ. Chúng tôi đã xuống địa phương làm việc với lãnh đạo các tỉnh và nhân dân và thấy rằng, có một sự hồ hởi trong việc tham gia cuộc khảo sát. Điều đó thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cuộc khảo sát chưa đưa ra kiến nghị nào, nhưng chúng tôi đã thấy rõ những vấn đề cần phải làm. Hy vọng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tới đây sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, và khơi dậy được ý thức về cuộc đấu tranh này.

* Kết quả khảo sát này có né tránh vấn đề nào không, thưa ông?

- Chúng tôi thường cập nhật và báo cáo với Ban Bí thư và Chính phủ về tình hình tham nhũng, qua đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị. Đáng chú ý là những kiến nghị và giải pháp đó trùng với những vấn đề mà Luật Phòng, chống tham nhũng, được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2005, đã đề cập, chứ không phải bây giờ chúng tôi mới “tung” ra. Đó là các vấn đề công khai, minh bạch, trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, vấn đề thành lập Ban chỉ đạo chống tham nhũng, cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở một số ngành chuyên trách chống tham nhũng như công an, viện kiểm sát, thanh tra...

* Trong lĩnh vực xảy ra tham nhũng nhiều nhất, đáng chú ý là ngành bảo vệ pháp luật như viện kiểm sát, tòa án và công an (theo kết quả khảo sát, 50% người dân được hỏi cho rằng, khi đến viện kiểm sát, tòa án, họ phải nộp thêm tiền ngoài quy định). Tiêu cực xảy ra ở những lĩnh vực này có khiến cho cán cân công lý mất công bằng, dẫn tới oan, sai nhiều?

- Tôi chưa có bình luận gì về kết quả này. Đây là kết quả điều tra của nhóm điều tra, khảo sát. Chúng tôi còn đang đặt dấu hỏi: kết quả này thực sự đã chính xác chưa, vì các vụ việc khi đưa sang cơ quan tư pháp, muốn được thụ lý thì phải nộp tiền lệ phí, án phí. Có khi người ta nhầm (tiền ngoài quy định) với án phí, lệ phí. Chúng tôi sẽ phải đặt lại câu hỏi điều tra: phải chăng đó là tiền nộp án phí, lệ phí, thuê luật sư?

Lưu ý rằng, đối với các vụ án dân sự về nhà cửa đất đai, án phí tính theo % trên giá trị tài sản. Do đó, đối với câu hỏi “có phải vì đến cơ quan tư pháp phải mất tiền nên có oan, sai xảy ra hay không” cần có sự trắc nghiệm lại cho chuẩn xác hơn.

* Tới đây, chúng ta có tiến hành khảo sát, điều tra định kỳ để đánh giá lại tình hình tham nhũng?

- Sau khi Thanh tra Chính phủ tiếp thu kết quả này, có thể tổ chức thực hiện khảo sát, điều tra định kỳ. Như PGS-TS Nguyễn Đình Cử (Trưởng nhóm điều tra) cũng đã nói, Ban Nội chính Trung ương dự định hằng năm sẽ phối hợp Thanh tra Chính phủ để khảo sát, xem việc thực hiện phòng, chống tham nhũng có đạt kết quả hay không.

Theo Đầu tư