* Xin ông cho biết những nguyên tắc cơ bản của SPS là gì ?
- SPS quy định, các nước thành viên có quyền áp dụng các biện pháp thích ứng để bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật trên lãnh thổ của một quốc gia khỏi những nguy hiểm do sự xâm nhập, hình thành hoặc lan truyền bởi côn trùng, dịch bệnh, các chất phụ gia, chất gây ô nhiễm, chất độc hoặc các sinh vật gây hại có trong thực phẩm, đồ uống... Tất cả các biện pháp kiểm dịch đều phải dựa trên cơ sở khoa học, điều này chính là cơ sở để đánh giá nguy cơ dịch hại.
Một số nguyên tắc cơ bản của SPS gồm:
Thứ nhất, các biện pháp kiểm dịch được xây dựng và áp dụng ở mức độ cần thiết, không được duy trì nếu thiếu chứng cứ khoa học.
Thứ hai, phải minh bạch hóa, các nước thành viên phải công bố tất cả các thông tin về các biện pháp kiểm dịch cho các thành viên khác.
Thứ ba là hài hòa, có nghĩa là phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
* Nếu đối chiếu với các nguyên tắc trên, có thể thấy công tác kiểm dịch của Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế, thí dụ như hệ thống tiêu chuẩn, thưa ông?
- Đúng như vậy. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng trong lộ trình thực hiện SPS, nhưng kết quả còn rất hạn chế do những khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất, các tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi cao hơn so với tiêu chuẩn hiện có của Việt Nam (năng lực kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ xử lý). Ngoài ra, việc chấp nhận các biện pháp kiểm dịch thực vật khác nhau giữa Việt Nam và các nước nhằm đạt mức độ tương đương là rất khó, vì hầu hết các nước phát triển áp dụng nhiều biện pháp kiểm dịch cao hơn so với năng lực kỹ thuật, các quy định pháp chế của Việt Nam.
* Vừa qua, có hiện trạng một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả lại về nước do không bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng. Vậy nguyên nhân chính của hiện tượng này cũng nằm ở khâu kiểm dịch ?
- Đối với hàng nông sản xuất khẩu, Việt Nam thường gặp trở ngại trong việc đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất lượng thực phẩm. Theo quy định, các nước xuất khẩu phải cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, từ khâu gieo trồng, thu hoạch đến bảo quản đóng gói.
Trong đó, các thông tin phải cụ thể từ đặc điểm vùng trồng; điều kiện thổ nhưỡng; tình hình sử dụng phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất bảo quản; danh mục dịch bệnh hại; các biện pháp canh tác... thông thường. Những yêu cầu này đều cao hơn nhiều so với trình độ kỹ thuật của Việt Nam. Đối với trường hợp mặt hàng không có đầy đủ những thông tin này, các nước nhập khẩu thường có biện pháp đối phó là... cấm nhập.
Phải thừa nhận rằng, khâu kiểm dịch của Việt Nam còn yếu kém, do trình độ kỹ thuật và nhân lực còn hạn chế, chưa có sự phối hợp giữa sản xuất - chế biến - bảo quản - xuất khẩu...
* Chúng ta khắc phục những tồn tại này như thế nào?
- Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan chủ trì thực thi SPS, nên trong thời gian qua, Cục đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của SPS, trong đó đã thành lập Văn phòng thông báo và hỏi đáp quốc gia về SPS; duy trì kênh trao đổi thông tin với quốc tế trong lĩnh vực kiểm dịch và bảo vệ thực vật. Công ước quốc tế về Bảo vệ thực vật đã ban hành 24 tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật, đến nay Việt Nam đã thực hiện được ba tiêu chuẩn và ba tiêu chuẩn nữa sẽ được phê chuẩn vào cuối năm nay. Các tiêu chuẩn còn lại sẽ được xem xét trong những năm tiếp theo.
Cục Bảo vệ thực vật đang đề nghị, trong năm 2006 thành lập điểm kiểm dịch động, thực vật tại cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai, với các trang thiết bị tối thiểu, cần thiết để phục vụ cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý dịch hại.
|