Về quản lý đầu tư xây dựng, những sai phạm xảy ra ở các dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch (giai đoạn I), ở công trình xây dựng nhà vệ sinh, công trình cải tạo xây dựng 12 phòng học của trường trung học cơ sở xã; công trình sân khấu, bể nước trong khuôn viên trường tiểu học của xã. Chỉ nói riêng về dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch xã Nam Phong (giai đoạn I) đã vi phạm các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, vi phạm về quản lý tài chính, quản lý thu chi tiền đóng góp của nhân dân, và nghiệm thu thanh quyết toán công trình không đúng khối lượng thi công thực tế.
Trong hàng loạt những vi phạm này, người ta thấy nhiều cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Nam Phong phải chịu trách nhiệm. Nhiều người đã bị xử lý kỷ luật Ðảng, bị xử lý hành chính với các mức độ khác, nhưng nổi lên vai trò, trách nhiệm của ông Phạm Văn Tuấn, nguyên Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Phong nhiệm kỳ 1999-2004 và ông Ðỗ Hữu Lâm, Phó Ban tài chính xã trong hàng loạt những sai phạm xảy ra ở đây. Triển khai dự án một ban quản lý được thành lập. Nhưng ban này hoạt động hình thức, việc ký kết các hợp đồng nhận thầu xây dựng công trình, ký kết biên bản nghiệm thu, ký hồ sơ thanh quyết toán công trình, đều do ông Phạm Văn Tuấn, ký xác nhận. UBND xã Nam Phong là cơ quan quản lý nhà nước không có tư cách pháp nhân về nhận thầu xây dựng, ấy vậy mà ông Tuấn trình chỉ định thầu gói thầu số 1 (đào đất, đệm cát, lấp đường ống, xây hố van, san lấp mặt bằng, xây đường bao nhà máy nước).
Ở khâu giám sát thi công công trình cũng diễn ra những sai phạm tương tự. Ông Tuấn ký quyết định thành lập ban giám sát thi công. Cái ban này không có năng lực chuyên môn, thậm chí nhiều người không là thành viên của ban giám sát cũng ký vào một số biên bản nghiệm thu từng hạng mục công trình. Vì động cơ gì mà họ ký các biên bản này, rồi đây các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ. Ðiều đáng ngạc nhiên là, khi các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra dự án đã phát hiện những vi phạm, hay nói đúng hơn là những thủ đoạn khuất tất mà ông Phạm Văn Tuấn thực hiện. Giá trị gói thầu này được thanh quyết toán là 444.484.000 đồng nhưng đã phải xuất toán 54 triệu 391 nghìn đồng do khai vống khối lượng thi công. Gói thầu số 1 đã thanh toán bao gồm cả thuế VAT nhưng UBND xã là đơn vị được chỉ định thầu thi công chưa nộp thuế VAT vào ngân sách: 21.486.000 đồng. Tổng cộng hai khoản tiền trên phải thu hồi nộp ngân sách 75.877.000 đồng. Trước khi Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra công trình cấp nước sạch xã Nam Phong giai đoạn 1, UBND xã Nam Phong đã thu hồi của gói thầu số 1 nộp ngân sách 60 triệu đồng, còn lại 15.877.000 đồng UBND xã Nam Phong phải tiếp tục thu hồi vào ngân sách. UBND xã là đơn vị hành chính không có chức năng và tư cách pháp nhân để nhận thầu xây dựng công trình.
Ðể hợp thức hóa việc thanh toán, UBND xã Nam Phong đã ký hợp đồng thi công với HTX Nông nghiệp xã Nam Phong nhưng việc ký hợp đồng thi công này chỉ là hình thức, toàn bộ hồ sơ nghiệm thu, quyết toán, thanh toán công trình UBND xã Nam Phong ký với HTX Nông nghiệp Nam Phong cũng chỉ là hình thức để rút tiền, còn thực chất UBND xã Nam Phong đã giao thầu trực tiếp cho ông Hoàng Văn Ðịnh, cán bộ chi nhánh xây dựng 5- 04 (Vinaconex) thi công và giao cho một số cán bộ của xã thuê nhân công trực tiếp của xã nhưng không có hồ sơ hợp đồng, biên bản nghiệm thu và thanh quyết toán cụ thể.
Ðây là hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản. Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Phong nhiệm kỳ 1999-2004 phải chịu trách nhiệm về hành vi làm trái này. Ông Ðỗ Hữu Lâm, Phó ban Tài chính xã, thành viên Ban Quản lý công trình cấp nước sạch xã Nam Phong phải chịu trách nhiệm về việc tham mưu lập hồ sơ thanh toán giả với HTX Nông nghiệp xã Nam Phong. Gói thầu số 1 do UBND xã Nam Phong được chỉ định thầu, UBND xã Nam Phong đã giao thầu trực tiếp cho ông Ðịnh, cán bộ chi nhánh xây dựng 5-04 thi công và giao cho một số cán bộ xã thuê nhân công trực tiếp của xã, nhưng ông Lâm là Phó ban Tài chính xã đã không quản lý và lưu trữ hồ sơ thanh toán thực tế gói thầu này gây khó khăn cho công tác thanh tra và điều tra xác minh để truy thu số tiền phải xuất toán và tiền thuế VAT chưa nộp. Rồi đây Ðỗ Hữu Lâm sẽ giải trình như thế nào trước các cơ quan bảo vệ pháp luật về các khoản thanh toán thực tế gói thầu này. Trong những vụ việc nổi cộm, phức tạp xảy ra ở xã Nam Phong, người ta quan tâm nhiều đến việc buông lỏng quản lý tiền của nhân dân đóng góp. Trước hết là khoản tiền 300 triệu đồng, do nhân dân đóng góp để xây dựng công trình nước sạch. Quá trình thi công công trình nước sạch giai đoạn 2, ngày 25-6-2003, ông Tuấn chỉ đạo ông Trần Ngọc Vĩnh, thủ quỹ UBND xã lấy 300 triệu đồng ứng cho ông Hoàng Văn Ðịnh mà không hành tự qua sổ sách, kế toán tài vụ, cho nên ông Ðịnh chỉ làm "thủ tục" giản đơn là ghi vài chữ vào sổ tay của ông Vĩnh "ứng của ông Vĩnh 300 triệu đồng" và ký tên.
Tháng 1-2004 trước khi nhận chức Chủ tịch UBND phường Cửa Nam (TP Nam Ðịnh) ông Phạm Văn Tuấn đã bàn giao những khoản UBND xã nợ xây dựng vài tỷ đồng nhưng lại không bàn giao khoản 300 triệu đồng mà ông Ðịnh đã nợ xã. Và phải chờ mãi đến ngày 28-10-2004 khi Ðảng ủy xã Nam Phong có ý kiến về khoản tiền này, thì ông Phạm Văn Tuấn mới hối thúc ông Ðịnh hoàn số tiền cho xã để nộp vào kho bạc theo quy định về quản lý tài chính. Ông Phạm Văn Tuấn, và các ông Trần Ngọc Vĩnh, Trưởng ban Tài chính; Ðỗ Hữu Lâm, Phó ban Tài chính xã chưa có dấu hiệu tham ô khoản tiền 300 triệu đồng hay là hành vi tham ô không thành vẫn là câu hỏi mà họ phải trả lời về vụ việc này.
Mới đây, UBND thành phố Nam Ðịnh kết luận rằng: Ông Ðỗ Hữu Lâm đã rất thiếu tinh thần trách nhiệm, đã không làm thủ tục ứng tiền mặt cho ông Ðịnh, và phải chịu trách nhiệm chính trong việc không phản ánh tổng số tiền của nhân dân đóng góp và số tiền ứng cho đơn vị thi công trong biên bản bàn giao khi ông Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
Ở khoản tiền 35.845.000 đồng nhân dân đóng góp, ông Trần Ngọc Vĩnh đã thu nhưng chưa nộp vào ngân sách và ứng chi sai nguyên tắc cho một số người, trong đó có sai phạm của ông Tuấn trong việc duyệt chi thường xuyên 1.250.000 đồng nhưng không có tiền, ông Lâm đã cho ứng thanh toán từ tiền đóng góp của dân, rồi cũng chính ông chủ tịch này duyệt cho ông Phạm Văn Thử (lúc đó là cán bộ Văn phòng UBND xã), ứng 5 triệu đồng để thanh toán tiền sửa chữa trạm y tế xã. Ông Ðỗ Hữu Lâm, chẳng cần Chủ tịch UBND xã phê duyệt đã tự duyệt ứng 12 triệu đồng để chi cho các công việc khác ở xã. Thì ra tiền của dân mà các ông đã tùy tiện, ai chi và chi vào việc gì cũng được sao? Ðối với các công trình xây dựng nhà vệ sinh, trường trung học cơ sở; cải tạo xây dựng 12 phòng học trường THCS; cải tạo nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và công trình xây dựng sân khấu, bể nước trong khuôn viên trường học, các cơ quan chức năng mới phát hiện giá trị quyết toán khống 3.236.000 đồng. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nam Phong mong muốn các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra toàn diện các công trình này để làm rõ dấu hiệu vi phạm của những cán bộ có liên quan. Thời gian gần đây, thành phố Nam Ðịnh tập trung xử lý những vi phạm về quản lý đất đai ở xã Nam Phong, người ta lại thấy rõ, không phải ai khác mà chính ông Phạm Văn Tuấn, khi làm Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 1999-2004 đã buông lỏng công tác quản lý đất đai để xảy ra tình trạng có nhiều trường hợp lợi dụng sơ hở để lấn chiếm đất đai và lợi dụng chuyển đổi cơ cấu, đất công ích được giao thầu để mua bán kiếm lời và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép gây bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân. Các vụ việc vi phạm xảy ra ở Nam Phong càng trở nên phức tạp khi hé lộ khoản tiền 11 triệu 630 nghìn đồng mà các tập thể, cá nhân tặng xã Nam Phong bị thất thoát. Ngày 16-12-2002, xã Nam Phong tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Là những thành viên trong ban hậu cần của buổi lễ, ông Phạm Văn Thử lúc đó là cán bộ Văn phòng UBND xã cùng với ông Ðỗ Hữu Lâm làm nhiệm vụ kiểm đếm quản lý số tiền của 54 đơn vị, chín cá nhân tặng xã trong dịp này tổng cộng là 11 triệu 630 nghìn đồng.
Cho đến ngày 16-6 năm nay, Ðảng ủy xã họp xét kỷ luật đối với ông Ðỗ Hữu Lâm. Tại cuộc họp này một lần nữa ông Ðỗ Hữu Lâm một mực khẳng định rằng ông không giữ khoản tiền đó thế nhưng lại cung cấp 12 hóa đơn chứng từ và giải trình rằng đã tọa chi từ khoản tiền đó (trong đó có những chứng từ chi từ trước ngày xã tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng). Thế là ông tự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm.
Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, trước mắt ông Lâm có trách nhiệm hoàn nộp 11 triệu 630 nghìn đồng. Vụ việc này đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra. Dư luận đồng tình với Thành ủy Nam Ðịnh đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị về đại hội đảng các cấp tiến tới Ðại hội X của Ðảng, và các văn bản hướng dẫn của T.Ư về xử lý những vụ việc tồn đọng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực nên đã lãnh đạo các cơ quan chức năng thành phố đến xã tập trung làm rõ.
Việc xử lý kỷ luật khai trừ Ðảng, buộc thôi việc đối với các ông Phạm Văn Tuấn, và ông Ðỗ Hữu Lâm, Phó ban Tài chính xã mới chỉ là bước đầu. Thành ủy Nam Ðịnh đang chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm kỷ luật Ðảng và pháp luật nhà nước đối với những người có dấu hiệu vi phạm dù còn đương nhiệm hay đã nghỉ công tác, với phương châm sai đâu xử đấy, phát hiện sai phạm thêm thì chỉ đạo xử lý tiếp. Quyết định đúng đắn đó được dư luận đồng tình ủng hộ.
|